Theo kế hoạch đặt ra, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã muốn bán bớt 49% cổ phần tại Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FECredit) nhưng việc tìm kiếm nhà đầu tư đang trở nên khó khăn.
Báo cáo phân tích mới đây của Chứng khoán SSI đã đánh giá về khả năng bán FECredit của ngân hàng này.
LỢI NHUẬN RÒNG TỪ HOẠT ĐỘNG CHO VAY CÓ THỂ GIẢM SÂU HƠN
Kết quả lợi nhuận ròng từ hoạt động cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất cho thấy sự sụt giảm trong những quý vừa qua.
So sánh lợi nhuận ròng từ hoạt động cho vay của 3 công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất. Nguồn: SSI
Do chi phí tín dụng tăng khiến thu nhập thuần từ hoạt động cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng sụt giảm. FECredit giảm từ 6,93% quý 2 xuống còn 4,71% trong quý 3 vừa qua, HDSaison cũng tương ứng giảm từ 3,78% xuống 2,81%. Kết quả từ HomeCredit chưa được hé lộ tuy nhiên lãi ròng từ cho vay của công ty tài chính này trong quý 2 chỉ ở mức 1,07%.
FECredit vẫn đang là công ty tài chính có mức lãi ròng từ cho vay cao hơn so với mặt bằng các công ty khác. Trong quý 3, FECredit đã xóa 2 nghìn tỷ đồng nợ xấu (+2,3% so với cùng kỳ) trong quý 3/2020 và 6 nghìn tỷ đồng (+1,1% so với cùng kỳ) trong 9 tháng 2020.
Do đó, mặc dù chi phí hoạt động (OPEX) tiếp tục được cắt giảm bằng nhiều phương pháp, lợi nhuận ròng từ hoạt động cho vay giảm xuống còn 4,71% do chi phí tín dụng tăng lên 14,43%. Trong 1-2 quý tới, ước tính chi phí tín dụng vẫn có thể ở mức cao và lợi nhuận ròng từ hoạt động cho vay có thể giảm sâu hơn vì SSI nhận thấy việc tiếp tục cắt giảm chi phí là không dễ dàng.
Thị trường cho vay tiêu dùng được đánh giá khốc liệt nhất là trong giai đoạn khó khăn chung do đại dịch Covid-19. Nhiều ngân hàng không chỉ VPBank cũng đang tính đến chuyện thoái bớt cổ phần ở các công ty tài chính đang nắm giữ như SHB muốn thoái vốn tại Công ty tài chính SHBFC, MSB chuyển nhượng 50% vốn cổ phần tại FCCOM.
FECREDIT CÓ THỂ ĐƯỢC IPO TRONG QUÝ 3/2021
Đánh giá về công ty tài chính FECredit, SSI cho biết, trong 9 tháng 2020, tăng trưởng tín dụng được thúc đẩy bởi khách hàng doanh nghiệp do ngân hàng kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các khoản vay tín chấp. Theo ban lãnh đạo, cho vay bán lẻ (cho khách hàng có thu nhập cao, khách hàng đại chúng và hộ kinh doanh - CommCredit) sẽ bắt đầu tăng trưởng trở lại trong quý 4/2020 và năm 2021.
FECredit ước tính có thể nới lỏng tiêu chí cho vay nghiêm ngặt hiện nay khi đội ngũ quản trị rủi ro của Công ty cảm thấy môi trường kinh doanh đã phù hợp để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trở lại. Nhu cầu thị trường vẫn mạnh mẽ đến trong 9 tháng đầu năm 2020, nhưng FECredit đã chủ động thắt chặt giải ngân các khoản vay mới để kiểm soát rủi ro tín dụng. Tăng trưởng được kỳ vọng sẽ hồi phục vào năm 2021 ở mức từ 10% -15% mỗi năm.
Ban lãnh đạo VPB ước tính IPO FECredit trong năm 2021. Gần đây, VPB đã đàm phán lại với một đối tác quan trọng và hy vọng có thể đàm phán thành công trong 5-6 tháng tới, nhờ đó thương vụ này có thể hoàn thành trong quý 3/2021. Ban lãnh đạo cũng kỳ vọng định giá FECredit ở mức trên 3 lần PB.
SSI đưa ra ba kịch bản tương ứng mức định giá cổ phiếu VPB: thương vụ chưa thể hoàn tất trong năm 2021 (kịch bản xấu); thương vụ kết thúc vào năm 2021 với PB là 3x (kịch bản cơ sở); và kịch bản lạc quan với PB là 4x
Nguyên Minh
Vneconomy
Xem thêm: nhc.98315337170210202-uas-maig-noc-eht-oc-tidercef-nauhn-iol/nv.zibefac