Tại ngày làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 23 chiều 8-12, các đại biểu HĐND TP.HCM khóa IX đã bầu bà Phan Thị Thắng, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP và ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng làm Phó Chủ tịch UBND TP.HCM.
Dự kiến phân công, bà Phan Thị Thắng sẽ phụ trách lĩnh vực tài chính, thương mại, dịch vụ và du lịch, còn ông Lê Hòa Bình phụ trách mảng đô thị.
Trên cương vị mới, bà Phan Thị Thắng và ông Lê Hòa Bình đều có chương trình hành động, trong đó nêu bật những việc làm cụ thể trong thời gian tới.
Trước khi được bầu, hai người đã có các cam kết với các đại biểu thông qua chương trình hành động họ sẽ thực hiện nếu được lựa chọn.
Bà Phan Thị Thắng: "Sẽ chú trọng thực hiện thật tốt các nguồn thu từ đất". Ảnh: HOÀNG GIANG
Bà Phan Thị Thắng: “Chú trọng nguồn thu từ đất”
Trong chương trình hành động, bà Phan Thị Thắng đặt ra hai nhiệm vụ lớn.
Thứ nhất là phát triển nhanh, vững chắc các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, là thế mạnh của thành phố trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, dịch vụ du lịch, phát triển thương mại.
Thứ hai là đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính công, ngân sách đáp ứng yêu cầu phát triển của TP.
Về nhiện vụ thứ nhất, bà Thắng đặt mục tiêu phát triển mạnh mẽ dịch vụ tài chính, ngân hàng, trong đó đưa ra các giải pháp tác động chuyển đổi nền kinh tế tiền mặt sang nền kinh tế không dùng tiền mặt, giảm chi phí xã hội của việc thanh toán và lưu thông tiền mặt.
Triển khai chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030; kêu gọi đầu tư vào hạ tầng du lịch; tăng độ dài lưu trú, chỉ tiêu bình quân và tỉ lệ quay lại của khách du lịch; tăng cường mối quan hệ liên kết vùng nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo cơ hội cho doanh nghiệp du lịch phục hồi nhanh sau dịch.
Tân Phó chủ tịch UBND TP cũng đề ra mục tiêu thúc đẩy phát triển nhanh các hình thức mua sắm hiện đại, thông minh, ứng dụng thương mại điện tử. Cùng với đó là tập trung phát triển nhanh các loại hình bán lẻ hiện đại.
Về nhiệm vụ thứ hai, để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính công, ngân sách đáp ứng yêu cầu phát triển của TP, bà Phan Thị Thắng đưa ra giải pháp là sẽ tập trung cải cách hành chính, đảm bảo công bằng về nghĩa vụ nộp thuế.
Tăng cường các biện pháp quản lý thu hiệu quả đối với các nguồn thu tiềm năng, thu từ hoạt động thương mại điện tử, hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong bối cảnh nền kinh tế số.
“Qua quá trình thu thuế, chúng ta sẽ đánh giá được 'sức khỏe' tài chính của doanh nghiệp, từ đó, có những báo cáo, nhận định, giúp đỡ hoặc đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay” - bà Thắng cam kết.
Trong năm 2021, các nguồn thu về kinh tế sẽ sụt giảm do đại dịch COVID-19, nên bà Thắng cam kết sẽ chú trọng thực hiện thật tốt các nguồn thu từ đất.
“Trong chương trình hành động của Thành ủy có nội dung rà soát và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất làm cơ sở quy hoạch hạ tầng dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và cảng, logistics. Thủ tướng đã cho phép TP chuyển 26.000 ha từ đất nông nghiệp sang mục đích sử dụng khác. Đây là nguồn lực tài chính rất lớn cho TP trong năm năm tới” – bà Thắng nói.
Bên cạnh đó, đối với nhà đất do Nhà nước quản lý còn dôi dư, sử dụng không hiệu quả, bà Thắng cho rằng việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách TP.
