Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cáo buộc các quốc gia phương Tây đang gia tăng sức ép hòng buộc Ấn Độ phải chọn lựa những mối quan hệ ít tốt đẹp hơn với Nga và Trung Quốc, hãng thông tấn TASS đưa tin.
Tại buổi họp trực tuyến của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC - một tổ chức chính sách có trụ sở ở Moscow, Nga) hôm 8-12, ông Lavrov cho rằng Mỹ và các đồng minh châu Âu đang cố gắng "phục hồi trật tự thế giới đơn cực".
Theo quan điểm của ông Lavrov, phương Tây muốn thay đổi thực tế rằng Nga, Trung Quốc và Ấn Độ là các trung tâm của thế giới đa cực hiện tại. Trong đó, Moscow và Bắc Kinh đều là các cực "khó có thể khuất phục được".
Ông Lavrov cho rằng Ấn Độ đang đối mặt với một "chính sách gây hấn và công phu của phương Tây - các nước đang cố gắng lôi kéo đất nước này (tức Ấn Độ - PV) vào cuộc đấu chống Trung Quốc, thúc đẩy các chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và làm suy yếu đáng kể quan hệ đối tác chặt chẽ, quan hệ chiến lược và ưu đãi của Nga với Ấn Độ".
"New Delhi đang đối mặt với áp lực thô bạo do Mỹ áp đặt về các vấn đề hợp tác quân sự và kỹ thuật với Nga" - ông Lavrov tiếp tục.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: TASS
Ngoại trưởng Nga còn cho rằng các nước phương Tây đang phớt lờ xu hướng phát triển khách quan của thế giới khi tìm cách loại trừ Nga và Trung Quốc ra khỏi thế giới "đơn cực" mà phương Tây đang tham vọng khôi phục lại.
Cụ thể hơn, ông Lavrov cho rằng Liên minh châu Âu (EU) đã từ bỏ nỗ lực đóng vai trò là một trong những trung tâm của thế giới đa cực, thay vào đó, Brussels bị cho là hoàn toàn lấy Mỹ làm trung tâm trong mọi chương trình nghị sự.
Ông Lavrov nhấn mạnh rằng Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - đang thể hiện rõ ràng nhất xu hướng lấy Mỹ làm trung tâm. Chính sách của Pháp được đánh giá là "có phần khác biệt" nhưng vẫn theo xu hướng chung của EU.
Ông Lavrov chỉ trích rằng khái niệm "một trật tự thế giới dựa trên luật lệ" mà phương Tây đưa ra chỉ là "sự biện minh" cho chính sách "đơn cực" của các nước này.
Quan hệ giữa Moscow và phương Tây đã xấu đi nhiều kể từ năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea sau khủng hoảng chính trị ở Ukraine. Moscow vẫn đang bị cáo buộc hỗ trợ các nhóm quân nhân đòi ly khai ở đông Ukraine và chịu nhiều lệnh trừng phạt vì vấn đề này.