Máy đào hầm TBM được lắp đặt trong ga ngầm S9 dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, sau khi cập cảng Hải Phòng vào tháng 10-2020, các bộ phận của chiếc máy (robot) đào hầm TBM đầu tiên của tuyến đường sắt đô thị (metro) Nhổn - ga Hà Nội đã được vận chuyển tới công trường ga ngầm S9 - Kim Mã để lắp ghép.
Hiện tại robot đào hầm TBM thứ nhất dài khoảng 90m, bao gồm hệ khiên đào và giàn phụ trợ đang được lắp đặt tại ga S9.
Dự kiến chiếc máy đào hầm này sẽ hoàn thành lắp đặt và kiểm tra, chạy thử trong khoảng 2 tuần cuối tháng 1-2021, sau đó sẽ chính thức khoan hầm từ Kim Mã đến ga Hà Nội.
Lắp đặt robot đào hầm đường sắt Nhổn - ga Hà Nội - Video: TUẤN PHÙNG
Chiếc máy đào hầm thứ hai sẽ cập cảng Hải Phòng trong tháng 12-2020. Sau khi lắp ráp xong, máy TBM sẽ bắt đầu khoan từ ga S9 tới ga S12 - ga Hà Nội ở cuối đường Trần Hưng Đạo với tổng chiều dài 4km.
Công nhân lắp đặt 20 cấu kiện chính của máy đào hầm - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Theo kế hoạch, robot đào hầm đầu tiên sẽ thực hiện khoan đường hầm thứ nhất đạt chiều dài 100-150m, máy thứ hai sẽ thực hiện đào đường hầm thứ hai. Hầm khoan đến đâu sẽ lắp vỏ hầm đến đấy.
Ông Lê Trung Hiếu - phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội - cho biết máy đào hầm của đường sắt Nhổn - ga Hà Nội được chế tạo theo công nghệ TBM (Tunnel Boring Machine) do Đức sản xuất. Máy có chiều dài khoảng 90m, nặng 850 tấn, đường kính đầu cắt khoảng 6,58m, có tốc độ khoan trung bình 10 - 12m/ngày và tối đa có thể đạt 18m/ngày.
Đây là kiểu máy khoan có khiên đào cân bằng áp lực đất EPB (Earth Pressure Balance) nên tính ổn định cao, ít làm thay đổi áp lực trong lòng đất khi đào hầm để đảm bảo tính ổn định cho các công trình lân cận.
Phần khiên đào và vỏ của máy đào hầm sẽ được lắp đặt trong thời gian tới - Ảnh: MRB
Dù toàn bộ tuyến hầm từ Kim Mã đến ga Hà Nội đã được khảo sát địa chất, các công trình ngầm từ trước đó nhưng trong quá trình đào hầm, nhà thầu sẽ đặt cảm biến tại các tòa nhà trong khu vực để theo dõi.
Trường hợp các công trình lân cận có hiện tượng chuyển vị quá mức độ cho phép sẽ dừng đào hầm để xử lý theo các kịch bản có sẵn.
Ông Hiếu cho biết hiện Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đang đã tổ chức cuộc thi đặt tên cho hai chiếc máy đào hầm TBM của dự án, thu hút sự tham gia của người dân từ mọi miền đất nước.
Ban giám khảo sẽ công bố kết quả cuộc thi trên trang fanpage của Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội trong thời gian tới.
TTO - Ông Nicolas Warnery - đại sứ Pháp tại Việt Nam - cho biết sẽ tiếp tục đưa chuyên gia từ Pháp sang Hà Nội thực hiện dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội nhằm khai thác đoạn đi trên cao trong năm 2021.