Theo hãng tin CNN, đồng USD đã mất giá gần 12% so với rổ các đồng tiền chủ chốt trên thế giới kể từ mức đỉnh tháng 3/2020. Tuần trước, giá đồng USD xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2018.
Nguyên nhân chính của sự mất giá này là do niềm tin vào nền kinh tế Mỹ cũng như thế giới trước sự xuất hiện của vaccine chống dịch Covid-19. Khi các nhà đầu tư tin rằng kinh tế Mỹ và thế giới có thể vượt qua được khủng hoảng dịch bệnh, đồng USD vốn là một kênh tài sản trú ẩn an toàn sẽ bị mất giá do mọi người bán bớt để đổ tiền vào các kênh khác.
Ngoài ra, hãng tin CNN cho rằng chính sách tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng tác động mạnh khi họ tỏ rõ quan điểm rằng sẽ giữ lãi suất thấp, đồng thời tiếp tục in thêm tiền cho nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng.
Dù động thái này có tác động tích cực đến kinh tế Mỹ nhưng lại làm giảm giá trị của đồng USD khi nguồn cung tăng lên. Ngoài ra lãi suất thấp khiến nhiều nhà đầu tư đổ vào các loại tài sản khác để kiếm lời hơn là USD.
Bên cạnh đó, Giám đốc đầu tư Mark Haefele của UBS Global Wealth Management cho biết chiến tranh thương mại là một trong những nguyên nhân khiến đồng USD tăng giá trước đây. Tuy nhiên việc ông Joe Biden đắc cử khiến nhà đầu tư kỳ vọng căng thẳng này sẽ được xoa dịu và làm giảm giá đồng bạc xanh.
Trên thực tế, giám đốc Ned Rumpeltin của TD Securities cho rằng đồng USD giảm giá lại không phải điều hoàn toàn xấu. Thậm chí đây còn có thể là dấu hiệu cho sự phục hồi kinh tế.
Việc đồng bạc xanh giảm giá sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ, nới lỏng thị trường tài chính và giúp đỡ những nước đang nợ bằng đồng USD chồng chất có cơ hội thở dốc để chống khủng hoảng dịch bệnh. Thêm nữa, đồng USD giảm giá sẽ thúc đẩy nhu cầu trên thị trường hàng hóa, nhất là khi những mặt hàng như dầu mỏ hiện khá rẻ với các nhà đầu cơ.
Tuy nhiên việc đồng USD mất giá khiến những đồng tiền khác như Euro gặp nhiều khó khăn do tự nhiên trở nên đắt hơn thông thường. Đây là một tín hiệu chẳng mấy vui vẻ với nền kinh tế Châu Âu vốn đang phải vật lộn với khủng hoảng dịch bệnh và suy thoái.
Kể từ đầu tháng 4/2020 đến nay, đồng Euro đã tăng giá khoảng 10% so với đồng USD và nhiều chuyên gia nghi vấn liệu Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) có can thiệp để bình ổn tỷ giá hay không. Theo Deutsche Bank, đồng Euro có thể tăng giá từ 1,21 USD đổi 1 Euro lên 1,30 USD/Euro vào cuối năm 2021.
Chống chịu qua đại dịch
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia lo lắng nền kinh tế Mỹ có thể không chống chịu được đến khi vaccine được phổ biến rộng rãi. Thị trường lao động Mỹ cho thấy lượng lớn người thất nghiệp và nếu Chính phủ không hỗ trợ, thị trường tiêu dùng và đầu tư khó có thể phục hồi lại như cũ.
Trong tháng 11/2020, Mỹ chỉ có thêm 245.000 việc làm mới, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020. Con số này cũng thấp hơn nhiều so với 610.000 việc làm mới của tháng 10/2020.
"Nền kinh tế nhiều khả năng sẽ tồi tệ hơn đi rất nhiều trước khi phục hồi được trở lại. Số việc làm mới có thể tiếp tục giảm trong tháng 12/2020 và tháng 1/2021 trước khi vaccine chính thức được phổ biến rộng rãi", Cựu cố vấn kinh tế Jason Furman của Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh.
Theo Furman, hiện đang là giáo sư tại trường đại học Harvard, dù vaccine chống dịch Covid-19 đã được thử nghiệm thành công nhưng chúng còn chặng đường rất dài phải đi trước khi giúp nền kinh tế vực dậy trở lại.
Tình hình kinh tế ngày một tệ đi với số liệu việc làm mới thảm hại cùng doanh số ảm đạm ngày lễ Phục sinh cuối năm đang tạo áp lực lên chính phủ Mỹ để tung ra gói cứu trợ mới cho người dân và doanh nghiệp. Thế nhưng gói cứu trợ thứ 2 trị giá 908 tỷ USD hiện vẫn gây nhiều tranh cãi.
Băng Tâm
Theo Tổ Quốc/Tổng hợp
Xem thêm: nhc.71794206170210202-1202-man-hnam-aig-tam-es-dsu-gnod-nnc/nv.zibefac