Đại biểu Đỗ Thùy Dương cho rằng đối tượng hỗ trợ của đề án còn rộng, do đó khả năng tập trung để chuyển đổi doanh nghiệp phát triển đột phá là chưa cao - Ảnh: X.THÀNH
Sáng 9-12, với 100% đại biểu dự họp tán thành, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua đề án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2021 - 2025, trong đó ngân sách sẽ chi ra hơn 832 tỉ đồng để thực hiện các chính sách, hỗ trợ để thành lập mới 150.000 doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội, cho biết dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2025 thành phố sẽ chi từ ngân sách hơn 832 tỉ đồng, thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đề án nhằm tạo thêm 1,5 triệu việc làm mới cho người lao động trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm trên 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của thủ đô và đóng góp trên 40% GRDP và trên 30% ngân sách của thành phố.
Đồng thời hỗ trợ ít nhất 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thuộc các ngành: công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ điện tử...
Về quy định một số chính sách, nội dung, mức chi hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, đối tượng áp dụng bao gồm doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trên địa bàn thành phố; các doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn thành phố...
Các chính sách hỗ trợ cụ thể bao gồm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp; Hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ; Hỗ trợ chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Thảo luận về đề án, đại biểu Đỗ Thùy Dương cho rằng đối tượng hỗ trợ của đề án còn rộng, do đó khả năng tập trung để chuyển đổi doanh nghiệp phát triển đột phá là chưa cao.
"Đề nghị hỗ trợ theo mô hình phễu, càng vào sâu, các doanh nghiệp có tiêu chí phù hợp với chủ trương, chiến lược phát triển ngành mũi nhọn của thành phố sẽ được tập trung ưu tiên để giúp doanh nghiệp lên hẳn tầng lớp mới, khi đó sẽ đạt được mục tiêu trong thời gian ngắn.
Các doanh nghiệp do nữ làm chủ hoặc sử dụng nhiều lao động nữ, các doanh nghiệp đang đóng góp nhiều cải tiến sáng tạo cần được ưu tiên để thúc đẩy nhiều hơn.
Bên cạnh đó, câu chuyện đào tạo và tư vấn được TP ưu tiên, do đó có thể kết hợp với những tổ chức tư vấn lớn tham gia để chất lượng doanh nghiệp được tăng lên" - bà Dương kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương mong muốn đề án làm rõ hơn cơ chế phối hợp để chính sách hay, toàn diện để nhiều doanh nghiệp được tiếp cận.
"Thành phố mạnh dạn bỏ ra hơn 800 tỉ trong 5 năm để thực hiện đề án này, với kỳ vọng, mục tiêu thành lập 150.000 doanh nghiệp mới và chúng tôi quan tâm đến chính sách đi vào thực thi thực tiễn, có hiệu quả. Sở Kế hoạch và đầu tư và UBND TP cần có đầu mối tuyên truyền rộng rãi đến tất cả các hiệp hội doanh nghiệp" - bà Hương kiến nghị.
TTO - Dự và phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết tại kỳ họp này, HĐND thành phố sẽ kiện toàn các chức danh, bầu chủ tịch HĐND TP và 5 phó chủ tịch UBND thành phố.