Hành khách đón GrabCar tại lầu 4 nhà xe TCP của sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Dự kiến làn xe riêng này sẽ được bố trí trước tết 2021, sau khi sân bay Tân Sơn Nhất hoàn tất việc đàm phán phương án hợp tác nhượng quyền khai thác hoạt động vận tải với Be Group cũng như Grab. Riêng xe công nghệ của những app không ký kết hợp tác nhượng quyền sẽ không được bố trí đón khách tại làn xe riêng này.
Đang thương thảo
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Vũ Cường - phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - cho biết đã yêu cầu hãng xe Be chuẩn bị kế hoạch quản lý, điều phối xe ra vào sân bay đón khách hợp lý khi có làn xe riêng.
Việc bố trí làn xe như thế nào đang trong quá trình thương thảo, với mục tiêu quan trọng là tạo thuận lợi nhất cho khách hàng đón xe công nghệ như đón taxi thông thường. "Vài hôm nữa chúng tôi sẽ ngồi lại với nhau bàn về thời gian triển khai phân làn, dự kiến hoạt động trước Tết Nguyên đán 2021" - ông Cường nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện ứng dụng Be cho biết vẫn đang trong giai đoạn thương thảo phương án hợp tác nên từ chối tiết lộ thông tin cụ thể. Grab cũng cho biết đang chuẩn bị 2 phương án để hợp tác với Tân Sơn Nhất, trong đó có hướng sẽ lập điểm hỗ trợ khách đặt xe công nghệ ở làn xe riêng. "Kế hoạch vẫn chưa chốt nên chúng tôi chưa thể thông tin thêm" - vị này nói.
Trong khi đó, ông Tạ Long Hỷ - chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, phó tổng giám đốc Vinasun - cho biết Công ty Vinasun đang phải chi trả 5 - 7 tỉ đồng phí nhượng quyền khai thác cho sân bay Tân Sơn Nhất. Dù vậy, hãng vẫn phải xếp tài đón khách, đồng thời chịu sự cạnh tranh lớn với xe công nghệ. Do đó, nếu đòi sự công bằng, các hãng xe công nghệ nên tham gia nộp phí nhượng quyền cho cảng để khai thác tốt hơn.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, sau gần 1 tháng sắp xếp lại các làn đường đón/trả khách trước ga quốc nội Tân Sơn Nhất, nhiều hành khách vẫn khó khăn trong sự chọn lựa xe. Thực tế cho thấy sau khi được phân chia làn đường, các làn xe A, B và C tại Tân Sơn Nhất đã thông thoáng hơn, không còn tình trạng chen lấn gây ùn ứ trước sảnh nhà ga. Tuy nhiên, nhiều hành khách bức xúc cho biết tại nhà ga này chỉ có bảng hướng dẫn đến điểm đón taxi, không có bảng hướng dẫn đến điểm đón xe công nghệ.
Do đó, nếu muốn đặt xe công nghệ, khách phải chạy tới chạy lui hỏi nhân viên, rất mất thời gian. Nhiều tài xế cho biết độ dốc xe chạy lên xuống lầu 3-5 trong nhà xe với góc cua rất hẹp, rất dễ gây tai nạn. "Ngán nhất là chờ ra khỏi trạm thu phí hướng đường Trường Sơn, phải đạp thắng liên tục khi xe xếp hàng chờ xuống dốc để qua trạm thu phí. Như vậy rất nguy hiểm" - anh Tuấn, tài xế xe BeCar, nói.
Phải hợp tác, nâng chất dịch vụ
Nhiều chuyên gia cho rằng việc tổ chức giao thông tại các sân bay phải dành sự ưu tiên cao nhất cho hành khách. Do đó, việc sân bay phân làn là đúng, nhằm tạo thuận lợi cho xe vào thẳng sảnh A trả khách, vừa xuống xe là vào check-in ngay và lên máy bay. Tuy nhiên, việc tổ chức lại chưa hợp lý vì chưa hài hòa quyền lợi kinh doanh và quyền lợi của khách hàng.