Ngoài ra, bà Thắng cũng cho biết sẽ tận dụng cơ chế trong Nghị quyết 54 của Quốc hội để thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước theo lộ trình. Từ đó, TP sẽ có nguồn thu để chi đầu tư phát triển.
Đối với chi ngân sách, bà Thắng cam kết sẽ cơ cấu lại chi đầu tư công, tập trung vào các dự án đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, đảm bảo tỉ trọng chi đầu tư trên 40% trong tổng chi ngân sách, nâng cao hiệu quả và vai trò dẫn dắt, vốn mồi thúc đẩy mạnh các hình thức đầu tư ngoài ngân sách nhà nước để tăng cường nguồn lực đầu tư toàn xã hội.
Một trong những lời cam kết khi nhận chức của ông Lê Hòa Bình là giải quyết dứt điểm các nhóm công trình vi phạm xây dựng. Ảnh: HOÀNG GIANG
Ông Lê Hòa Bình: “Giải quyết dứt điểm vi phạm xây dựng”
Trong chương trình hành động, ông Lê Hòa Bình đặt ra mục tiêu trọng tâm trong sáu lĩnh vực, gồm: Pháp lý trong đầu tư xây dựng; quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị; xây dựng; quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường; giao thông vận tải, cấp thoát nước; quản lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước.
Cụ thể, ông Bình cam kết sẽ đề xuất các giải pháp thực hiện cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa; rà soát các vướng mắc và chồng chéo của các quy định pháp luật về đầu tư, quy hoạch, đất đai, phát triển nhà ở, xây dựng, để kiến nghị xem xét thay đổi, bổ sung.
Lập quy hoạch đô thị và thực hiện quy hoạch đô thị phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội; Đổi mới công tác lập quy hoạch theo hướng gia tăng hàm lượng chính sách, cơ chế thực thi và quản lý quy hoạch.
Quy hoạch, xây dựng, chỉnh trang đô thị theo hướng phát triển giao thông công cộng. Lập và phê duyệt quy hoạch không gian ngầm đô thị khu trung tâm hiện hữu 930 ha, khu đô thị Thủ Thiêm và các khu đô thị mới.
Đẩy mạnh xây dựng mới 15 chung cư cũ cấp D, tiếp tục thực hiện di dời nhà ở trên và ven kênh rạch, tổ chức lại cuộc sống của dân cư. Thu hút đầu tư xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, khu đô thị Thủ Thiêm, khu đô thị lấn biển Cần Giờ... Phát triển trường học, bệnh viện và trùng tu, nâng cấp các thiết chế văn hóa, di tích TP.
Tập trung các giải pháp tiếp tục triển khai chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đẩy nhanh việc chuyển đổi công nghệ xử lý rác của các nhà máy, đến năm 2025 rác chôn lấp giảm còn không quá 20%.
Khắc phục tình trạng chậm trễ trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuẩn bị mặt bằng, gây ảnh hưởng đến tiến độ, chi phí xây dựng các dự án hạ tầng đô thị; đánh giá hiện trạng, thiết lập hệ thống quan trắc lún địa hình TP, tích hợp dữ liệu dự báo ngập và chống ngập.
Tập trung thúc đẩy đầu tư các công trình giao thông, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, phát triển đường sắt đô thị (tuyến số 2), phát triển cảng Hiệp Phước, và các đường vành đai 3 và 4, hoàn thành tuyến metro số 1.
Tập trung giải quyết những vấn đề kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân. Cụ thể là rà soát các quy hoạch phân khu 1/2000 đã được duyệt nhưng không còn phù hợp và các dự án chậm triển khai, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đối với căn hộ chung cư, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với nhà ở riêng lẻ sau khi xây dựng mới.
Tập trung quản lý, xử lý vi phạm trật tự xây dựng theo hướng phân cấp mạnh cho UBND quận, huyện. Giải quyết dứt điểm các nhóm công trình vi phạm xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quản lý đô thị.