Một quan chức cấp cao của Hải quân Mỹ tại Trung Đông hôm 6-12 đã hoan nghênh việc Mỹ có được "sự răn đe khó chịu" với Iran sau nhiều tháng căng thẳng giữa hai nước leo thang, hãng Sputnik đưa tin.
Iran đã thận trọng và đáng tôn trọng hơn
Hôm 6-12, Phó Đô đốc Sam Paparo, người giám sát Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ đóng tại Bahrain đã có bài phát biểu về Iran tại Hội thảo Manama, do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức.
"Chúng ta đã đạt được khả năng răn đe khó chịu đối với Iran. Nhiều sự kiện trên thế giới và khu vực xảy ra gần đây càng đe dọa khả năng răn đe này. Tuy nhiên, tôi nhận thấy các hành động trên biển của Iran đã thận trọng và đáng tôn trọng hơn, tránh được nguy cơ đối đầu không cần thiết do tính toán sai lầm hoặc do leo thang ngoài ý muốn" - Phó Đô đốc Sam Paparo phát biểu tại Hội thảo Manama.
Phó Đô đốc Paparo (giữa) trong cuộc họp tại Bahrain cuối tháng 9. Ảnh: US NAVY/TWITTER/SPUTNIK
Trong nhiều tháng dưới sự phụ trách của ông Paparo, Mỹ đã không chứng kiến bất kỳ cuộc khủng hoảng lớn nào với Iran trên eo biển Hormuz, mặc dù Hải quân vẫn Mỹ thường xuyên chạm trán với Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) tại khu vực này.
Phó đô đốc Paparo vừa thay thế Phó Đô đốc James Malloy để chỉ huy Hạm đội 5 chỉ mới vài tháng gần đây. Mặc dù có những tuyên bố dịu giọng về Iran nhưng ông Paparo cũng đưa ra lời cảnh báo bằng cách dẫn lời cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis:
"Hành động lịch sự, chuyên nghiệp nhưng luôn sẵn sàng ra tay. Đó là cách chúng tôi hoạt động trên biển"- ông Paparo nói.
Hiện phái bộ của Iran tại Liên Hợp Quốc vẫn chưa đưa ra bất cứ nhận xét nào về tuyên bố trên.
"Liều lĩnh và khiêu khích"
Những tuyên bố của ông Paparo về Iran hoàn toàn trái ngược với những tuyên bố trước đây của người tiền nhiệm là Phó Đô đốc Malloy.
Vào tháng 8, ông Malloy đã chỉ trích Iran là "liều lĩnh và khiêu khích". Ông tuyên bố rằng Iran "luôn tổ chức các cuộc tập trận hải quân kịch tính trong khu vực và có hành động quấy rối, hung hăng, tấn công và bắt bớ tàu hàng và để xảy ra các cuộc chạm trán thiếu chuyên nghiệp và gây mất an toàn".
Nhiệm kỳ của ông Malloy cũng bị ảnh hưởng từ hàng loạt vụ bắt giữ tàu chở dầu ở Vịnh Ba Tư từ tháng 5 đến tháng 7-2019. Biệt kích Anh đã bắt giữ một siêu tàu chở dầu của Iran ngoài khơi Gibraltar, trong khi Iran chặn một tàu chở dầu thuộc sở hữu của Anh hai tuần sau đó. Cả hai con tàu cuối cùng đã được thả, nhưng để đáp lại, Mỹ tuyên bố triển khai thêm 1.000 binh sĩ tới Trung Đông.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang sau hàng loạt vụ bắt giữ tàu chở hàng ở Vịnh Ba Tư năm 2019. Ảnh: TASNIM NEWS AGENCY/SPUTNIK
Vào tháng 6-2019, các lực lượng Iran đã bắn hạ một máy bay không người lái do thám trị giá 200 triệu USD của Mỹ mà họ tuyên bố đã xâm phạm không phận Iran. Lầu Năm Góc sau đó khẳng định chiếc máy bay chỉ đi qua khu vực thuộc không phận quốc tế gần eo biển Hormuz. Vụ việc đã đưa quan hệ hai nước tới bờ vực khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tấn công trả đũa Iran. Tuy nhiên, lệnh này đã bị hủy bỏ vào phút chót.
Vào đầu năm 2020, căng thẳng Mỹ-Iran leo thang khi chỉ huy quân sự quyền lực bậc nhất của Iran - Tướng Qasem Soleimani bị ám sát trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái do Mỹ tiến hành ở Baghdad.
Kể từ đó, Mỹ đã gia tăng các biện pháp trừng phạt chống lại Iran, như một phần của "chiến dịch gây áp lực tối đa" lên quốc gia này.
Căng thẳng gần đây gia tăng tại Trung Đông sau khi nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran là ông Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát tại Tehran. Các quan chức Iran cáo buộc Israel đứng sau vụ sát hại với sự cho phép từ Mỹ, làm tăng lo ngại Tehran hoặc lực lượng ủy nhiệm có thể trả đũa các mục tiêu phương Tây trong khu vực.