Theo ông Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia về quy hoạch đô thị, hạ tầng của sân bay Tân Sơn Nhất không kham nổi lưu lượng xe ra vào sân bay quá lớn nên việc phân luồng xe để tránh tình trạng quá tải là hợp lý. "Các hãng xe công nghệ nên liên kết với sân bay để đón hành khách tốt hơn. Đây là một lựa chọn về kinh doanh. Khách hàng thay vì đi xe công nghệ giờ đi taxi, xe hợp đồng sân bay thuận tiện hơn. Nếu hãng xe công nghệ quan tâm việc phục vụ hành khách sẽ ký kết với sân bay để hành khách được hưởng quyền lợi như các đơn vị xe taxi, hợp đồng. Nếu không, lượng hành khách đặt xe của những app này tại khu vực sân bay chắc chắn sẽ giảm" - ông Sơn chia sẻ quan điểm.
Ông Trần Doãn Mậu - giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam - cho biết đã yêu cầu Công ty CP đầu tư TCP (chủ nhà xe) tăng cường lực lượng hướng dẫn, hỗ trợ hành khách trong trường hợp thang máy quá tải, khách phải sử dụng cầu thang bộ. "Có thể bố trí nhân viên bê đồ giúp người già, phụ nữ, trẻ em... trong thời gian chờ lắp thêm thang máy. Hơn nữa, cần khắc phục tình trạng ùn tắc ở khu vực chờ thang máy, giải quyết triệt để tình trạng hành khách bức xúc khi chờ thang máy quá lâu" - ông Mậu đề nghị.
Chỉ ưu tiên hãng xe ký hợp tác nhượng quyền khai thác
Kể từ ngày 14-11, nhà ga quốc nội Tân Sơn Nhất bắt đầu phân làn giao thông nội bộ. Làn A (sát nhà ga) chỉ cho xe chở người vào sân bay, không được đón khách như trước. Làn B và C dành cho ôtô cá nhân vào đón người. Riêng làn D dành cho taxi và ôtô kinh doanh vận tải đón khách.
Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh, các loại xe công nghệ như GrabCar, BeCar... không được vào làn D đón khách mà phải lên các tầng 3, 4 và 5 của nhà xe TCP dừng chờ. Do đó, khách đón xe công nghệ phải đi xa thêm, leo lầu cao. Lái xe vào sân bay đón khách phải gửi xe trong bãi, chịu chi phí 25.000 đồng, thay vì 10.000 đồng như trước.
Trong khi đó, 4 hãng taxi (Vinasun, Mai Linh, Vina, Saigontourist) cùng 6 đơn vị kinh doanh vận tải (Sasco, Satsco, Sóng Việt, ACV Unico, Avigo và Công đoàn Cảng vụ hàng không miền Nam) được vào làn D để đón khách, do đã ký hợp tác nhượng quyền khai thác hoạt động đón khách.
Tổng cục Thuế: giá cước tăng không phải do chính sách
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 9-12, bà Tạ Thị Phương Lan, phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ - vừa và hộ kinh doanh - cá nhân (Tổng cục Thuế), khẳng định việc Grab tăng giá cước và tỉ lệ chiết khấu với tài xế không phải do chính sách.
Cũng theo bà Lan, tại buổi làm việc với Tổng cục Thuế chiều cùng ngày, Grab chưa thông tin rõ về việc tăng giá cước và chiết khấu là do nghị định 126 như đã công bố trên các phương tiện truyền thông trước đó.
"Grab hoàn toàn có quyền tăng giá, tăng chiết khấu nhưng không thể nói rằng nguyên nhân là do chính sách. Nghị định 126 chỉ hướng dẫn một số điều của Luật quản lý thuế về khai thuế chứ không điều chỉnh thuế suất cũng như quy định chính sách thuế" - bà Lan nhấn mạnh, đồng thời cho rằng Grab phải có trách nhiệm điều chỉnh cơ cấu giá tính thuế để đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng cũng như thu nhập của tài xế.
L.Thanh
TTO - Xuất hiện tình trạng người dân kéo vali từ trong sân bay ra đường Trường Sơn đón xe, gây mất an toàn sau khi sân bay Tân Sơn Nhất phân lại làn xe đưa đón khách.