- Bổ sung Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) vào chương trình năm 2020
- Bộ Công an đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)
Báo cáo về những nội dung lớn cần xin ý kiến UBTVQH về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, có ý kiến cho rằng quy định về trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc CAND được tiến hành một số hoạt động liên quan đến điều tra, phát hiện tội phạm về ma túy là chưa phù hợp do vừa trùng lặp về nội dung và chưa đầy đủ so với quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy thuộc Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan tương tự như quy định đối với cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy thuộc CAND.
Thứ trưởng Lê Quý Vương phát biểu giải trình tại phiên họp. |
Ủy ban Về các vấn đề xã hội thấy rằng, phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài, đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội và tham gia của toàn dân. Hơn nữa, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy là công việc hết sức nguy hiểm và rủi ro nhưng cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể phát sinh tiêu cực.
Việc phối hợp giữa các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy sẽ làm tăng thêm sức mạnh và tính minh bạch trong công tác này. Vì vậy, nguyên tắc chủ trì và phối hợp cần được bảo đảm trong thực hiện các hoạt động ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng cho rằng, vào thời điểm ban hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, chỉ có ngành Công an có cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy nên có quy định cơ quan chuyên trách.
Từ năm 2004, Chính phủ đã tăng cường công tác phòng, chống ma túy thành lập thêm lực lượng chuyên trách để ngăn chặn, kiểm soát ma túy ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Lần sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy năm 2008 đã thể hiện cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy gồm Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc CAND, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan.
Quy định về trách nhiệm, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an và các cơ quan hữu quan thực hiện và áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, trong đó có hành vi vi phạm pháp luật về ma túy tại khu vực, địa bàn quản lý kiểm soát đã được quy định trong các luật chuyên ngành như Luật Cảnh sát biển, Luật Biên phòng.
Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban dự kiến chỉnh lý theo hướng nêu rõ các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy cho đầy đủ, giữ nguyên tắc chủ trì, phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy như luật hiện hành và không quy định cụ thể các hoạt động nghiệp vụ để phát hiện tội phạm về ma túy.
Liên quan đến nội dung này, Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an phân tích: Quy định về các lực lượng chuyên trách phòng chống ma tuý gồm Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan là thiết kế theo đúng Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, không có gì là chồng chéo, "dẫm chân" nhau giữa các lực lượng.
Theo các luật hiện hành, Cục CSĐT tội phạm về ma tuý thuộc Bộ Công an có thẩm quyền điều tra mọi vụ án ma tuý trong phạm vi cả nước, qua tất cả các khâu của quy trình điều tra. Còn trong đấu tranh với tội phạm ma tuý, lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan chỉ chịu trách nhiệm trong địa bàn hoạt động của mình. Thẩm quyền cũng giới hạn ở khâu thực hiện biện pháp điều tra ban đầu, sau khi phát hiện, bắt giữ, khởi tố điều tra thì các vụ việc vẫn được chuyển cơ quan Công an làm tiếp.
Thứ trưởng Lê Quý Vương cũng khẳng định, vai trò của các lực lượng phối hợp là "gác cửa biên giới", hệ thống pháp luật của hầu hết các nước như Hàn Quốc, Singapore hay Mỹ… đều như vậy.
Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định tiếp tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã cai nghiện ma túy bắt buộc nhưng vẫn nghiện, đồng chí Thứ trưởn cho rừng, đối với trẻ em từ 12 đến 18 tuổi là các cháu nhỏ, còn đang trong độ tuổi đi học, độ tuổi vui chơi, nên việc đưa các cháu vào cai nghiện bắt buộc là phải tính toán hết sức kỹ. Vì việc này còn liên quan đến quyền con người, quyền trẻ em, nguyên tắc đảm bảo tính chất nhân đạo...
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Quý Vương cũng lưu ý, ở độ tuổi này trẻ lại là nhóm dễ nghiện nhất nên cần phải tính toán cho phù hợp. "Vậy nên, việc này thẩm quyền quyết định chỉ có thể là toà án, vì trong thời gian đi cai 6 - 12 tháng còn phải tính tới việc học hành của các em", đồng chí Thứ trưởng nêu quan điểm.