Nhà của Samark Jose Lopez Bello ở Miami đã bị tịch thu - Ảnh: therealdeal.com
73% giao dịch mua nhà của khách hàng quốc tế được thực hiện bằng tiền mặt.
Hiệp hội Các nhà môi giới bất động sản quốc gia Mỹ
Urdaneta được tại ngoại sau khi nộp tiền bảo lãnh 1,5 triệu USD. Hai năm trước, Urdaneta đã bị tòa án Mỹ truy tố về tội rửa tiền bằng cách mua bất động sản và giả danh đầu tư ở Miami.
Mua nhà để hợp pháp hóa tiền bẩn
Trong đường dây giả danh đầu tư để rửa tiền ở Miami, ngoài Urdaneta còn có bảy người mang nhiều quốc tịch gồm các quan chức, chủ ngân hàng, chủ công ty bất động sản và công ty môi giới. Trong số đó có Abraham Edgardo Ortega, cựu giám đốc điều hành Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA).
Tháng 8-2018, Ortega đã nhận tội rửa tiền trước tòa án Mỹ. Trong thỏa thuận nhận tội, Ortega khai đã nhận 12 triệu USD tiền hối lộ trong thời gian đương chức tại PDVSA, sau đó cùng các đồng phạm câu kết với các công ty vô danh ở Mỹ để chuyển tiền bất chính vào Mỹ thông qua giao dịch mua bán bất động sản.
Qua nghe lén điện đàm, cơ quan điều tra Mỹ biết Ortega đã bàn tính với luật sư Urdaneta cùng nhiều đồng phạm lập kịch bản đầu tư giả ở Mỹ, sau đó rút tiền khỏi quỹ đầu tư rồi dùng tiền đó mua một căn hộ sang trọng ở Miami để hợp thức hóa tiền bẩn.
Để tránh bị lộ khi làm tờ khai mua bán nhà và có thể sẽ bị Bộ Tài chính Mỹ điều tra, luật sư Urdaneta đã thành lập công ty vỏ bọc Paladium Real Estate Group LLC ở bang Florida vào tháng 5-2016.
Công ty do vợ Urdaneta đứng tên là người thụ hưởng và vợ "chuyên gia rửa tiền" José Vicente Amparan Croquer (người Venezuela) là người quản lý. Đến tháng 9-2017, vợ Urdaneta rút tên. Cơ quan điều tra Mỹ kết luận Ortega, luật sư Urdaneta cùng các đồng phạm đã câu kết dùng tiền bẩn mua tổng cộng 12 bất động sản ở Florida và Panama.
Năm 2020, nguồn cung cấp nhà để bán ở Mỹ giảm vì người tiêu dùng có xu hướng mua nhà mới xây. Doanh số bán nhà mới xây trong tháng 6-2020 tăng nhanh hơn bất kỳ tháng nào kể từ năm 2005.
Cùng lúc đó, Cục Thống kê dân số Mỹ ghi nhận gần 50% số người thuê nhà phải chi hơn 30% thu nhập hằng tháng để trả tiền thuê nhà. Do đó, Viện Aspen ước tính đến cuối năm 2020 sẽ có từ 15-20 triệu người thuê nhà có nguy cơ bị đuổi ra khỏi nhà.
Trong khi các gia đình đi thuê nhà phải chịu áp lực tiền thuê trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhiều nhà cửa lại không có ai ở. Hơn 50% nhà cửa ở cuối bãi biển Miami bỏ trống. Trên bờ biển phía tây, tình trạng tương tự xảy ra ở San Francisco và Los Angeles.
Phân nửa số nhà ở Oceanside (San Diego) cũng không có người ở. Tại New York, gần 40% trong 8 dãy nhà từ Central Park đến Lenox Hill chịu cảnh trống vắng. Đây là hệ quả do vấn nạn dùng tiền bẩn mua bất động sản ở Mỹ.
Tổ chức chống tham nhũng Global Witness (Anh) đánh giá từ lâu mua bất động sản ở Mỹ đã trở thành một trong những cách thức rửa tiền ưu tiên. Tiền bẩn được dùng để mua nhà ở Mỹ. Khi bán lại căn nhà đó, tiền bán nhà đã trở thành đồng tiền hợp pháp.
Doanh nhân Samark Jose Lopez Bello (người Venezuela) bị Mỹ điều tra vì dùng tiền liên quan đến ma túy mua nhà cửa ở Miami.
Để che giấu nguồn gốc tiền mua nhà, bọn xấu thường mở công ty vô danh làm vỏ bọc. Chưa rõ có bao nhiêu công ty vô danh làm bình phong đứng tên mua bất động sản ở Mỹ.
Báo New York Times căn cứ số liệu từ dịch vụ dữ liệu bất động sản First American Data Tree ước tính trong năm 2015, gần 50% giao dịch mua nhà ở với giá từ 5 triệu USD trở lên đều do các công ty bình phong thực hiện.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Mỹ là điểm đến ưa thích của các nhà chính trị tham nhũng trên thế giới để thành lập công ty làm vỏ bọc chuyển dịch hoặc che giấu tiền bẩn.
Ngân hàng Thế giới đánh giá tình trạng này đặc biệt đáng lo ngại vì số lượng pháp nhân khổng lồ được thành lập ở Mỹ mỗi năm nhiều hơn gấp 10 lần so với toàn bộ 41 thiên đường trốn thuế gộp lại.
