vĐồng tin tức tài chính 365

Hoàn thiện khung khổ pháp lý và cơ chế chính sách cho TTKDTM tại Việt Nam

2020-12-07 22:10

Hội thảo nhằm tập hợp trí tuệ của các chuyên gia đến từ Văn phòng Chính phủ; các Vụ, Cục, đơn vị của NHNN; đại diện các bộ, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước; Hiệp hội Ngân hàng; đại diện các ngân hàng thương mại; các tổ chức tín dụng; các công ty Fintech; công ty chứng khoán; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước thuộc các viện nghiên cứu, trường Đại học khối tài chính - ngân hàng cùng thảo luận, đánh giá về cơ hội phát triển; đề xuất các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), góp phần thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời, tạo ra diễn đàn học thuật, trao đổi kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm dành cho nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên và người làm thực tế.

TTKDTM giúp nâng cao khả năng tiếp cận tài chính và thúc đẩy tài chính toàn diện

Phát biểu chỉ đạo Hội Thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết “TTKDTM có vai trò đặc biệt quan trọng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các chủ thể tham gia và cả nền kinh tế, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao khả năng tiếp cận tài chính và thúc đẩy tài chính toàn diện”. TTKDTM giúp giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, góp phần vào công tác quản lý thuế, phòng, chống tội phạm, tham nhũng, các vấn đề về gian lận lợi ích; người dân, doanh nghiệp có thêm kênh giao dịch tiện ích, thuận lợi; các nguồn vốn trong xã hội được luân chuyển một cách an toàn, hiệu quả, tiết kiệm chi phí, thời gian...

Với việc triển khai tích cực, đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp, hoạt động TTKDTM thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực và vượt bậc. Cụ thể, hành lang pháp lý cho hoạt động TTKDTM đã được hoàn thiện; hạ tầng kỹ thuật, công nghệ phục vụ TTKDTM (nhất là thanh toán điện tử) được mở rộng, đầu tư và nâng cấp. Hầu hết các thành tựu của CMCN 4.0 đã được ứng dụng vào hoạt động thanh toán. Các sản phẩm, dịch vụ TTKDTM (nhất là thanh toán điện tử) được phát triển mạnh mẽ, đa dạng. Số lượng, giá trị các giao dịch được thực hiện qua các phương tiện TTKDTM có sự tăng trưởng mạnh mẽ (nhất là thanh toán qua điện thoại di động và Internet). Các hệ sinh thái thanh toán số được hình thành, cho phép kết nối, tích hợp với các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ.

image

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Nhiều con số khác cũng chứng minh, thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng vọt. Cụ thể, trong 09 tháng đầu năm 2020, số lượng và giá trị giao dịch TTKDTM đều tăng trưởng, tương ứng 75,2% và 30,4% so với cùng kỳ năm 2019; và đặc biệt là số lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng mạnh tương ứng gần 125% và 130% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Lãnh đạo NHNN, mục tiêu phát triển TTKDTM cũng là nội dung quan trọng được Thủ tướng Chính phủ đề ra tại một số Đề án phát triển ngành ngân hàng trong thời gian tới như: (i) Tại Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, số lượng giao dịch TTKDTM đạt tốc độ tăng 20% - 25% hàng năm; (ii) Tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu đẩy mạnh phát triển TTKDTM, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh năm 2020 là năm có ý nghĩa rất quan trọng. Vì đây là năm cuối của nhiệm kỳ và là thời điểm tổng kết, đánh giá việc triển khai, thực hiện Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 2545/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); trên cơ sở đó rút ra các bài học kinh nghiệm để nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển TTKDTM cho 05 năm tiếp theo (giai đoạn 2021-2025) với những bối cảnh và điều kiện phát triển mới.

Hệ sinh thái thanh toán số phát huy hiệu quả trong dịch COVID-19

Đặc biệt, sự ra đời và phát triển của TTKDTM vừa là xu thế tất yếu của thời đại nhằm đáp ứng yêu cầu mới của cuộc CMCN 4.0 và cũng là một biện pháp quan trọng nhằm hỗ trợ và đảm bảo tính liên tục, thông suốt cho hoạt động giao dịch, thúc đẩy kinh doanh giữa các chủ thể trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra. Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra một bức tranh toàn diện về chính sách thúc đẩy TTKDTM tại Việt Nam trong thời gian qua.

“Hệ sinh thái thanh toán số đã phát huy hiệu quả tối đa trong việc thay đổi thói quen, hành vi tiêu dùng của một bộ phận lớn dân cư trong xã hội, hoạt động TTKDTM trong khu vực chính phủ, dịch vụ hành chính công đã có nhiều chuyển biến tích cực” - ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN nhấn mạnh.

Thống kê của NHNN, tính đến nay đã có hơn 30 bệnh viện triển khai thanh toán viện phí điện tử; 50 ngân hàng thương mại hoàn thành kết nối thanh toán thuế điện tử với cơ quan thuế, hải quan trên 63 tỉnh, thành phố, 95% số thu hải quan thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; 27 ngân hàng thương mại và 10 tổ chức trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện (doanh thu tiền điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%).

