Tờ South China Morning Post ngày 8-12 đưa tin quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Miller vừa có chuyến thăm chính thức Philippines và ký kết với người đồng cấp Delfin Lorenzana văn bản bàn giao 29 triệu USD khí tài quân sự. Các khí tài này bao gồm nhiều loại súng bắn tỉa và phương tiện tháo gỡ bom tự chế.
"Số khí tài trên thật sự là một nghĩa cử cao đẹp của Washington và là một minh chứng cho quan hệ đồng minh Philippines - Mỹ bền chặt. Chúng cũng sẽ Philippines hiện đại hoá quân đội nhằm đối phó hiệu quả hơn với các mối đe dọa an ninh truyền thống lẫn bất thường" - ông Lorenzana khẳng định.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ (giữa) trong buổi trao đổi với người đồng cấp Philippines Delfin Lorenzana (trái) ở thủ đô Manila ngày 7-12. Ảnh: REUTERS
Ngoài ra, theo một thông cáo của văn phòng Bộ trưởng Lorenzana về nội dung cuộc gặp với ông Miller, hai người cũng đã có một số trao đổi về vị thế chiến lược hiện nay của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và các bước đi cần thiết để giữ khu vực này tự do, rộng mở.
South China Morning Post cho biết Philippines hiện là nước nhận nhiều viện trợ quân sự nhất từ Mỹ ở khu vực Đông Nam Á, dẫn nguồn tin từ Đại sứ quán Mỹ tại Philippines. Từ năm 2015, Mỹ đã gửi cho Philippines nhiều máy bay, tàu thuyền, xe bọc thép và vũ khí cỡ nhỏ trị giá gần 685 triệu USD.
Nhiều ý kiến nhận định việc gửi tặng một lượng lớn khí tài quân sự như vậy cho Philippines có thể là động thái cuối cùng của Tổng thống Donald Trump nhằm đảm bảo đồng minh Philippines có đủ lực để đương đầu với Trung Quốc sau khi ông ra đi. Tuần qua, căng thẳng Mỹ - Trung về vấn đề Biển Đông tiếp tục bùng phát sau bài viết bùng nổ của ông Miller trên The Philippine Star.
Theo đó, quan chức này thẳng thừng chỉ trích Bắc Kinh đã lợi dụng COVID-19 để mở rộng ảnh hưởng trên Biển Đông, dùng lực lượng hải quân, hải cảnh và dân quân biển để củng cố yêu sách biển phi pháp và bắt nạt các nước láng giềng.
Hồi năm 2019, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng từng lên tiếng khẳng định Washington sẵn sàng hỗ trợ Manilla nếu nước này bị tấn công ở Biển Đông đúng theo các điều khoản của Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) mà hai bên cùng ký kết năm 1951.