Chiến công nối tiếp chiến công
Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chỉ trong thời gian ngắn, Công an huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An là đơn vị xuất sắc đã liên tiếp lập nhiều chiến công xuất sắc, phát hiện và triệt xóa các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn từ khu vực biên giới Việt Nam - Lào xâm nhập vào nội địa; các điểm “nóng”, phức tạp về mua bán lẻ và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dịp cuối năm.
Thượng tá Cao Thanh Hải - Trưởng Công an huyện Quế Phong cho biết, từ tháng 10/2020 cho đến tháng 11/2020, đơn vị đã phá 5 chuyên án lớn về ma túy, thu giữ 24 bánh heroin, 20.000 viên ma túy tổng hợp và 1kg ma túy đá.
“Vào thời điểm cuối năm, các hoạt động “thẩm lậu”, trung chuyển trái phép chất ma túy trên địa bàn vùng biên có chiều hướng phức tạp, gia tăng hơn. Bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, Công an huyện Quế Phong đã chủ động huy động tối đa lực lượng, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình; qua đó liên tiếp đấu tranh, triệt phá thành công nhiều chuyên án lớn về ma túy, góp phần đẩy lùi các hoạt động phạm tội, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân”, Thượng tá Hải nói.
Điển hình như chuyên án ma túy được đơn vị xác lập và khám phá thành công vào tối 5/11, bắt 2 đối tượng Trương Thị Huyền (SN 1976) trú tại khối Bản Bon, thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong và Trương Ngọc Quế (SN 1995) trú tại khối Trung Tiến, phường Hưng Dũng, TP.Vinh về các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Số tang vật lực lượng chức năng thu giữ trong chuyên án vô cùng lớn, gồm: 12 bánh heroin, 2 khẩu súng tự chế, 5 dao, kiếm các loại cùng các vật chứng có liên quan. “Qúa trình thu thập thông tin, Huyền và Quế là kẻ vô cùng gian xảo. Chúng thường xuyên hóa trang, thay đổi nhân dạng, thời gian hoạt động. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm khi trải qua hàng chục chuyên án lớn, nhỏ về ma túy, bắt hàng loạt đối tượng “sừng sỏ”, “cáo già” về ma túy, ban chuyên án đã làm rõ phương thức và thủ đoạn hoạt động của bọn chúng”, 1 điều tra viên cho biết.
Hay như trước đó là chuyên án 10.000 viên ma túy tổng hợp được Công an huyện Quế Phong “giải mã” thành công sau 1 tháng trời ròng rã kiên trì điều tra, lên kế hoạch vây bắt.
Cụ thể, vào tối 15/10, tại địa phận xã Tiền Phong, huyện Quế Phong, ban chuyên án Công an huyện đã lập chốt chặn, tiến hành mật phục và bắt quả tang đối tượng Vi Văn Quyết (SN 2005) trú tại khối Hồng Phong, thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong khi hắn đang trên đường vận chuyển ma túy.
Cùng thời điểm đó, 1 tổ công tác khác trong ban chuyên án lập tức bao vây nơi ở của Vi Văn Chung (SN 1991) trú tại khối Hồng Phong, thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong, là đối tượng cầm đầu trong đường dây ma tuý trên. Với các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, các trinh sát đã ập vào khống chế và tóm gọn đối tượng Chung.
Theo Trưởng công an huyện Quế Phong, thời điểm cuối năm, tình hình hoạt động của loại tội phạm về ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào ở huyện Quế Phong vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Do vậy, Công an huyện sẽ tiếp tục huy động lực lượng, chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng khác, tăng cường nắm tình hình, bám cơ sở để kiểm soát triệt để toàn tuyến biên giới nhằm kịp thời phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với các tụ điểm, đường dây thẩm lậu, trung chuyển ma túy trái phép.
Cắm bản vùng biên
Việc triệt phá liên tiếp các chuyên án lớn về ma túy là sự thành công của Công an huyện Quế Phong, bởi đây là địa bàn vô cùng phức tạp với nhiều khó khăn và nguy hiểm. Quế Phong là huyện có 4 xã biên giới (Tri Lễ, Thông Thụ, Hạnh Dịch và Nậm Giải) giáp nước bạn Lào. Người dân ở đây đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống thưa thớt, trình độ dân trí cũng như nhận thức về pháp luật chưa cao.
Nói về việc này, ông Lê Văn Giáp – Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: “Đời sống kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả nên người dân thường bị các đối tượng phạm tội thường lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin để rủ rê, lôi kéo tham gia vào các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Có rất nhiều người đã vi phạm pháp luật bởi sự thiếu hiểu biết và mờ mắt bởi đồng tiền”.
Bên cạnh đó, lợi dụng sự thông thạo địa hình, nắm rõ các đường mòn, lối nhỏ hiểm trở tại các khu vực rừng rậm nối liền 2 nước, các đối tượng móc nối, cấu kết với các nhiều kẻ cộm cán hình sự ở phía bên kia biên giới để lấy nguồn “hàng” rồi “thẩm lậu” về địa bàn, sau đó bán lại cho các “đầu nậu” khác hoặc trung chuyển ra các tỉnh, thành phố lớn trong nước để tiêu thụ.
Đặc biệt, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt và rất manh động, liều lĩnh, sẵn sàng sử dụng các loại vũ khí “nóng” để chống trả, tấn công nếu bị lực lượng chức năng phát hiện.
Trước thực trạng trên, Công an huyện Quế Phong đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành “bám bản, bám làng”, gần gũi với nhân dân, tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân để cùng tham gia công tác giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở nói chung, và công tác đấu tranh phòng, chống ma túy nói riêng.
Đặc biệt, chủ trương đưa công an chính quy về đảm nhiệm chức danh công an xã, nhằm xây dựng lực lượng công an theo 4 cấp đã phát huy được sự tích cực. Lực lượng công an các cấp khi thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn cơ sở là phải bám dân, bám cơ sở, làm tốt công tác vận động quần chúng, ổn định đời sống cho người dân cũng như giữ vững an ninh trật tự ở cơ sở.
Điển hình, Tri Lễ là xã biên giới phía Tây Nam của huyện Quế Phong, cách trung tâm huyện hơn 30 km, có chiều dài đường biên giới 17,5 km với 8 cột mốc giáp huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào.
Toàn xã Tri Lễ có 5 bản người Mông sinh sống dọc biên giới, đường sá đi lại rất khó khăn. Đây cũng là địa bàn mà các loại tội phạm thường lén lút lợi dụng, tìm cách móc nối với bà con nhân dân để dụ dỗ thực hiện các hành vi phạm tội, nhất là tội phạm về ma túy. Vì vậy, sự có mặt của công an chính quy ở xã đã phần nào nâng cao tính răn đe, ngăn ngừa ý định phạm pháp của các đối tượng ngay từ cơ sở.
Ông Vi Văn Cường – Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, huyện Quế Phong cho biết: “Khi về xã, lực lượng công an chính quy nhanh chóng bám sát địa bàn, bám dân, tổ chức trực ban 24/24h, tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát, nhất là vào ban đêm tại các khu vực trọng điểm. Vì vậy, công tác quản lý các đối tượng tại cơ sở được đẩy mạnh và thực hiện bài bản, có hiệu quả hơn”.