Trước đây, khi sử dụng dịch vụ Grabbike, các lái xe phải cắt lại cho Grab 20% doanh thu trên mỗi chuyến xe. Thế nhưng từ ngày 5/12, mức chiết khấu này đã tăng lên hơn 27% theo Nghị định 126 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ đầu tháng này. Theo đó, mức thuế giá trị gia tăng 10% đối với mọi cuốc xe công nghệ thay vì mức 3% như trước đây.
Ngày 7/12, hàng ngàn tài xế xe công nghệ đồng loạt tắt ứng dụng, phản đối việc tăng mức khấu trừ này.
Grab cũng đã tăng giá cước một số dịch vụ để bù thuế VAT. Tuy nhiên, các tài xế cho rằng, mức tăng giá cước chưa đủ bù cho khoản thu nhập thực của họ bị giảm khi Grab tăng mức khấu trừ từ 20% lên hơn 27%.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico, chi phí mà công ty Grab bỏ ra để vận hành sẽ không nhiều. Trong khi đó, chi phí của các tài xế lại rất lớn. Họ phải bỏ phương tiện, trả tiền xăng xe, bỏ công sức trên mỗi cuốc xe. Nếu vẫn đánh thuế 10% tổng cuốc xe mà không có các khoản khấu trừ thì thuế này không còn là VAT nữa mà nó giống thuế doanh thu.
Bởi trên thực tế, nếu không xác định được khấu trừ, sẽ dẫn tơi tình trạng đánh thuế VAT như đánh thuế doanh thu. Vì vậy, theo luật sư cần có những hướng dẫn cụ thể về Nghị định 126.
Đồng thời, cách tính như hiện nay của Grab chưa thực sự chuẩn xác, bởi hãng này sẽ không thể vừa tăng cước mỗi chuyến xe và tăng cả mức khấu trừ đối với các tài xế.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, vấn đề nằm ở sự chưa rõ ràng trong Nghị định mà Bộ Tài chính ban hành. Cụ thể, trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề, cần xác định những đặc thù để từ đó đưa ra cách khấu trừ chính xác nhất.
Để giải quyết bài toán khó cho những người lao động, có thể khấu trừ theo hình thức khoán. Xăng xe, công sức, khấu hao, vé, phí… có thể được tính và giảm cho tài xế ở một mức xác định.
Lý do là tài xế có rất nhiều khoản chi và thực sự rất khó cho ngành thuế để có thể khấu trừ chi tiết. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang gây ra những tác động với nền kinh tế Việt Nam, sẽ gây ra khó khắn với người lao động.
Luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ, đối tượng bị tổn thương nhất ở đây là những người phải bỏ công sức lao động để kiếm tiền.
Theo Nghị định 126 có hiệu lực từ 5/12, cách tính thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với dịch vụ gọi xe công nghệ như Grab, Gojek... hay còn gọi là đơn vị hợp tác cá nhân kinh doanh, sẽ thay đổi.
Thay vì tách riêng tài xế đóng 3% thuế VAT trên doanh thu thực nhận và doanh nghiệp đóng 10% thuế VAT trên phần chiết khấu như trước, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm kê khai và nộp 10% thuế VAT trên tổng doanh thu mà khách hàng thanh toán. Đây là phần thuế mà người dùng phải trả và doanh nghiệp chỉ là bên nộp hộ.
VTV.vn - Đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, cách tính cước hiện nay của Grab chưa thực sự chuẩn xác, cần phải xem xét và tính toán kỹ lưỡng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!