Thanh tra Chính phủ vừa tổ chức Hội thảo "Cơ sở quy định về giải quyết phản ánh, kiến nghị và bảo vệ người phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức".
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh nhấn mạnh, quy định của pháp luật về giải quyết phản ánh, kiến nghị và bảo vệ người phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức còn rất thiếu, tản mạn, chưa thống nhất, chưa đầy đủ.
Trong khi đó các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hết sức lúng túng trong quá trình giải quyết phản ánh kiến nghị. Các cơ quan tổ chức, cá nhân thì hết sức bị động khi thực hiện việc theo dõi, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.
Việc bảo vệ người phản ánh, kiến nghị về hành vi tham nhũng, tiêu cực nhìn chung chưa được thực hiện, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của người phản ánh, kiến nghị.
Ông Nguyễn Quốc Văn - Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ) phân tích, hiện nay các quy định về phản ánh, kiến nghị nằm rải rác trong một số văn bản như Luật Tiếp công dân năm 2013, Thông tư 06/2014/TT-TTCP quy định tiếp công dân và Thông tư 07/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định về quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, phản ánh, kiến nghị. Tuy nhiên các quy định này chỉ dừng lại ở khâu tiếp nhận, xử lý đơn, chưa có quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết.
Vì thế nhiều cơ quan và cán bộ, công chức đã bỏ qua hoặc đã linh hoạt vận dụng các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo để giải quyết phản ánh, kiến nghị.
Theo ông Văn, do không có cơ sở pháp lý vững chắc nên không thể xác định trách nhiệm của các chủ thể nhà nước có liên quan và không thể thúc ép việc giải quyết. Đa số đơn phản ánh, kiến nghị chưa được giải quyết hoặc không được giải quyết kịp thời, thỏa đáng.
Đáng chú ý, dù chưa có quy định riêng về bảo vệ người phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức nhưng đã có quy định liên quan như: Luật Tố cáo có quy định về bảo vệ người tố cáo, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018; Chỉ thị 27-CT/TW ngày 10/1/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối công tác bảo về người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Vì thế, ông Nguyễn Quốc Văn đề nghị trước mắt không thể ban hành văn bản quy định riêng về bảo vệ người phản ánh về hành vi tham nhũng vì sẽ trái với quy định của Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 (đã có yêu cầu áp dụng như bảo vệ người tố cáo).
Hơn nữa qua khảo sát thực tiễn, các địa phương gần như không có thống kê riêng về phản ánh, kiến nghị, đặc biệt là phản ánh và kiến nghị về tham nhũng. Hầu hết các địa phương nêu quan điểm không cần thiết phải ban hành thêm quy định về bảo vệ người phản ánh, kiến nghị mà chỉ cần áp dụng tương tự các quy định về bảo vệ người tố cáo hiện hành.
Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến xung quanh vấn đề pháp lý và thực tiễn có liên quan đến thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết kiến nghị, phản ánh và bảo vệ người kiến nghị, phản ánh, cung cấp thông tin về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức. Trong đó đã tập trung vào các phương án đề xuất như ban hành nghị định chuyên biệt của Chính phủ quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết vấn đề này.
Thế Kha
Xem thêm: mth.06712545170210202-ev-oab-coud-auhc-cuc-ueit-gnuhn-maht-hna-nahp-iougn/ioh-ax/nv.moc.irtnad