Drone rải hạt ở Oregon. Ảnh: uavcoach.com
Mỹ trải qua mùa cháy rừng nghiêm trọng nhất lịch sử khi hơn 3,2 triệu hecta rừng bị thiêu rụi trong năm nay. Tái tạo diện tích rừng đã mất thường mất hàng năm trời và cần hàng trăm người phải tự tay trồng lại cây giống.
Công ty DroneSeed ở Seattle đã có giải pháp trồng lại rừng hiệu quả hơn, nhanh hơn nhiều. Công ty dùng máy bay không người lái (drone) để trồng lại rừng ở những khu vực bị cháy.
Mỗi lần, 5 chiếc drone bay cùng nhau theo một tuyến đường đã được lập trình sẵn, có thể gieo hạt trên 20 hecta/ngày và mỗi drone có thể mang theo hơn 25kg hạt.
Tổng giám đốc điều hành DroneSeed, ông Grant Canary, nói với CNN: 'Chúng tôi làm nhanh hơn người trồng cây gấp 6 lần vì một người làm bằng tay và dụng cụ thô sơ chỉ gieo được trên 0,8 hecta/ngày'.
DroneSeed được Cơ quan Hàng không Liên bang cho phép sử dụng drone để trồng lại rừng đã cháy từ đầu năm nay. Công ty này đang khôi phục rừng bị cháy trong đám cháy Complex hồi tháng 8 ở California và đám cháy Holiday Farm ở Oregon. Công ty cũng đang kiểm tra các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề ở Bờ Tây để có thể sử dụng công nghệ khôi phục rừng.
Trồng lại rừng từ trên không không phải là cách tiếp cận mới. Các chuyên gia cho biết phương pháp này rẻ hơn, dễ hơn là trồng bằng tay nhưng có thể không hiệu quả bằng.
Ông Ralph Schmidt, Giáo sư tại Viện Trái Đất thuộc Đại học Columbia, nói: 'Chỉ ném hạt cây từ máy bay thì có thể thành công và rẻ hơn nhiều so với trồng thủ công. Nhưng nuôi cây giống ở vườn ươm và tự tay trồng chúng sẽ có tỉ lệ thành công cao hơn nhiều là gieo hạt từ trên không, nhưng lại đắt hơn nhiều'.
Điều quan trọng là chọn đúng loại hạt và thả hạt đúng chỗ. Các gói hạt được thiết kế đặc biệt của DroneSeed gồm cả phân bón, chất dinh dưỡng và chất ngăn côn trùng để giúp hạt bám rễ hiệu quả hơn mà không cần phải đào đất chôn hạt.
Vỏ bọc hạt giống là sợi khô nên nó hút ẩm và nở ra. Vì thế vỏ này giúp hạt không bị khô vì thiếu nước và chết. Ngoài ra, vỏ bọc hạt giống còn có thành phần siêu cay để ngăn sóc ăn hạt.
Drone không phải là công nghệ duy nhất mà DroneSeed dùng để trồng lại rừng hiệu quả hơn. Công ty còn triển khai Lidar, công nghệ cảm biến trên ô tô tự lái, để thiết lập mô hình 3D về địa hình. Lidar có các cảm biến để đo bước sóng ánh sáng khác nhau nhằm phân biệt khu vực đá sỏi và khu vực có đất màu mỡ, phù hợp để cây phát triển.
DroneSeed cho biết có thể trồng tới 140 cây/0,4 hecta dựa trên kết quả thử nghiệm ở New Zealand và bang Washington. Ông Canary tuyên bố: 'Giờ đây, với mùa cháy rừng này, chúng tôi có nhu cầu chưa từng có tiền lệ'.
Trong khi biến đổi khí hậu khiến cháy rừng ngày càng nghiêm trọng hơn mỗi năm, ông Canary hy vọng công nghệ của DroneSeed sẽ giúp khôi phục rừng hiệu quả hơn nhưng không phải là giải pháp duy nhất. Ông nói: 'Tôi không nói rằng chúng ta nên bỏ hết các vườm ươm. Chúng ta cần duy trì chúng vì chúng ta cần mọi loại cây có thể. Nhưng chúng ta cũng phải làm nhanh hơn'.
Xem thêm: mth.32581715190210202-yahc-ib-gnur-ial-gnort-gnoig-tah-iar-ial-iougn-gnohk-yab-yam/nv.ertiout