Khối nợ phình ra, thế giới mất đà tăng trưởng
Ricky Hồ
(TBKTSG Online) - S&P Global ước đoán khối nợ toàn cầu sẽ chạm cột mốc 200.000 tỉ đô la trong năm nay, tương đương 265% GDP của nền kinh tế thế giới, do đại dịch khiến kinh tế đi xuống, vay nợ tăng cao. Trong khi đó, các con số công bố trước đó của Viện Tài chính Quốc tế là 277.000 tỉ đô la và tỷ lệ lên đến 432% ở các nước phát triển.
Bong bóng nợ càng phình lớn thì các quốc gia nghèo cũng mất đi nguồn lực cần thiết để phát triển và ứng phó với dịch Covid-19 và cũng khó thu hút các nhà đầu tư mới. Ngân hàng Thế giới (WB) đã kêu gọi các chủ nợ hoãn trả nợ và giảm lãi suất, đặc biệt là Trung Quốc với vai trò chủ nợ chính.
Nợ tăng nhưng khó có khủng hoảng nợ
Theo Reuters, S&P Global cho biết mức nợ trên GDP tăng nhanh do hai yếu tố: Một, dịch Covid-19 khiến GDP kinh tế toàn cầu suy giảm. Hai, chính phủ các nước, doanh nghiệp và hộ gia đình phải tăng vay mượn để đối phó với ảnh hưởng của Covid-19. “Tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu đã có xu hướng tăng trong nhiều năm qua. Đại dịch chỉ đẩy nhanh quá trình đó”, báo cáo công bố tuần rồi của S&P Global viết.
Các gói cứu trợ nền kinh tế, vay mượn của doanh nghiệp và hộ dân khiến khối nợ toàn cầu chiếm 265% GDP trong năm 2020. Đồ họa: Nikkei Asia |
Bất chấp làn sóng vỡ nợ được dự báo xuất hiện trong năm tới, S&P Global không cho rằng một khủng hoảng lớn sẽ xảy ra. “Nợ trên GDP tăng đến 14% trong năm nay không thể gây ra khủng hoảng nợ trong ngắn hạn, miễn là kinh tế các nước tiếp tục hồi phục, vaccine được phân bố rộng rãi, lãi suất vẫn duy trì ở mức rất thấp và tăng trưởng tín dụng chậm lại”, báo cáo nhận định.
S&P Global dự đoán rằng kinh tế toàn cầu quay về quỹ đạo cũ sau dịch Covid-19, nợ trên GDP sẽ giảm xuống còn 256% vào năm 2023. “Chúng tôi cho rằng tăng trưởng nợ của các doanh nghiệp, chính phủ và hộ gia đình sẽ giảm bởi tình trạng này thường xảy ra khi suy thoái qua đi”, S&P Global nói.
Vay dễ, trả khó
Tuy nhiên, cũng theo Reuters, một báo cáo trước đó của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) nói rằng khối nợ toàn cầu sẽ đạt mức kỷ lục 277.000 tỉ đô la vào cuối năm nay. IIF đưa ra cùng lý do: chính phủ và doanh nghiệp tiếp tục vay mượn để chi tiêu ứng phó đại dịch.
Với hơn 400 ngân hàng và tổ chức tài chính là thành viên, IIF đã nói bong bóng nợ đã phình thêm 15.000 tỉ đô la để chạm mức 272.000 tỉ đô la vào cuối tháng 9 vừa rồi. Nhưng IIF nói chính phủ, phần lớn là các nước phát triển, chiếm gần một nửa số nợ tăng thêm trên.
Khối nợ của các thị trường phát triển đã tăng lên mức 432% GDP trong quí 3, từ tỉ lệ khoảng 380% của cuối năm 2019. Tỉ lệ nợ trên GDP của các thị trường mới nổi đã gần chạm mốc 250% trong quí 3, với Trung Quốc nhảy vọt lên 335%. Tỉ lệ nợ của thị trường mới nổi sẽ đạt 365% trong năm.
“Tình trạng bất định vẫn rất lớn, khó biết là nền kinh tế toàn cầu có thể mất đà tăng trưởng trong tương lai mà không gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các hoạt động kinh tế hay không”, báo cáo của IIF viết.
Khối nợ của Mỹ sẽ đạt 80.000 tỉ trong năm 2020 này, tăng từ con số 71.000 tỉ trong năm 2019. Ở khu vực Euro, bong bóng nợ chạm mốc 53.000 tỉ, tăng 1.500 tỉ cho đến tháng 9 rồi.
Trong các nền kinh tế đang phát triển, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Malaysia có mức tăng nợ cao nhất ở lĩnh vực phi tài chính trong năm nay. Thu ngân sách giảm ở các thị trường mới nổi khiến việc trả nợ trở thành khó thực hiện, thậm chí trong tình trạng mức vay mượn ở mức kỷ lục thấp trên toàn cầu.
Đến cuối năm tới, khoảng 7.000 tỉ trái phiếu và khoản vay hợp vốn sẽ đáo hạn, 15% số này được định bằng đồng đô la Mỹ.
