Hãng tin Channel News Asia ngày 7-12 đưa tin Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng việc thuyết phục mọi người về giá trị của vaccine COVID-19 sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc cố gắng bắt buộc tiêm vaccine.
Theo WHO, nhu cầu và cách thức tiến hành các chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 tùy thuộc vào mỗi quốc gia. Tuy nhiên, tổ chức này khẳng định việc bắt buộc phải tiêm chủng vaccine COVID-19 là một cách tiếp cận sai lầm, hơn nữa trước đây đã có những trường hợp cho thấy việc bắt buộc sử dụng vaccine đã phản tác dụng khi vấp phải nhiều sự phản đối.
Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến, bà Kate O'Brien - giám đốc bộ phận tiêm chủng, vaccine và sinh phẩm của WHO - cho biết: "Tôi không nghĩ rằng sự bắt buộc là hướng đi ở đây, đặc biệt là đối với những loại vaccine như thế này".
"Sẽ tốt hơn nhiều nếu chúng ta thực sự khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêm chủng mà không đưa ra những yêu cầu bắt buộc" – bà O'Brien nói.
Tuy nhiên, bà O'Brien cho biết có thể có một số bộ phận trong bệnh viện mà việc tiêm chủng phải bắt buộc hoặc được khuyến khích cao vì sự an toàn của nhân viên và bệnh nhân.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: PAN AMERICAN HEALTH ORGANIZATION
Ông Mike Ryan - giám đốc phụ trách các chương trình khẩn cấp của WHO - cho rằng: "Câu chuyện về vaccine là một tin tức tốt. Đó là thành quả sự nỗ lực của con người trước kẻ thù là vi sinh vật. Chúng ta cần thuyết phục mọi người".
Đối với việc bắt buộc phải tiêm vaccine, ông Ryan cho biết: “Tôi nghĩ tất cả chúng ta, những người làm việc trong lĩnh vực y tế công cộng nên tránh xem việc bắt buộc như một cách để khiến mọi người tiêm chủng".
"Chúng tôi có thể phụng sự tốt hơn nhiều bằng cách cung cấp dữ liệu, lợi ích liên quan vaccine cho mọi người và để họ tự quyết định. Tôi tin rằng trong một vài trường hợp nhất định, trách nhiệm duy nhất của chúng ta là phải đi tiêm phòng" - ông Ryan nói thêm.
Ông Ryan cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Sáng kiến ACT – Accelerator, một chương trình hợp tác toàn cầu nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển và phân phối công bằng vaccine, phương pháp chẩn đoán và trị liệu nhằm đối phó đại dịch COVID-19 ở tất cả các quốc gia bất kể mức thu nhập.
Tuy nhiên, sáng kiến này hiện đang cần gấp 4,3 tỉ USD, trong khi năm 2021 sẽ cần thêm 23,9 tỉ USD.
“Những gì chúng ta cần hiện nay trên toàn cầu không phải là đưa ra những lời hứa suông về việc hỗ trợ ACT-Accelerator. Phương tiện để thực hiện việc phân bổ này một cách công bằng và bình đẳng đã có, nhưng nguồn tài chính để thực hiện điều đó vào năm 2021 là chưa đảm bảo. Có quá nhiều khoảng cách giữa lời hùng biện và thực tế” – ông Ryan nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ từ các nhà tài trợ.
Channel News Asia cũng dẫn lời Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các quốc gia một khi bắt đầu triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 trong thời gian tới cần ưu tiên những người cần vaccine nhất.
“Đây không phải là quyết định dễ dàng” – ông Tedros cho biết.
Theo ông, các nhân viên y tế có nguy cơ lây nhiễm cao nên là ưu tiên hàng đầu, cùng những người có nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo hoặc khả năng tử vong cao do tuổi tác, kế đến là những người có nguy cơ mắc bệnh nặng với các bệnh lý tiềm ẩn.
Theo thống kê của WHO, hiện có 51 ứng cử viên vaccine COVID-19 đang được thử nghiệm lâm sàng trên toàn cầu, 13 trong số đó đã đến giai đoạn thử nghiệm hàng loạt cuối cùng. Ngoài ra, 163 ứng cử viên vaccine COVID-19 khác đang được nghiên cứu tiền lâm sàng.