Sau khi nhiều tài xế Grab tắt ứng dụng, tập trung trước tòa nhà trụ sở Grab trên đường Duy Tân, Hà Nội để phản đối mức chiết khấu cho mỗi cuốc xe vừa tăng lên 27,2% đối với tài xế Grabbike và 32,841% đối với tài xế Grabcar, chiều cùng ngày, rất đông tài xế Grabbike tại TP HCM cũng đã kéo về nhà văn hóa phường Tân Phong (quận 7, TP.HCM) để tìm cách đối thoại về vấn đề tăng phí khấu trừ cho mỗi cuốc xe.
Liên quan đến sự việc này, chiều muộn cùng ngày, phía Grab Việt Nam cho hay, thực chất chiết khấu vẫn là 20%, còn phần tăng thêm là thuế VAT áp dụng theo Nghị định 126.
Tài xế công nghệ ở Hà Nội tập trung phản đối chính sách tăng chiết khấu của Grab.
Đoàn xe diễu hành trên đường phố Hà Nội.
"Theo quy định của Nghị định 126, thuế VAT 10% được áp dụng cho toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải, bao gồm cả phần doanh thu vận tải của đối tác tài xế.
Do đó, chúng tôi đã đề xuất giá cước mới phù hợp, đồng thời tiến hành khấu trừ nghĩa vụ thuế VAT 10% từ cước phí chuyến xe mà người dùng hiện đang chi trả. Phí sử dụng ứng dụng (chiết khấu) áp dụng cho đối tác tài xế vẫn được giữ nguyên không thay đổi", hãng xe này cho hay.
Hãng này nhấn mạnh, theo Nghị định 126, cá nhân hợp tác kinh doanh (trong trường hợp này là đối tác tài xế) không thuộc trường hợp trực tiếp khai thuế, nộp thuế; mà doanh nghiệp có trách nhiệm thu hộ, nộp hộ thuế cho đối tác tài xế.
Vì vậy, việc Grab tiến hành khấu trừ khoản thuế phải nộp, kê khai, và nộp hộ cho các đối tác tài xế là tuân thủ quy định của Nghị định 126. Toàn bộ phần thuế thu hộ đều được Grab nộp về Kho bạc Nhà nước và đều được cơ quan thuế xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ thuế.
"Trước và ngay sau khi Nghị định 126 ban hành, chúng tôi đã tham gia góp ý trình bày cụ thể về tác động của nghị định tới cơ quan quản lý thuế, đồng thời nhiều lần gửi văn bản xin hướng dẫn thực hiện nghị định. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ các cơ quan này", đại diện doanh nghiệp này cho hay.
Để bù phí VAT, Grab đã tăng giá cước một số dịch vụ nhưng các tài xế đánh giá mức tăng này vẫn chưa đủ bù cho khoản thu nhập thực bị giảm của họ. Một số còn lo ngại, nếu Grab tiếp tục tăng cước để bù VAT sẽ khiến khách hàng quay sang sử dụng ứng dụng khác, khiến thu nhập của họ giảm thêm.
Tài xế Grabbike cho biết, dù tăng giá cước dịch vụ như Grab nói, xong thực thu nhập của tài xế vẫn giảm.
"Đồng ý rằng cần thực hiện đúng quy định của Nhà nước, nhưng chúng tôi muốn có tiếng nói thỏa thuận lại với hãng, giảm tỉ lệ khấu trừ để không ảnh hưởng quá nhiều đến thu nhập, nhất là khi dịch Covid-19 đã khiến cánh tài xế chúng tôi lao đao", Hoàng Tuấn, tài xế Grabbike tại Hà Nội chia sẻ.