Bộ đội biên phòng Lạng Sơn tuần tra, phòng chống tội phạm - Ảnh: BĐBP Lạng Sơn
Chúng tôi uống nước suối, ăn quả rừng là thường xuyên. Có nhiệm vụ chỉ một vài ngày nhưng cũng có chuyên án chúng tôi phải theo cả tháng trời. Ngày giấu mình trong bụi, trong hang hốc, đêm tối ra theo dõi động tĩnh. Có khi quần áo mặc cả tuần, bốc mùi, sợ bị phát hiện thì ngâm cả người xuống suối để "giặt vo" rồi cứ thế mặc.
Trinh sát Nguyễn Duy Biên chia sẻ
Đó là chuyện thường nhật đối với cán bộ, chiến sĩ Phòng phòng chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn (PPCTPVMT - BCHBĐBPLS).
Đối mặt hiểm nguy
Lần này, họ được lệnh "khóa" vòng vây trong một khu rừng nằm dưới chân dãy Mẫu Sơn. Lật giở bản đồ, chỉ huy chuyên án khoanh một vòng tròn khu vực nghi phạm đang cất giấu ma túy. Các trinh sát có nhiệm vụ theo dõi mọi động tĩnh, sẵn sàng áp chế nhưng tuyệt đối bí mật.
Nửa năm chưa kịp về thăm gia đình vì phối hợp tăng cường phòng chống dịch COVID-19, trinh sát Trịnh Đức Kiên (đã đổi tên để bảo mật, PPCTPVMT - BCHBĐBPLS) lại nhận nhiệm vụ mới. Tổ trinh sát được lệnh theo dõi, cô lập một nhóm đối tượng đang chuyển số lượng ma túy lớn sang Trung Quốc giao dịch.
Gần sáng, tổ trinh sát nắm cơm, nhét thêm mấy chiếc bánh lương khô vào túi áo dã chiến rồi băng rừng đến vị trí. Khu vực đánh án thực ra đã được lực lượng biên phòng khóa chặt các đường mòn, lối mở.
Từ hàng rào biên giới, con kiến cũng không chui lọt. Nhóm "ăn" hàng bên Trung Quốc không thể sang giao dịch khiến nghi phạm buộc phải chôn ma túy trong rừng.
Khu vực rừng toàn thông, dưới tán không một bụi rậm, lại đúng mùa bà con phát cỏ làm nương nên cả cánh rừng trơ trơ màu nâu sậm của cỏ úa, của lá thông khô. Kiên bò xuống bờ suối, chọn một góc nước đổ xuống qua phiến đá to, ẩn mình vào bên trong dòng nước, mặc cho bánh lương khô nhão ra và tan dần trong túi áo.
Phía bên kia sườn đồi, đồng đội anh cũng nhanh chóng leo lên một ngọn cây cao, dùng dây dù cột thắt lưng vào cây rồi bám chặt trên đó, mắt không rời phía đồi giấu "hàng".
"Chúng tôi chốt chặt gần một tuần để đánh án. Tên buôn ma túy không thể chờ được, buộc phải vào "nhổ" hàng mang ra đi đường khác. Tổ trinh sát báo cáo tỉ mỉ về sở chỉ huy, một chốt đặc nhiệm nhanh chóng giăng lưới và tóm gọn.
Đó là chuyên án phá đường dây vận chuyển 6 bánh heroin qua biên giới của Trương Văn Cường, ngụ tại Cao Lộc, Lạng Sơn. Cường móc nối với một tên ở Hưng Yên, chuyển 6 bánh ma túy lên Lạng Sơn.
Đến thành phố, Cường chịu trách nhiệm đưa vào biên giới để bán cho khách bên Trung Quốc. Tay trùm xảo quyệt này tổ chức "trinh sát ngược" lực lượng biên phòng. Hắn vờ đi chơi, đi ăn, cho đàn em dò la từng chốt biên phòng, từng động thái, hoạt động của lực lượng biên phòng dọc tuyến biên giới.
Đến lúc khách "ăn" hàng, Cường mang 6 bánh heroin đi xuyên rừng vào sát biên giới thuộc khu vực quản lý của Đồn biên phòng Ba Sơn.
Nắm được thủ đoạn này, các trinh sát "khóa" chặt đường biên, khách Trung Quốc không sang được, Cường bí mật chôn 6 bánh heroin trong rừng rồi quay ra thành phố. Đám tội phạm ma mãnh vừa dò la biên phòng, vừa di chuyển và ăn chơi khắp thành phố để đánh lạc hướng trinh sát.
Tên trùm ma mãnh không ngờ hắn đang bị những trinh sát dày dạn "giăng lưới", buộc hắn phải vào lấy hàng và chui vào rọ. Khi không đủ kiên nhẫn, Cường buộc phải chuyển ngược số ma túy vào nội địa.
Hắn dự định mang về Hà Nội rồi chuyển vào TP.HCM để giao dịch. Khi đàn em hắn mang hàng vừa ra khỏi thành phố Lạng Sơn thì lọt vào vòng vây của tổ đặc nhiệm...
Thượng tá Trịnh Quốc Việt, phó trưởng PPCTPVMT - BCHBĐBPLS, chia sẻ tội phạm bây giờ manh động, xảo quyệt. "Đánh án không thể đánh "tay bo" như ngày xưa mà phải dùng công nghệ. Có công nghệ rồi lại phải kết hợp với chiến thuật ngoại tuyến.
