Đến chiều ngày 7/12, hàng trăm tài xế GrabBike vẫn tiếp tục tụ tập tại Quận 7 (TP.HCM) phản đối chính sách giá cước mới, mặc dù đã gặp và được phía Grab giải thích.
Khoảng 15 giờ 30, phía sau một trung tâm thương mại tại Quận 7, nơi đặt trụ sở Grab, hàng trăm tài xế GrabBike vẫn tập trung để phản đối khoản thu mới từ hãng gọi xe.
Rất đông tài xế GrabBike tụ tập trước toà nhà trụ sở Grab tại Quận 7, TP.HCM. (Ảnh: Hải Đăng) |
Nói với ICTnews, một tài xế tên Tâm cho biết, các tài xế đều đồng loạt tắt ứng dụng, chờ phản hồi rõ ràng từ phía Grab về khoản thu VAT 10% mới.
Trước đó, từ sau giờ trưa hôm 7/12, nhóm tài xế đi qua các cơ quan truyền thông trên các đường Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, nhưng bị các lực lượng chức năng giải tán do gây cản trở giao thông. Sau đó, nhóm tài xế tập trung tại Quận 7, dưới sự giám sát của lực lượng công an.
“Chúng tôi muốn Grab làm rõ khoản thu VAT 10% do khách trả, doanh nghiệp trả hay tài xế phải trả”, tài xế Tâm nói. “Đã đóng chiết khấu 20%, giờ đóng thêm các khoản khác lên trên dưới 30%. Còn phải chịu xăng xe này kia thì tài xế còn lại được bao nhiêu?”, người chạy GrabBike được 3 năm giải thích.
“Cuốc xe 12 ngàn, trừ chia sẻ doanh thu 20%, thuế thu nhập cá nhân 1,5%, trừ phí ứng dụng 1 ngàn, bình thường nhận được 9.600 đồng, nay áp thuế thì chỉ còn hơn 8 ngàn đồng. Hoá ra tài xế phải chịu phí? Đáng lẽ phí VAT khách hàng phải chịu”, ông Tâm giảng giải.
Nhiều tài xế khác cho rằng việc tăng thuế VAT không chỉ ảnh hưởng thu nhập lái xe mà khách hàng cũng bị ảnh hưởng do giá dịch vụ tăng. “Giá cước tăng thì khách hàng sẽ đặt ứng dụng khác, cả Grab và tài xế cũng thiệt hại”, một tài xế lên tiếng.
Trước khi tài xế GrabBike tụ tập tại TP.HCM, trong sáng cùng ngày rất nhiều người cũng kéo đến văn phòng Grab ở Hà Nội.
Kể từ 5/12, Grab áp dụng cách tính cước mới, làm tăng mức tài xế phải trả lẫn tăng cước GrabBike và GrabCar với khách hàng. Việc điều chỉnh này nhằm phù hợp với Nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2020, thay đổi cách tính thuế VAT với các nền tảng đặt xe và tài xế công nghệ nói chung, không chỉ riêng với Grab.
Theo Nghị định, tất cả đối tác tài xế công nghệ được xem là cá nhân hợp tác kinh doanh và phải chịu mức thuế 10% VAT (+1,5% thu nhập cá nhân) phát sinh trên tất cả các cuốc xe.
Thuế VAT 10% được thu trước khi phân chia doanh thu theo hợp đồng giữa hãng xe công nghệ và đối tác. Do đó, khoản thu này được khấu trừ ngay trên doanh thu mỗi cuốc xe. Sau đó, hãng xe sẽ thực hiện phân chia tỷ lệ doanh thu theo thoả thuận, và thu thêm 1,5% thuế thu nhập cá nhân đối với tài xế.
Theo Grab, dù phí sử dụng ứng dụng không thay đổi, nhưng mức khấu trừ trên mỗi chuyến xe của tài xế sẽ tăng lên lần lượt là 28,364% và 32,841%, tùy từng đối tác.
Từ 5/12, Grab cũng tăng giá cước trên mỗi cuốc xe GrabBike và GrabCar, mức tăng tuỳ từng địa phương. Việc tăng giá trên các cuốc xe rõ ràng nhằm giảm thiệt hại cho tài xế và hãng gọi xe, tuy nhiên trên thực tế doanh thu của tài xế vẫn bị ảnh hưởng so với trước.
ICTnews đã liên hệ với Grab để nghe phản hồi nhưng chưa tiếp cận được. Tuy nhiên trước đó, Grab cho biết là đơn vị chịu trách nhiệm kê khai và thu hộ, nộp hộ thuế cho đối tác tài xế, công ty chắc chắn tuân thủ Nghị định 126, nhưng đồng thời vẫn đang tích cực làm việc với cơ quan thuế để có thêm những hướng dẫn cụ thể nhằm hỗ trợ đối tác.
Việc tài xế công nghệ tụ tập phản đối đã từng diễn ra tại Việt Nam. Tài xế Grab từng phản ứng tương tự hồi tháng 8/2019, do một số người có thu nhập trên 100 triệu đồng bị cơ quan thuế áp cách tính mới. Tháng 7/2019, tài xế GoViet (nay là Gojek) cũng kéo đến trụ sở công ty phản ứng về cách tính điểm thưởng.
Ghi nhận của ICTnews cho thấy đến 16 giờ 40 cùng ngày, số tài xế GrabBike tụ tập trước toà nhà trụ sở Grab vẫn chưa giải tán.
Hải Đăng
ICTNews