Theo khảo sát của Công ty PwC đối với 27 nước đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018. Đến nay, toàn thị trường có 77 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Các đơn vị đã nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán, với việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh trắc, sử dụng QR Code, Tokenization, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS... Đến nay có khoảng 30 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, toàn thị trường có hơn 90.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code (một hình thức thanh toán mới, hiện đại tại đơn vị chấp nhận thanh toán tương tự như thanh toán qua POS).

image

Ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN trình bày tại Hội thảo

Tuy đã có những kết quả tích cực nhưng Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cũng chỉ ra một số khó khăn mà TTKDTM vẫn còn phải đối mặt, đó là: Hành lang pháp lý; thói quen sử dụng tiền mặt, tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới của người dân. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng thanh toán chưa được phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đơn vị chấp nhận thanh toán chưa có đủ kiến thức cũng như lợi ích thiết thực khi chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt so với tiền mặt, do đó chưa tích cực tham gia.

Mặt khác, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán điện tử gần đây có những diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, do đó, các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho các dịch vụ thanh toán dựa trên công nghệ cao cần tiếp tục được quan tâm và tăng cường.

Phát biểu tại Hội thảo, Đại tá Trương Sơn Lâm - Phó cục trưởng Cục A05 (Bộ Công an) khuyến cáo cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, kể cả các nhân viên, cán bộ trong ngành ngân hàng về những thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát phát hiện các giao dịch đáng ngờ; hoàn thiện cơ chế pháp lý; chủ động triển khai phương án phòng chống rủi ro, tấn công mạng...

Chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế trong thúc đẩy TTKDTM, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) đã chỉ ra một vài mô hình hiệu quả tại Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan như: Tổ chức các chương trình kích cầu, hoàn tiền khi giao dịch điện tử, miễn phí giao dịch nhỏ; xây dựng hệ thống thuế điện tử tích hợp eTAX; xây dựng hệ thống chuyển tiền PromptPay cho phép không cần dùng tài khoản ngân hàng mà có thể dùng mã số định danh quốc gia và số điện thoại di động...

Từ đó, ông Cấn Văn Lực khuyến nghị cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng bộ tiêu chí đo lường tỷ lệ sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; ban hành quy định quản lý Công ty công nghệ tài chính (Fintech), ví điện tử, tiền di động (mobile money); hoàn thiện, cập nhật đề án quốc gia về thanh toán không dùng tiền mặt (có cơ chế giải pháp khuyến khích, cưỡng chế thanh toán không dùng tiền mặt...). "Thêm nữa, cần sớm có quy định về chia sẻ thông tin, dữ liệu; cơ chế công nhận kết quả thẩm định, xác thực lẫn nhau giữa các tổ chức tín dụng, xây dựng cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia. Việc nghiên cứu cấp phép ngân hàng số; nghiên cứu cách tiếp cận, quản lý tiền kỹ thuật số cũng là những điều cần lưu tâm", ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Thông tin thêm tại Hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng cho biết thêm, Thông tư về eKYC vừa được Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh ký sáng nay. Đây là nền tảng đầu tiên để thanh toán số, ngân hàng số phát triển. Về thúc đẩy thanh toán số phát triển thời gian tới, NHNN cho biết sẽ thúc đẩy nhanh chóng hoàn thiện tốt hơn nữa khung pháp lý. “Chúng tôi đang nghiên cứu, xem xét có nên đưa ra Luật Thanh toán hay không.Hiện đã có 84 quốc gia có Luật Thanh toán, gần Việt Nam nhất là Lào và Campuchia. Lý do là hiện nay, tham gia lĩnh vực thanh toán có rất nhiều chủ thể (fintech, Big Tech…) chứ không chỉ có tổ chức tín dụng. Ngoài ra, cũng xuất hiện nhiều hình thức thanh toán mới như QR…” ông Dũng cho hay.

Ngoài ra, Hội thảo đã được nghe những chia sẻ kinh nghiệm về quá trình triển khai ngân hàng số nói chung và ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 vào dịch vụ thanh toán nói riêng của một số ngân hàng thương mại như: việc cung ứng dịch vụ TTKDTM trong bối cảnh CMCN 4.0; các vấn đề về an toàn, bảo mật thông tin trong thanh toán; cũng như định hướng, giải pháp phát triển TTKDTM trong thời gian tới và bài học kinh nghiệm triển khai TTKDTM trong Thanh toán dịch vụ công.

Các vấn đề được thảo luận tại Hội thảo giúp NHNN trong công tác quản lý và xây dựng cơ chế, chính sách; giúp các cơ sở đào tạo trong và ngoài Ngành trong công tác đào tạo, nghiên cứu; đồng thời, giúp các tổ chức tín dụng có các giải pháp ứng phó với những thách thức, tận dụng các cơ hội trong việc thúc đẩy TTKDTM trong nền kinh tế số tại Việt Nam hiện nay.

VA

 

 

Xem thêm: 477524VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Hoàn thiện khung khổ pháp lý và cơ chế chính sách cho TTKDTM tại Việt Nam”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools