vĐồng tin tức tài chính 365

Thư từ nước Mỹ: Những chuyện không thể tin nổi về "đội quân" áo đen đang tàn phá nước Mỹ

2020-12-07 16:35

Có lẽ vì sự chán nản vô tận của những ngày tháng đóng cửa do đại dịch, những kẻ theo chủ nghĩa vô chính phủ và chống phát xít nhưng lại tự coi mình như "những nhà cách mạng" – đã quyết định tạo ra một chút phấn khích cho cuộc sống cô lập thời Covid. Đặc điểm chung của nhóm này: nam giới, da trắng, ở độ tuổi thanh niên hiếu chiến và đều để tóc dài búi ngược lên (kiểu tóc man bun) – họ gặp nhau ở một sở thích chung nữa: đốt phá những khu phố sầm uất khắp nước Mỹ .

Bắt đầu từ tháng 5, nước Mỹ chìm trong bạo loạn, cướp bóc, đốt phá và cả việc sát hại những người dân vô tội sau khi cảnh sát giết chết một người đàn ông da đen không vũ trang - George Floyd - người bị cáo buộc phạm tội ăn cắp một tờ 20 đô la giả. Sự việc này châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình lớn khắp nước Mỹ, sau đó là bạo lực lan rộng. Cho đến nay đã có 600 cuộc bạo động bạo lực và vài nghìn cuộc bạo động "ôn hòa".

Hàng trăm "nhà cách mạng" kiểu này tiếp tục coi đây là cơ hội để đóng góp vào nền văn hóa và kinh tế Mỹ bằng cách phá hủy nó. Minh hoạ cho điều này chính là hình ảnh của thành phố không tên.

Đó là thành phố mà cư dân hầu như là người da trắng, cả chính phủ và người dân đều mang tư tưởng cực tả. Vào những năm 1960, đây là nơi sinh sống của những người theo trào lưu hippi, những thanh niên chối bỏ mô hình xã hội thông thường mà dùng hoa để tượng trưng cho những lý tưởng phổ quát, hoà bình và tình yêu (flower children), và những người theo phong trào chống đối giới chóp bu chính trị. Thành phố không tên này giờ lại trở thành nơi trú ngụ cho những kẻ theo chủ nghĩa vô chính phủ và chống phát xít với chủ trương cách mạng bạo động.

 Thư từ nước Mỹ: Những chuyện không thể tin nổi về đội quân áo đen đang tàn phá nước Mỹ - Ảnh 1.

Họ là những người đã tự cho mình cái quyền thay mặt cho người da đen bị áp bức đứng lên biểu tình để tưởng nhớ George Floyd. Làm gì có cách nào tốt hơn là đốt phá các cơ sở kinh doanh và khu dân cư của người da đen. Không lý lẽ nào có thể xuyên thủng được bộ não của đám người này. Họ đâu chịu hiểu rằng người da đen không cần hoặc không muốn vài gã da trắng đột ngột xuất hiện và lên lớp với họ về việc phải làm gì hoặc hành động thay cho họ.

Họ luôn nổi bật giữa bất kỳ đám đông nào. Phần lớn trong số họ là thanh niên, ngoài một phần nhỏ là người lớn tuổi hơn, tham gia vì muốn sống lại "những tháng năm rực rỡ" tranh thủ lúc đang thất nghiệp. Hầu hết số này là nam giới. Vậy chẳng có lẽ là họ làm mọi việc chỉ để tìm cách gặp gỡ phụ nữ chăng?

Phần lớn nhóm này là người da trắng. Đâu có người da đen nào lại ngốc đến mức độ tự tay đốt phá chính khu phố của mình trên danh nghĩa bảo vệ nó. Vậy mà chỉ riêng những "nhà cách mạng" tự xưng này thì lại cứ tin điều đó một cách bền bỉ, sắt son.

 Thư từ nước Mỹ: Những chuyện không thể tin nổi về đội quân áo đen đang tàn phá nước Mỹ - Ảnh 2.

Họ tuyên bố chống lại chủ nghĩa phát xít, nhưng vì không hiểu biết ngọn ngành lịch sử, họ vô tình mặc nguyên đồng phục của những kẻ phát xít khét tiếng nhất – Áo sơ mi đen của Benito Musolini, cha đẻ của Chủ nghĩa Phát xít Ý và Schutzstaffel, một tổ chức bán quân sự dưới trướng Adolf Hitler và Đảng Quốc xã. Trang phục của họ tuyền màu đen. Khẩu trang cũng màu đen, nhưng không phải đeo để chống Covid mà để không ai thấy được mặt họ. Họ trang bị cho mình mũ bảo hiểm đi xe đạp và quần áo giáp cá nhân giống của quân đội – lý do chỉ vì họ sợ bị trúng đạn cao su và để trông cho "ngầu". Một số người khác lại tin rằng mặc đồ đen khiến họ không bị phát hiện.

