Thị trường chứng khoán mở cửa phiên giao dịch đầu tuần bằng việc các chỉ số chính duy trì được sắc xanh nhẹ với sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu trụ cột. Tuy nhiên, nhờ vào lực cầu dâng cao ở cuối giờ nên đà tăng của VN-Index và HNX-Index được nới rộng lên đáng kể. Có thời điểm, VN-Index đã chạm mốc 1.030 điểm.
Tuy nhiên, tâm điểm của thị trường trong phiên 7/12 là nhóm cổ phiếu ngành thép khi NKG và HSG đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, TLH tăng 5,5% lên 6.490 đồng/cp, VGS tăng 5,4% lên 11.800 đồng/cp, SMC tăng 4,7% lên 15.450 đồng/cp, HPG tăng 3,4% lên 38.200 đồng/cp.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, hàng loạt mã như DIH, OCH, BII, TN1, FIT, DTA, HAR, QCG, VRC hay DRH đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, các mã có thanh khoản cao như HPX, IDJ, HDC, ASM, CRE, TDH... cũng đồng loạt tăng giá. HPX tăng 6,6%, IDJ tăng 5,8%, HDC tăng 4,4%, ASM tăng 3,6%.
Dù vậy, khác với các phiên trước, khá nhiều cổ phiếu bất động sản đã giảm sâu trở lại, đặc biệt là nhóm khu công nghiệp. Trong đó, NTC giảm 4,4% xuống 248.300 đồng/cp, LHG giảm 4,3% xuống 32.500 đồng/cp, SIP giảm 2,6% xuống 154.800 đồng/cp.
Quay trở lại với diễn biến thị trường chung, VCB, BID, HPG, SAB, VNM, GAS, GVR... tăng giá mạnh và góp công lớn trong việc kéo VN-Index lên sát mốc 1.030 điểm. VCB chốt phiên tăng 2,2% lên 93.100 đồng/cp, BID tăng 3,2% lên 43.000 đồng/cp, SAB tăng 2,5% lên 207.000 đồng/cp, GVR tăng 1,2% lên 20.300 đồng/cp. GVR thông báo đăng ký bán hơn 9,3 triệu cổ phiếu SIP, tương đương với 11,77% số cổ phiếu đang lưu hành. Thời gian giao dịch từ ngày 9/12 - 21/12/2020. Phương thức giao dịch là khớp lệnh hoặc thỏa thuận tại HNX.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 8,49 điểm (0,83%) lên 1.029,98 điểm. Toàn sàn có 275 mã tăng, 149 mã giảm và 75 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,72 điểm (1,13%) lên 154,2 điểm. Toàn sàn có 117 mã tăng, 55 mã giảm và 57 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,09 điểm (0,13%) lên 68,7 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn suy giảm so với phiên cuối tuần trước nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 10.934 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 585 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.236 tỷ đồng. TCH, ITA và FLC là 3 cổ phiếu bất động sản nằm trong top khớp lệnh toàn thị trường, trong đó, TCH đứng ở vị trí thứ 2 chỉ sau HPG với 23,3 triệu cổ phiếu. ITA và FLC khớp lệnh lần lượt 15 triệu cổ phiếu và 9,3 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại giao dịch tích cực khi mua ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị 242 tỷ đồng, trong đó, VRE và KDH là 2 mã bất động sản nằm trong top mua ròng của khối ngoại với lần lượt 15 tỷ đồng và 11,5 tỷ đồng. Chiều ngược lại, không có cổ phiếu bất động sản nào nằm trong top bán ròng của khối ngoại.
Theo phân tích của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường tăng điểm phiên thứ năm liên tiếp với mức tăng khá tốt (+0,83%) nhưng thanh khoản khớp lệnh lại có sự suy giảm nếu so với bốn phiên tăng trước đó tuy vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên, cho thấy lực cầu mua lên tại vùng giá hiện tại đang có sự dè chừng nhất định, cũng như bên bán có sự tiết cung.
Trên biểu đồ kỹ thuật, VN-Index hiện kết phiên ngay dưới ngưỡng kháng cự 1.030 (đỉnh tháng 10/2018 và tháng 11/2019) nên áp lực chốt lời sẽ trở nên mạnh hơn trong phiên tiếp theo và khả năng điều chỉnh trở lại có thể xảy ra với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 1.000 điểm và xa hơn quanh 990 điểm (MA20).
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 12 tiếp tục duy trì basis dương 2,49 điểm so với chỉ số cơ sở VN30, cho thấy các nhà giao dịch vẫn lạc quan về xu hướng hiện tại. Tuy nhiên, đứng trước vùng kháng cự mạnh trong hơn hai năm qua thì nên có góc nhìn thận trọng hơn.
SHS dự báo VN-Index có thể sẽ điều chỉnh trở lại trước áp lực chốt lời quanh ngưỡng kháng cự 1.030 điểm (đỉnh tháng 10/2018 và tháng 11/2019). Nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể bán ra chốt lời quanh ngưỡng kháng cự 1.030 điểm. Nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao hạn chế mua đuổi và có thể canh những nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng 1.000 điểm (nếu có) để tham gia trở lại./.