Tại quận Manhattan, gần 40% trong 8 dãy nhà từ Central Park đến Lenox Hill không có người ở - Ảnh: AP
Điều tra bất động sản ở Mỹ
Hầu hết các nước - trong đó có Mỹ, quyền sở hữu bất động sản là ẩn danh. Công ty vỏ bọc đứng ra mua nhà không bắt buộc phải khai chủ sở hữu nhà là ai, chính vì vậy rất khó xác định nguy cơ rửa tiền tiềm ẩn.
Thêm vào đó, thành lập công ty vô danh ở Mỹ rất dễ. Khác với Anh và các nước Liên minh châu Âu, không có bang nào ở Mỹ bắt buộc chủ công ty vô danh phải khai rõ họ tên khi mở công ty.
Trong công trình nghiên cứu với đầu đề "Trò chơi vỏ bọc toàn cầu", ba chuyên gia Mike Findley (Mỹ), Daniel Nielson (Mỹ) và Jason Sharman (Úc) ghi nhận qua khảo sát 60 quốc gia về việc thành lập công ty vô danh, tất cả các nước đều khắt khe hơn Mỹ, trừ Kenya.
Nghiên cứu chứng minh tại Mỹ rất dễ kiếm "cò" cung cấp dịch vụ thành lập công ty vô danh. "Cò" không quan tâm bạn là ai, bạn có thể làm gì và luật hiện hành của Mỹ cũng không yêu cầu. Chỉ cần cung cấp ít thông tin, bạn có thể dễ dàng lập công ty vô danh ở Mỹ bất kể vì mục đích gì.
Trong bối cảnh đó, để ngăn chặn nạn rửa tiền bẩn qua hình thức mua nhà, từ tháng 1-2016 Mạng lưới Thực thi tội phạm tài chính (FinCEN) của Bộ Tài chính Mỹ đã bắt đầu điều tra xem người nước ngoài mua bất động sản ở Mỹ có sử dụng công ty vỏ bọc để rửa tiền hay không.
Ban đầu FinCEN nhắm đến người mua vô danh sử dụng công ty vỏ bọc để mua bất động sản cao cấp trong phạm vi quận Manhattan (New York) và hạt Miami-Dade (bang Florida).
Kết quả cho thấy trong hơn 25% số giao dịch được xem xét, chủ sở hữu hưởng lợi (người sở hữu cuối cùng đối với tài sản) đều thuộc đối tượng của "các báo cáo hoạt động đáng ngờ" (dấu hiệu có thể có hoạt động tội phạm).
Từ đó, FinCEN đã mở rộng phạm vi điều tra nhiều lần. Đầu tiên là xem xét các giao dịch bất động sản hoàn toàn bằng tiền mặt ở Los Angeles, San Francisco và một số khu vực. Kế đến mở rộng phạm vi điều tra liên quan đến các giao dịch bất động sản bằng cách chuyển tiền điện tử.
Các công ty đứng ra mua nhà bắt buộc phải báo cáo người mua thực tế là ai nếu giao dịch bằng tiền mặt. Ban đầu, họ phải báo cáo đối với bất động sản cao cấp (500.000 USD trở lên). Sau đó, mua bất động sản với giá thấp hơn cũng phải báo cáo.
FinCEN cũng bổ sung thêm nhiều thành phố mới vào phạm vi điều tra. Tháng 11-2018, FinCEN đã yêu cầu các công ty mua nhà ở Boston, Chicago, Dallas-Fort Worth, Honolulu, Las Vegas, Los Angeles, Miami, New York, San Antonio, San Diego, San Francisco và Seattle báo cáo ai là người đứng sau các công ty vỏ bọc giao dịch bằng tiền mặt từ 300.000 USD trở lên.
FinCEN còn đề nghị cung cấp dữ liệu về mua nhà của các cá nhân có thể liên quan đến các doanh nghiệp có nghi vấn.
Thủ đoạn của quan tham
Tổ chức Global Witness ghi nhận mô hình chung của các quan tham trên thế giới hầu như luôn bao gồm ba phần:
- Một là tham ô công quỹ và sử dụng công ty vô danh làm bình phong xóa dấu vết dòng tiền.
- Hai là đưa tiền bẩn vào hệ thống tài chính quốc tế thông qua kênh ngân hàng hoặc nhà quản lý vốn. Quan tham "thông minh" sẽ chọn vài ba địa điểm chuyển tiền đề phòng bị lộ.
- Ba là đưa gia đình ra nước ngoài tận hưởng "chiến lợi phẩm" từ tiền bẩn tham ô, đồng thời bảo vệ bản thân và tài sản khỏi bị trả thù.
Bọn rửa tiền đã nghĩ ra rất nhiều chiêu qua mặt ngân hàng để biến ngân hàng thành công cụ rửa tiền cho chúng.
Kỳ tới: Muôn mặt rửa tiền
TTO - Một buổi tối cuối tháng 5-2020, sau bốn năm đậu ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), chiếc máy bay phản lực hạng sang 17 chỗ mang số hiệu M-MYNA của Hãng Bombardier 6000 đáp xuống sân bay quốc tế Montréal-Trudeau ở Canada.