Gã tâm thần hóa kẻ giết người
Chiều ngày 9/12, TAND TP.Hà Nội đưa bị cáo Trần Văn Thưởng (SN 2001, ở xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng, Hà Nội) là người mắc bệnh loạn thần động kinh ra xét xử về tội Giết người.
Theo cáo trạng, Thưởng hàng ngày hay đi xe đạp lang thang trong xã Thọ Xuân và trêu ghẹo, gây sự với mọi người.
Ngày 21/9/2019, Thưởng vào quán cắt tóc của anh Trần Văn Linh (SN 1997, người cùng xã) chơi, nhưng anh Linh sợ làm phiền đến khách hàng nên không đồng ý và đuổi Thưởng đi.
Thưởng ra đường nhặt gạch, đá ném lên mái và ném vào bên trong quán cắt tóc của anh Linh. Anh Linh và một số khách trong quan, trong đó có anh Hoàng Đức Trọng (SN 2003, xã Thọ Xuân) chạy ra dọa, đuổi Thưởng về. Từ đó, Thưởng nảy sinh ý định thù tức anh Trọng.
Khoảng 2 ngày sau, vào lúc chiều muộn, Thưởng đi xe đạp qua khu vực hồ gần UBND xã Thọ Xuân thì nhìn thấy anh Trọng đang ngồi uống nước cùng anh Trần Đức Hồng (SN 2004, ở cụm 8, xã Thọ Xuân) và một số người bạn khác.
Nhớ đến mối thù tức hôm trước, Thưởng không nói không rằng tiến về phía anh Trọng rồi dùng chân đạp vào người nạn nhân. Thấy vậy, anh Trần Đức Hồng lao ra túm cổ, đuổi đánh Thưởng.
Do tức giận vì bị anh Trọng và anh Hồng đánh nhưng không biết nhà anh Trọng nên Thường đi xe đạp sang nhà anh Hồng gây rối bằng việc đạp vào cổng, cầm gạch vỡ ném lên mái nhà và vào bên trong nhà anh Hồng.
Thấy vậy, ông Trần Đức B. (bố anh Hồng) và em trai anh Hồng chạy ra đuổi đánh Thưởng về. Tức tối, Thưởng chạy về quán cắt tóc của bố đẻ là ông Trần Văn Thông lấy gậy và dao, nhưng bị ông Thông phát hiện và giằng lại được. Bỏ về nhà mình, đi ngang qua nhà một người hàng xóm thấy mở cửa, Thưởng tự tiện đi vào trong bếp lấy con dao bầu nhọn rồi đạp xe quay lại nhà anh Hồng.
Một cuộc hỗn chiến xảy ra giữa bố con ông Trần Đức B. (bố anh Hồng) với gã tâm thần hung hăng.
Không may cho ông B., trong lúc cầm cành cây đuổi theo vụt Thưởng bị trượt chân ngã sấp xuống đường nên bị Thưởng lao đến, cầm dao đâm trúng lưng.
Gây án xong, Thưởng vứt bỏ dao tại hiện trường rồi bỏ chạy về nhà. Hung thủ bị bắt giữ ngay sau đó.
Mặc dù được người thân đưa đi cấp cứu, nhưng do thương tích quá nặng nên ông B. tử vong trước khi vào viện.
Gia đình bị hại đề nghị xử lý nghiêm bị cáo
Bị cáo Trần Văn Thưởng ngồi đờ đẫn trước bục khai báo dưới sự giám sát của hai cán bộ Cảnh sát Tư pháp. Thưởng như người mất hồn, hai mắt lờ đờ và không thể tập trung vào các câu hỏi của HĐXX: “Bị cáo đã nhận được cáo trạng hay chưa?”, “Bị cáo có đồng ý để luật sư và trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho bị cáo trong phiên tòa này hay không?”… Đáp lại, bị cáo chỉ đứng im như một khúc gỗ, không nói năng gì khiến vị chủ tọa phải hỏi người giám hộ là bố mẹ của bị cáo.
HĐXX tiến hành thẩm vấn để làm rõ nội dung bản cáo trạng truy tố bị cáo: “Bị cáo có cầm dao đâm ai không?”, mất một lúc lâu, Thưởng mới khẽ gật đầu và nói “bị cáo có đâm 1 người”. “Lý do đâm nạn nhân là vì sao?”, vị Chủ tọa hỏi. Thưởng đáp lại một cách gọn lỏn: “Tức”.
Cuối phần thẩm vấn, HĐXX nhắc đi nhắc lại về việc bị cáo có hối hận về việc làm của mình không, nếu biết sai thì HĐXX cho bị cáo quay xuống xin lỗi gia đình bị hại. Lúc này, Thưởng mới lờ đờ quay xuống, chắp hai tay vào nhau nói trống không “xin lỗi gia đình nhé”.
Đau đớn khi người thân mất mạng oan uổng dưới tay kẻ tâm thần, vợ ông B. chỉ biết khóc nấc. Đại diện hợp pháp của bị hại đề nghị HĐXX xử lý nghiêm kẻ phạm tội, trả lại công bằng cho người quá cố.
Được Chủ tọa yêu cầu đứng lên trình bày, bà Phạm Thị Xuyến (mẹ bị cáo Thưởng) đau khổ cho hay: Thưởng bị bệnh từ bé, gia đình nhiều lần đưa đi chữa trị nhưng không thuyên giảm mà mỗi ngày một nặng.
Hôm con gây án, bà đang đi làm thì nhận được điện thoại của người nhà thông báo. Bà Xuyến chạy về ra sức giằng lại con dao trên tay Thưởng nhưng không được, bà chỉ còn cách la hét, van xin gia đình ông B. đi vào trong nhà để bà dỗ con trai mình đi về.
“Nhưng không hiểu sao, bố con ông B. lại quay lại đuổi đánh Thưởng nên mới xảy ra hậu quả đau lòng”, bà Xuyến nói.
Sau cái chết của ông B., gia đình bà Xuyến vay mượn bồi thường được cho gia đình nạn nhân hơn 20 triệu đồng. Hiện gia đình bà rất khó khăn, ông bà chỉ biết cầu xin gia đình bị hại tha thứ cho bị cáo.
Xét thấy hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm tới tính mạng người khác, gây đau thương, tang tóc cho gia đình nạn nhân nên cần thiết phải áp dụng mức án nghiêm khắc mới đủ sức răn đe.
Song xét thấy, trước, trong và sau khi phạm tội, bị cáo mắc bệnh thâm thần, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Vì các lẽ trên, TAND TP.Hà Nội áp dụng mức án 15 năm tù đối với bị cáo Trần Văn Thưởng về tội Giết người.