Nhóm này toàn là những người siêu gầy, có thể là do lạm dụng chất kích thích quá mức và họ còn cố tình làm nổi bật cơ thể xương xẩu của mình bằng cách diện "quần bò bó". Chỉ cần xoay người sang ngang là họ trở nên "vô hình".

Tất cả đều đeo ba lô có đựng vũ khí, đặc biệt là đá viên, gậy bóng chày, xăng, pháo hoa và kiểu gì cũng phải có chai nước. Cả lúc mải mê đốt phá chính đồng bào của mình thì vẫn không được quên uống đủ nước!

Những kẻ này đã dạy cho dân tộc một bài học quý giá: thật không thông minh cho lắm khi châm ngòi một quả bom xăng trong lúc bản thân đang mặc đồ dễ bắt lửa và lưng đeo ba lô đầy pháo hoa và xăng. Việc yêu thích của nhóm người này là ném bom xăng vào những thực khách đang ngồi ăn ngoài trời. Mới gần đây, khi một kẻ trong số này vô tình tự gây hoả hoạn cho bản thân thì các thực khách đã vui vẻ vỗ tay tán thưởng bởi nghĩ mình đang được xem một màn trình diễn.

Nhóm người này còn in chữ "A" màu đỏ trên "đồng phục" của mình, có lẽ để biểu thị rằng họ là "những kẻ khốn nạn" (bởi từ này trong tiếng Anh bắt đầu bằng chữ A). Có thể, họ không ý thức được rằng chữ A màu đỏ là một biểu tượng — trong văn học Mỹ — tượng trưng cho người đã vi phạm lòng tin và chuẩn mực chung.

Đặc điểm nổi bật nhất của nhóm này là họ đều để búi tóc "man bun". Kiểu đầu này buộc họ phải nuôi tóc dài chấm vai, sau đó cuộn lại và búi ngược lên cao sau gáy như hình vỏ con tôm hùm. Rõ ràng, những cái búi tóc này chỉ có thể là để doạ những kẻ thù của nhóm vô chính phủ, chống phát xít hoặc để mê hoặc phụ nữ. Vậy nhưng họ đâu biết rằng điều khiến những người phát xít và phụ nữ sợ hãi chính là việc "các nhà cách mạng" tự xưng chẳng mấy khi chịu tắm rửa. Họ sống trong những túp lều tạm, dưới tầng hầm hoặc ghế đá công viên.

Điều rất thú vị là các quan chức lãnh đạo của chính quyền thành phố luôn phủ nhận sự tồn tại của "các nhà cách mạng" tự xưng. Thậm chí, họ còn phủ nhận việc bạo loạn đang diễn ra. Họ cho rằng đó chỉ đơn giản là người biểu tình thực hiện quyền tự do ngôn luận. Rồi thậm chí, họ còn tham gia xuống đường cùng các nhóm này, tất nhiên không thể thiếu nhân viên an ninh đi cùng. Tôi đoán đây là lý do tại sao chúng ta không biết gì về các nhóm này: các quan chức đã nói rồi, họ đâu có tồn tại!

Dường như, lãnh đạo của các thành phố tin rằng việc gọi những kẻ bạo loạn là những kẻ bạo loạn sẽ làm hoen ố chân dung chính trị của họ. Có thể đúng như vậy thật! Tuy nhiên, thật nực cười khi nghe người đứng đầu của một thành phố bác bỏ sự tồn tại của các nhóm quá khích ngay giữa lúc đội quân hàng trăm người đeo khẩu trang kín mặt, mặc áo đồng phục với chữ A màu đỏ trước ngực hùng hổ ném bom xăng vào các toà nhà, tàn sát trong thành phố. Sự nực cười chỉ kết thúc khi "các nhà cách mạng" tự xưng đốt phá chính toà chung cư của ngài thị trưởng. Quả báo! Rồi ngài thị trưởng xin lỗi vì đã không có mặt trong toà nhà và không bị thiêu sống.

Để nhất quán với việc không có khả năng nhận thức được là những kẻ bạo loạn đang gây bạo loạn, các công tố viên của thành phố ra tay hậu thuẫn bằng cách không truy cứu hình sự đối với hành vi bạo loạn. Nói một cách chính xác hơn thì những kẻ bạo loạn đã bị bắt đều được trả tự do ngay lập tức. Các công tố viên cho rằng những người này chỉ là đang giải toả căng thẳng chút thôi. Nhưng việc chính quyền tuyên bố như vậy lại khiến một số kẻ bạo loạn cảm thấy bị xúc phạm: họ thực sự muốn có tiền án để khoe khoang thành tích với bạn bè.

