Chiều 9-12, tại phiên họp thứ 51, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: quochoi.vn
Theo tờ trình của Chính phủ, khu vực quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ như: Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1A, đường Phạm Văn Đồng - quốc lộ 1K, quốc lộ 52...
TP.HCM đã lựa chọn xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao trên địa bàn Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức với tám trung tâm gồm: Trung tâm tài chính gắn với khu đô thị mới Thủ Thiêm; trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao; trung tâm đại học và khoa học công nghệ trình độ cao; trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; trung tâm công nghệ sinh thái; trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ và cảng Cát Lái; khu đô thị Trường Thọ.
Sự phát triển mạnh mẽ về tài chính ngân hàng, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và tốc độ đô thị hóa đã dẫn tới dân cư tập trung với mật độ cao. Do đó yêu cầu cần tập trung quản lý Nhà nước thống nhất trên địa bàn quận, tạo điều kiện để kinh tế xã hội tiếp tục phát triển, xây dựng nơi đây trở thành một đô thị sáng tạo, tương tác cao, là động lực phát triển của TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Điều này đòi hỏi phải tổ chức lại đơn vị hành chính thông qua việc sáp nhập ba quận thành một đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền đô thị đủ mạnh, phù hợp.
“Việc sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập TP Thủ Đức là cần thiết, tạo tiền đề pháp lý tổ chức mô hình chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn”- Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết.
Việc này cũng phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về tinh gọn bộ máy hành chính Nhà nước, giảm biên chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của chính quyền các cấp. Từ đó, TP.HCM có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước và có điều kiện hỗ trợ phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xứng tầm là một TP lớn trong khu vực và quốc tế.
Về tiêu chuẩn thành lập TP Thủ Đức, Chính phủ cho biết dân số TP Thủ Đức hơn 1 triệu người, đáp ứng quy định quy mô dân số của TP thuộc thành phố trực thuộc Trung ương từ 150.000 người trở lên. TP Thủ Đức có diện tích hơn 211 km2, đạt yêu cầu theo quy định từ 150 km2 trở lên.
TP Thủ Đức có số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc là 34 đạt yêu cầu từ 10 đơn vị trở lên. Tỉ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã từ 65% trở lên.
Sau khi thành lập, TP Thủ Đức có 34 phường trên tổng số 34 đơn vị hành chính cấp xã, đạt tỉ lệ 100% và đã được công nhận là đô thị loại I. Về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, TP Thủ Đức đảm bảo đạt theo đúng quy định.
Trình bày ý kiến của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng việc thành lập TP Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập ba đơn vị hành chính cấp huyện như đề nghị của Chính phủ là “thực sự cần thiết, bảo đảm cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn”.
Sau đó, 100% các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM.
Cũng trong chiều nay, theo chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và quyết định việc thành lập: TP Phú Quốc và các phường thuộc TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; thị trấn Tân Bình thuộc huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương; các phường thuộc TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; thị trấn Vĩnh Thạch Trung thuộc huyện Châu Phú, thị trấn Cô Tô thuộc huyện Tri Tôn và thị trấn Vĩnh Bình thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.
Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và TP Thủ Đức, TP.HCM có 22 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: Một thành phố, 16 quận và năm huyện, giảm ba quận, tăng một TP. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã sau khi sắp xếp là 312 đơn vị, gồm: 58 xã, 249 phường và năm thị trấn, giảm 10 phường. |