Gánh nặng nợ đè nén phát triển và thu hút đầu tư mới
Các bộ trưởng tài chính khối G20 hồi tháng 11 vừa rồi đã đồng ý đóng băng các khoản chi trả nợ đến nửa đầu năm 2021 trong Sáng kiến hoãn nợ DSSI của khối này. G20 nói sẽ xem xét thêm sáu tháng gia hạn nữa vào tháng 4 năm tới. G20 cũng “mời” Trung Quốc vào khuôn khổ của nhóm chủ nợ Câu lạc bộ Paris, bởi Trung Quốc chiếm đến 63% khối lượng nợ mà các nước khác vay mượn từ nhóm G20 trong năm 2019 – theo dữ liệu của WB.
Tại cuộc họp thượng đỉnh G20, các nhà lãnh đạo khối này đạt thỏa thuận mới về tái cấu trúc nợ chính phủ đối với các nước thu nhập thấp. Chủ tịch WB David Malpass nói rằng khối nợ này thật sự là nguy cơ lớn đối với các nước nghèo.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass: “Sự tham gia của Trung Quốc với tư cách chủ nợ chính trong nhóm chủ nợ là rất khích lệ. Tuy nhiên, lãi suất của Trung Quốc thật sự cao”. Ảnh: Nikkei Asia |
Trả lời phỏng vấn của Nikkei Asia, Chủ tịch Malpass nói: “Các nước nghèo nhất đang nợ quá nhiều, dù rằng họ đang cố cắt giảm khối nợ này nhưng nó vẫn gây trở ngại cho năng lực thu hút đầu tư nước ngoài”.
Ông nói rằng khi đại dịch đến, gánh nợ trở nên nặng nề hơn trên vai người dân nước đó. Thách thức là cung cấp các giải pháp “giải vây nợ” – tức giảm giá trị ròng của khối nợ hiện giờ. Điều này cần có sự tham gia của các chủ nợ khu vực công và tư, đặc biệt là chủ nợ công. “Một trong những chủ nợ công lớn nhất là Trung Quốc. Tôi vui mừng vì thấy có sự tham gia tích cực hơn của họ”.
“Bởi vì nguồn lực bắt buộc để trả nợ là những nguồn tài nguyên cần thiết để chống dịch. Có một mối liên hệ rõ ràng giữa tiền trả nợ và khả năng của quốc gia con nợ trong việc hỗ trợ dân chúng của quốc gia này”, ông Malpass nói.
Lý do thứ hai Chủ tịch WB chỉ ra là: Giảm nợ rất cần thiết để tạo môi trường thu hút đầu tư mới. Không có giảm nợ, các nhà đầu tư mới chần chừ, không muốn bỏ vốn. Đất nước đó gặp nguy cơ một loạt các chuỗi tái cấu trúc nợ. “Mỗi lần như vậy rất đắt giá và làm các nhà đầu tư ngần ngại hơn”, ông nói.
Hợp đồng vay mượn phải minh bạch
Ông Malpass cũng nói rằng các hợp đồng nợ thường không rõ ràng. Các chi tiết hợp đồng, chẳng hạn như lãi suất, lịch trình trả nợ hay tài sản thế chấp cần thiết đều không được công khai. Tài sản thế chấp vốn là thành tố của nền kinh tế đã được để dành cho chủ nợ mà không được xác định rõ.
Ông Malpass nhắc lại sự cần thiết của sự minh bạch khi nền kinh tế thế giới bước vào quá trình hồi phục sau dịch trong năm 2021-2022. “Với sự minh bạch, người dân một nước biết được cái gì trong các hợp đồng mà các nhà lãnh đạo nước họ đã ký. Vì thế, sẽ có cách tiếp cận xây dựng hơn với các thị trường tài chính thật sự hữu ích cho sự phát triển quốc gia”, Chủ tịch WB nói.
Trước dịch, nhiều nước phát triển đã tiếp cận được thị trường thị trường tài chính khu vực tư. Với môi trường lãi suất toàn cầu suy giảm, tài chính khu vực tư có sức thu hút và vài quốc gia có thể tiếp cận nguồn tài chính tư, thậm chí trong tình hình suy thoái hiện nay. “Tuy nhiên, đối với những nước nghèo nhất, họ không thể có điều này. Chẳng hạn, từ trước đến nay chưa có các đợt phát hành trái phiếu ở vùng cận Sahara châu Phi”, ông Malpass nhận định.
Trả lời câu hỏi của Nikkei Asia “Có gì bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ thực hiện các điều khoản của thỏa thuận tháng 11? Và điều gì ông quan tâm?”, người đứng đầu WB cho rằng các chủ nợ song phương chính thức cần tham gia đầy đủ thỏa thuận này.
“Tôi rất vui mừng khi thấy Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cho Zambia hoãn trả lãi suất các khoản nợ khi cuộc họp G20 đang diễn ra. Ngân khoản dùng để trả lãi suất lúc này sẽ hỗ trợ đất nước Zambia nhiều. Nhưng lãi suất của Trung Quốc thật sự cao. Tại Ecuador, các khoản nợ của Trung Quốc đều có lãi suất trên 7%. Trong khi đó, các khoản cho vay của WB hiện ở mức rất thấp bởi vì tính ngang với lãi suất Libor hiện ở mức 0,3% mỗi năm, cộng thêm khoản phí”, Chủ tịch Malpass phát biểu.
Xem thêm: lmth.-gnourt-gnat-ad-tam-ioig-eht-ar-hnihp-on-iohk/974113/nv.semitnogiaseht.www