Việc đưa tin của truyền thông chỉ đơn thuần là một sự đồng loã. Đài CNN đã trở nên nổi tiếng một phóng sự hiện trường: một phóng viên đang nói về sự ôn hoà của các cuộc biểu tình thì một toà nhà bùng cháy ngay trước máy quay. Rồi phóng viên vẫn thao thao bất tuyệt về cuộc biểu tình ôn hoà, máy quay vẫn tiếp tục chiếu cảnh toà nhà phát nổ ở hậu cảnh. Hầu hết báo chí không đưa tin về các cuộc bạo động, bởi trong mắt họ việc này không tồn tại.

Khi bạo động vượt khỏi tầm kiểm soát, các quan chức lãnh đạo thành phố lại loan tin rằng thủ phạm thực sự của các vụ bạo loạn chính là những kẻ phát xít trá hình. Điều này nghe ra hợp lý bởi vì những người chống phát xít đã hành động y hệt những kẻ phát xít, khiến người ta khó mà phân biệt được thật giả. Nhưng tuyên bố này lại khiến những "kẻ phát xít thực sự" không tham gia các cuộc bạo loạn nổi giận: chính bản thân nhóm này muốn gây bạo loạn mà bây giờ nhóm chống phát xít lại tranh làm mất.

Nghịch lý hay ho nhất về đám người chống phát xít là họ không chỉ ăn mặc y hệt những kẻ phát xít mà còn sử dụng đúng các chiến thuật phát xít khi hành động bạo lực. Hitler nổi tiếng với những cuộc tấn công vào đêm muộn của đội quân soi đuốc, nhắm vào các cơ sở làm ăn và các khu dân cư của người Do Thái, và những người dân Do Thái vô tội. Nếu không nắm được tình huống, khi nhìn cảnh bạo loạn trên đường phố Mỹ bạn sẽ nghĩ rằng mình đang xem lại những thước phim chiếu cảnh quân Đức Quốc xã những năm 1930.

Gần đây, những kẻ bạo loạn đã được miễn trừ khỏi lệnh đóng cửa của các thành phố và tiểu bang bởi những hành động của nhóm này được coi là quan trọng, tượng trưng cho nền tự do Mỹ. Còn người dân đi dự lễ nhà thờ, khách mời đến dự đám cưới hoặc dự tiệc tối tại gia đình, hay tiệc ngày lễ đều không thuộc đối tượng được miễn trừ. Lãnh đạo thành phố cũng kêu gọi người dân lên tiếng tố giác bất kỳ ai không thực hiện giãn cách xã hội và không đeo khẩu trang – những người bị tố giác sẽ phải đối mặt với các hình phạt nặng nề. May mắn thay, "các nhà cách mạng" tự xưng đều đeo khẩu trang và hiển nhiên việc giãn cách xã hội được tuân thủ tuyệt đối khi họ rút chạy khỏi sự truy đuổi của cảnh sát. Mọi sự nghe ra đều hợp lý cả!

Nhóm này khá "dũng cảm" khi đối đầu với cảnh sát. Lãnh đạo thành phố đã ra quy định cấm cảnh sát sử dụng bất kỳ phương tiện tiêu chuẩn nào để kiểm soát những kẻ bạo loạn: không hơi cay, không đạn cao su, không vòi rồng và không dùi cui. Vậy là đám bạo loạn cứ thoải mái tự tung tự tác khỏi sợ chế tài.

Rồi cái sự tự tung tự tác đó đột ngột kết thúc khi quân đội được điều động đến các thành phố. Đang xung, đột nhiên thấy "các nhà cách mạng" bỏ chạy. Là bởi vì họ đâu thể đùa với những người lính chuyên nghiệp. Tuy nhiên, có một kẻ đáng thương trong số này đã bị bắt. Thay vì anh dũng hô khẩu hiệu phản kháng, anh ta ngã khuỵ, cuộn tròn như một quả bóng và bắt đầu khóc lóc: "Xin đừng làm tôi đau!"

 Thư từ nước Mỹ: Những chuyện không thể tin nổi về đội quân áo đen đang tàn phá nước Mỹ - Ảnh 3.

Cuộc bạo động gần đây nhất vừa diễn ra đúng Ngày Lễ Tạ ơn (26/11) đã phần nào đó đúc kết lại phong trào của những kẻ theo chủ nghĩa vô chính phủ và chống phát xít. "Các nhà cách mạng" tự xưng đã lật đổ và phá huỷ tượng đài Tổng thống George Washington với tuyên bố rằng họ đang chống lại chủ nghĩa thực dân. Đúng là những kẻ ngu xuẩn! Washington là một nhà cách mạng chân chính, người đã lãnh đạo nước Mỹ trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân.

* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.


Xem thêm: nhc.11891255170210202-ym-coun-ahp-nat-gnad-ned-oa-nauq-iod-ev-ion-nit-eht-gnohk-neyuhc-gnuhn-ym-coun-ut-uht/nv.fefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thư từ nước Mỹ: Những chuyện không thể tin nổi về "đội quân" áo đen đang tàn phá nước Mỹ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools