Một doanh nghiệp bị xử phạt 120 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 4,5 tháng và bị tịch thu sản phẩm vì buôn bán mỹ phẩm giả mạo.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), ngày 8.12.2020, trên cơ sở hồ sơ trình của Cục Quản lý thị trường Hải Dương, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Hồng Đạt (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) với số tiền 120 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 4,5 tháng và tịch thu hơn 1.000 sản phẩm mỹ phẩm giả mạo.
Lực lượng quản lý thị trường đồng thời tịch thu nhiều nhãn hàng hóa và công cụ, phương tiện được sử dụng để sản xuất hàng giả gồm 72 chai dầu gội đầu BED HEAD TIGI loại 5000 ml; 1.176 chai HYDROGEN PEROXIDE (Oxy trợ nhuộm) 12% loại 1000 ml HISSON PROFESSIONAL; 100 vỏ chai chưa dán nhãn loại 1000ml và 0,5kg nhãn HISSON (nhãn giả).
Trước đó ngày 9.10.2020, Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với Công an huyện Cẩm Giàng đã tổ chức kiểm tra đột xuất tại Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Hồng Đạt (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương).
Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện Công ty đang sản xuất sản phẩm dầu gội đầu BED HEAD TIGI loại 5000ml nhãn và sản phẩm dầu dưỡng tóc (oxy trợ nhuộm) HISSON loại 1000ml nhãn có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa (giả mạo về nơi sản xuất ra hàng hóa). Trên nhãn hàng hóa các sản phẩm này được ghi hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài và ghi các nội dung như “Made in Italy”, “Made in the USA”...
Đội Quản lý thị trường số 4 đã ra Quyết định tạm giữ toàn bộ hàng hóa thành phẩm và một số công cụ, phương tiện, nguyên liệu có liên quan để xác minh làm rõ.
Trong thời gian tiếp sau đó, Đội Quản lý thị trường số 4 đã dịch thuật các nội dung trên nhãn hàng hóa cũng như xác minh, làm việc, xin ý kiến chuyên môn một số cơ quan, đơn vị có liên quan; làm việc với đại diện công ty, đấu tranh làm rõ các sai phạm. Trên cơ sở đó, hoàn thiện hồ sơ vụ việc, báo cáo Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương trình UBND tỉnh xử phạt theo quy định.
Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Hồng Đạt là doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm và đã được cơ quan chức năng cấp phép, tại công ty có sản xuất một số sản phẩm được công bố tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Theo khai nhận của đại diện công ty, doanh nghiệp đã đặt mua tem, nhãn của các hãng mỹ phẩm nổi tiếng, xuất xứ nước ngoài để dán vào các sản phẩm do công ty sản xuất để hợp theo thị hiếu người tiêu dùng, dễ tiêu thụ nhằm bán kiếm lời.
Vụ việc nêu trên cho thấy, các mặt hàng “nhập ngoại”, “hàng xách tay”… nhiều khi chỉ là hàng gia công tại các cơ sở nhỏ lẻ rồi dán mác để “hô biến” thành hàng ngoại. Người tiêu dùng cần cảnh giác.
Xem thêm: odl.669068-gnod-ueirt-021-tahp-ib-iol-meik-nab-ed-nix-nahn-nad-mod-mahp-ym-ehc/et-hnik/nv.gnodoal