Hãng tin Reuters ngày 7-12 dẫn các nguồn tin cho biết Mỹ đang chuẩn bị áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ít nhất 14 quan chức Trung Quốc được cho là có vai trò trong nghị quyết cho phép Hong Kong bãi nhiệm các nghị sĩ đối lập.
Ba nguồn tin, gồm một quan chức Mỹ am hiểu vấn đề, cho biết các quan chức Trung Quốc, trong đó có các đại biểu quốc hội, sẽ bị áp đặt các biện pháp như phong tỏa tài sản và trừng phạt tài chính.
Các quan chức này bị trừng phạt với cáo buộc đóng vai trò trong nghị quyết do quốc hội Trung Quốc thông qua hồi tháng 11, theo đó cho phép chính quyền Hong Kong truất ghế lập tức các nghị sĩ của cơ quan lập pháp trong một số trường hợp nhất định mà không cần thông qua tòa án thành phố.
Một nguồn tin cho hay các cá nhân bị Mỹ trừng phạt có thể gồm cả các quan chức Hong Kong.
Tuy nhiên, các nguồn tin không cung cấp tên hoặc chức vụ của những người sẽ bị trừng phạt. Quyết định trừng phạt có thể được công bố sớm nhất vào ngày 7-12 (giờ Mỹ), nhưng cũng có thể bị hoãn cho đến cuối tuần.
Bộ Ngoại giao Mỹ và Nhà Trắng hiện chưa bình luận về sự việc.
Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump. Ảnh: NBC
Trước đó, chính quyền Hong Kong hồi tháng 11 đã bãi nhiệm bốn nghị sĩ đối lập khỏi cơ quan lập pháp sau khi quốc hội Trung Quốc thông qua nghị quyết cho phép chính quyền Hong Kong được truất ghế nghị sĩ mà không cần thông qua tòa án. Động thái này dẫn đến việc hàng loạt nghị sĩ đối lập từ chức để phản đối.
Liên minh tình báo "Ngũ Nhãn" - gồm Mỹ, Úc, Anh, Canada và New Zealand - đã chỉ trích nghị quyết này và kêu gọi Bắc Kinh thu hồi quyết định. Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O'Brien nói việc bãi nhiệm nghị sĩ cho thấy mô hình "một quốc gia, hai chế độ" giờ chỉ còn là "bức bình phong" và cam kết Mỹ sẽ hành động.
Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ hồi tháng 11 đã trừng phạt thêm bốn quan chức Trung Quốc trong chính quyền và cơ quan an ninh Hong Kong, cấm họ đến Mỹ và phong tỏa bất kỳ tài sản nào liên quan đến Mỹ mà họ có thể nắm giữ.
Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 10 đã cảnh báo các tổ chức tài chính quốc tế có mối quan hệ làm ăn với các cá nhân bị cáo buộc thực hiện các hoạt động trấn áp phe đối lập tại Hong Kong có thể sớm đối mặt với lệnh trừng phạt nghiêm khắc.
Mỹ hồi tháng 8 cũng đã áp lệnh trừng phạt với loạt quan chức cấp cao Hong Kong, trong đó có Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga.
Bắc Kinh lên án các lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan đến Hong Kong, gọi đây là sự can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Động thái trừng phạt mới của Mỹ diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống đương nhiệm Donald Trump tiếp tục gây áp lực lên Trung Quốc trong những tuần tại nhiệm cuối cùng. Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ nhậm chức ngày 20-1.
Hong Kong được cho là một trong những vấn đề “gai góc” nhất trong chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của ông Biden, trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên.
Ông Biden cam kết sẽ có đường lối cứng rắn hơn ông Trump liên quan vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc. Do đó, phản ứng của ông đối với vấn đề Hong Kong có thể là thử nghiệm sớm cho quyết tâm đó.