Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ vừa qua đã phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với mục tiêu đến năm 2025, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình. Đồng thời, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%.
Tờ Vietnam Briefing đã chỉ ra 4 thay đổi lớn trong nền kinh tế số của Việt Nam và cơ hội cho các nhà đầu tư.
Nền kinh tế số Việt Nam hiện nay được chia thành 4 phân ngành chính. Đầu tiên là thương mại điện tử. Theo số liệu nghiên cứu của Google và Temasek, thương mại điện tử của Việt Nam sẽ tăng từ mức 2,8 tỷ USD năm 2018 lên đến mức 15 tỷ USD vào năm 2025. Bên cạnh các nền tảng số thuộc sở hữu nước ngoài như Lazada và Shopee, các sàn thương mại điện tử của Việt Nam như Tiki tăng trưởng đáng kể là dấu hiệu tích cực cho công cuộc chuyển đổi kinh tế số của đất nước.
Tiếp theo là dịch vụ tài chính kỹ thuật số. Hiện nay, tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán phổ biến tại Việt Nam. Năm 2019, chỉ 41% người trưởng thành trong nước có tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo nhu cầu về các dịch vụ tài chính kỹ thuật số sẽ tăng lên trong tương lai.
Tháng 8/2020, Timo Plus - một dịch vụ ngân hàng số Việt Nam đã công bố đầu tư vào các dịch vụ tài chính kỹ thuật số thông qua các sản phẩm tín dụng và tiết kiệm. Đồng thời, nhu cầu thanh toán kỹ thuật số cũng tăng ở mức 76% trong quý đầu tiên của năm 2020.
Những thay đổi trong tỷ lệ người dùng dịch vụ tài chính kỹ thuật số đã thu hút các doanh nghiệp fintech đầu tư vào Việt Nam. Ước tính ngành công nghệ tài chính (fintech) tại Việt Nam sẽ đạt doanh thu 7,8 tỷ USD vào năm 2020.
Trong chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, fintech cũng là một trong những lĩnh vực được ưu tiên FDI đầu tư vào trong thời gian tới. Hồi đầu năm, Ngân hàng Nhà nước cũng đã bỏ giới hạn 49% đầu tư nước ngoài với trung gian thanh toán. Điều này đã tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính trong và ngoài nước theo những cách thức sâu sắc, toàn diện hơn.
Phân ngành thứ ba đó là ngành công nghiệp game của Việt Nam. Ngành công nghiệp game của Việt Nam trong năm 2020 đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Điển hình như thị trường thể thao điện tử (e-sport) đã tăng trưởng 28% trong 5 năm, kể từ năm 2015.
Cuối cùng là các dịch vụ hỗ trợ CNTT và công nghiệp 4.0. Các nhà cung cấp dịch vụ CNTT cho các doanh nghiệp là "chìa khóa" để chuyển đổi số thành công, từ đó tạo ra cơ hội trong các dịch vụ hỗ trợ CNTT và công nghiệp 4.0.
Bên cạnh đó, việc thúc đẩy phát triển công nghiệp 4.0 tại Việt Nam cũng đã thu hút các dự án trong hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển). Điển hình như Samsung, Panasonic, Bosch, GE và Piaggio đều đang có các trung tâm R&D quy mô lớn tại Việt Nam.
Vietnam Briefing nhận định, mặc dù kinh tế số của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, song vẫn còn những thách thức đối với hành lang pháp lý. Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều luật về thương mại điện tử. Cụ thể, bổ sung các điều kiện nhằm kiểm soát cổ phần, điều kiện đưa các nhà đầu tư nước ngoài vào danh sách "các công ty công nghệ có uy tín toàn cầu", điều kiện về việc rút vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.
Luật An ninh mạng cũng tác động lớn đến nền kinh tế số. Các quy định trong luật chi phối việc thu thập, xử lý và bảo vệ dữ liệu. Đây là công cụ chính để triển khai phát triển kinh tế số, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến dữ liệu người dùng, điển hình như truyền thông trực tuyến.
Tuy nhiên, việc ban hành Luật Đầu tư sửa đổi 2020 đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong hoạt động R&D. Cụ thể, một số dự án cụ thể sẽ có thể được Chính phủ cung cấp các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư khi vốn đầu tư vượt quá 3 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 1,3 tỷ USD).
Nhìn chung, đại dịch Covid-19 đã phần nào thúc đẩy nền kinh tế số Việt Nam. Các lĩnh vực như thương mại điện tử, dịch vụ tài chính kỹ thuật số, ngành công nghiệp game và Công nghiệp 4.0 đã sẵn sàng phát triển và mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào hệ sinh thái kỹ thuật số của Việt Nam.
Hà Trần/ Theo Vietnam Briefing
Nhịp sống kinh tế