Vào hồi tháng 1, Tổng thống Donald Trump đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc đồng ý mua thêm khoảng 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong 2 năm tới và đưa ra các cam kết về những vấn đề như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và ngăn chặn bắt buộc chuyển giao công nghệ.
Đổi lại, Mỹ đồng ý dừng tăng thuế theo kế hoạch và giảm thuế đối với hàng hóa trị giá 120 tỷ USD của Trung Quốc từ 10% xuống 7,5%. Tuy nhiên, mức thuế 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc vẫn giữ nguyên.
Trả lời phỏng vấn tờ New York Times, ông Joe Biden nêu rõ quan điểm rằng ông sẽ không ngay lập tức dỡ bỏ mức thuế quan do người tiền nhiệm Donald Trump áp lên Trung Quốc khi nhậm chức.
"Trung Quốc chấp nhận thực tế này và cũng đã và đang có sự chuẩn bị rõ ràng. Bắc Kinh dù kỳ vọng tích cực đối với chính sách của ông Biden, nhưng cũng đã có chuẩn bị trước cho những kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra", ông Wang Wen, Phó Chủ tịch Viện Dịch vụ Tài chính Chongyang thuộc Đại học Nhân dân, chia sẻ.
Còn đối với chuyên gia Xu Hongcai, Phó Giám đốc Ủy ban Chính sách Kinh tế thuộc Viện Khoa học Chính trị Trung Quốc, lại cho rằng giờ vẫn còn quá sớm cho Bắc Kinh để có thể xác định được chính sách của vị tân Tổng thống sẽ như thế nào. Vì vậy, điều mà chính quyền Trung Quốc cần làm là chờ đợi và quan sát.
Theo ông Xu, Trung Quốc cho rằng ông Joe Biden sẽ không quá ráo riết hành động nhằm cải thiện quan hệ thương mại song phương mà ưu tiên hàng đầu của chủ nhân mới của Nhà Trắng sẽ là các vấn đề trong nước, trong đó có việc chống dịch COVID-19 và cứu trợ nền kinh tế đang "chìm dần".
Trong thỏa thuận thương mại Mỹ và Trung Quốc "giai đoạn I", Trung Quốc cam kết sẽ mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong vòng hai năm, nhưng đã buộc hoãn lại do thay đổi cơ cấu lớn đối với mô hình kinh tế của Trung Quốc. (Ảnh: EPA-EFE)
Trong buổi phỏng vấn với New York Times, ông Biden cũng chia sẻ về việc sẽ đánh giá lại kỹ càng thỏa thuận "giai đoạn I" của người tiền nhiệm.
"Tôi sẽ không thực hiện bất kỳ động thái nào ngay lập tức và điều tương tự cũng áp dụng đối với thuế quan. Tôi sẽ không làm hại đến các lựa chọn của mình", ông Joe Biden cho hay. "Đó là chiến lược đối phó với Trung Quốc tốt nhất tại thời điểm này".
Hơn nữa, ông bày tỏ muốn xem xét lại toàn bộ thỏa thuận thương mại hiện có với Trung Quốc và tham khảo ý kiến của các đồng minh ở châu Á và châu Âu để phát triển một "chiến lược kết hợp".
Theo thỏa thuận ký hồi tháng 1, Trung Quốc cam kết mua 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong hai năm, nhưng không cam kết cải tổ mô hình kinh tế. Và đến nay, Trung Quốc chỉ hoàn thành 55% mục tiêu mua hàng Mỹ của năm nay.
Ông khẳng định, nước Mỹ dưới thời của ông sẽ thực hiện chính sách thương mại dẫn đến tiến bộ trong giải quyết "các hành vi lạm dụng của Trung Quốc", ví dụ như trộm cắp tài sản trí tuệ, phá giá hàng hóa, bảo hộ cho các tập đoàn và buộc chuyển giao công nghệ nước ngoài cho các đối tác Trung Quốc.
Theo dự báo từ các nhà phân tích Trung Quốc khác, quan hệ Mỹ - Trung sẽ tiếp tục gặp nhiều sóng gió và không thể "một sớm một chiều" cải thiện ngay khi ông Biden tiếp quản Nhà Trắng.
Giáo sư Daokui thuộc Đại học Tùng Hoa cũng đưa ra cảnh báo cho rằng chính quyền Joe Biden có thể tung ra những biện pháp trừng phạt mới nhắm vào một số ngành trọng yếu và công ty nhà nước của Trung Quốc. Nếu đúng, đây sẽ là một mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
"Ông Biden sẽ không quá khác biệt với ông Trump trong những chiến lược chung, dù chiến thuật có thể khác đi", nhà kinh tế Guan Qiangyou thuộc Viện Tài chính Cấp cao cho hay.
Theo ông nhận định, quá trình "phân ly" công nghệ Mỹ - Trung sẽ còn có những diễn biến khác dưới thời chính quyền của Joe Biden.
VTV.vn - Ông Joe Biden, người được cho là giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, có kế hoạch rút lại nhiều chính sách của Tổng thống Trump khi ông lên nắm quyền.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.80011757170210202-tahp-gnurt-euht-ob-og-gnohk-nedib-gno-ceiv-nahn-pahc-couq-gnurt/et-hnik/nv.vtv