Trước đây, các đối tượng thường mang ma túy vào nội địa rồi thuê mấy ông nghiện ngập vận chuyển. Giờ thì không. Chúng tổ chức chặt chẽ, chia từng công đoạn và trực tiếp làm. Đã vậy, chúng còn tinh vi tới mức tổ chức nhiều nhóm vận chuyển nhưng chỉ một nhóm có "hàng". Nếu không trinh sát kỹ, mình sẽ bắt hụt".
Anh cán bộ trẻ Trịnh Nguyễn Sáng cho hay: "Tội phạm ma túy xác định đã bị bắt là đối mặt với án rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Vì thế, chúng dùng mọi vũ khí có được để chống trả đến cùng. Đối mặt với tội phạm ma túy, anh em chúng tôi xác định đối mặt với một cuộc chiến một mất, một còn".
Lực lượng biên phòng Lạng Sơn bắt trùm ma túy người Trung Quốc mua bán 273kg ma túy tổng hợp - Ảnh: BĐBP Lạng Sơn
Nắm cơm thiu đẫm nước mưa
Bữa ăn thường xuyên của trinh sát thuộc PPCTPVMT - BCHBĐBPLS là cơm nắm. Trinh sát Nguyễn Duy Biên (đã đổi tên) cười vang khi đồng đội kêu anh "ăn bẩn". Hơn chục năm làm trinh sát, anh không nhớ nổi có bao nhiêu bữa ăn cơm nắm với nước mưa.
Làm nhiệm vụ không thể mang theo nhiều lương thực dự trữ, thời gian dự kiến luôn thay đổi, thông thường anh em nấu cơm ở đồn, nắm thật chặt, bỏ vào túi áo rồi lên đường. "Sang" hơn thì mang theo vài mẩu lương khô.
Chuyên án bắt hơn 2 tấn pháo nổ hồi áp tết năm vừa rồi, tổ trinh sát ba người "giăng lưới" trong rừng Cò Luồng, thuộc khu vực Đồn biên phòng Bảo Lâm (Cao Lộc, Lạng Sơn). Mỗi người mang theo một nắm cơm, dự kiến sẽ đánh án trong đêm. Khi chốt chặt vị trí, cấp trên thông báo chuyên án có chút thay đổi, "hàng" về muộn, anh em giữ chặt vị trí.
Đã quá quen với việc này, tổ trinh sát của anh Biên ăn dè nắm cơm, vừa giữ vị trí vừa giữ sức để đánh án. Đến ngày thứ hai thì trời đổ mưa.
Mưa rừng biên giới rét cắt da cắt thịt. Bộ đồ dã chiến ướt hết, hơn một ngày vẫn nằm trong rừng, mưa tạnh, quần áo tự khô. Còn nắm cơm mang theo dính nước mưa bở thiu, đã vậy lại dính bùn. Anh em trong tổ bóc chỗ cơm bở dính đất đi, ăn tạm.
Đến rạng sáng ngày thứ ba thì hàng về. Hoàng Lâm Hải (sinh năm 1986, trú tại thôn Khả Phong, trấn Hữu Nghị, thị Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) thuê gần chục cửu vạn cõng 120 thùng pháo nổ vào Việt Nam. Số pháo này nặng hơn 1,2 tấn, trị giá hàng trăm triệu đồng...
Trung tá Trịnh Nguyễn Sáng tâm sự là phòng chiến đấu nên lúc nào cũng sẵn sàng. Ngay cả lãnh đạo phòng có lần đi bộ xuyên rừng dưới cái rét 8 độ C, lạnh quá chảy cả máu mũi nhưng vẫn sát cánh cùng anh em đánh án.
Thượng tá Trịnh Quốc Việt cười khi đồng đội trêu anh: "Thượng tá còn phải đi múc phân!". Vị chỉ huy dạn dày kinh nghiệm chắc như đinh đóng cột: "Đã vào việc thì tướng cũng như quân, phải làm hết! Anh em vất vả thì mình cũng phải lăn vào".
Vụ đó, anh Việt trực tiếp cùng anh em tát cạn bể phốt, tìm ra chiếc điện thoại một nghi phạm phi tang. Dữ liệu bên trong chiếc điện thoại này là bằng chứng để đánh sập cả đường dây buôn ma túy.
Kể về kỷ niệm đánh án, anh Việt nói: "Đêm đó, chúng tôi bắt khẩn cấp đối tượng. Tên này xảo quyệt, thấy bị phát hiện liền bỏ điện thoại vào bệ xí. Lúc đó tôi chỉ dựa vào tinh giác của nghề, tìm bằng được chiếc điện thoại. Khi tát cạn bể phốt thì lấy được chiếc điện thoại và một gói ma túy".
Trong hơn 4 năm qua, PPCTPVMT - BCHBĐBPLS đã phá hơn 1.700 vụ án liên quan đến ma túy, tiền giả, buôn lậu, mua bán người.
Trong đó triệt phá thành công 105 vụ án về ma túy, bắt giữ 132 đối tượng, thu giữ hàng chục ký heroin, hàng trăm ký ma túy tổng hợp khác; phá 12 vụ mang tiền giả vào Việt Nam, thu giữ hơn 2,6 tỉ đồng tiền giả.
TTO - Bộ Công an cho biết năm 2019 đã bắt giữ hơn 22.800 vụ vận chuyển, buôn bán ma túy qua biên giới, trong đó có những vụ buôn cả tấn heroin, hàng trăm ngàn viên ma túy tổng hợp.
Xem thêm: mth.58850001280210202-yut-am-mahp-iot-iov-noc-gnos-teyuq/nv.ertiout