Công ty mạng xã hội Facebook có thể buộc phải bán hai ứng dụng là Instagram và WhatsApp sau khi đối mặt với hai đơn kiện từ Ủy ban Thương mại liên bang và một liên minh gồm gần như toàn bộ các bang ở Mỹ, hãng tin Reuters cho hay.
Ngày 9-12, Tổng Chưởng lý bang New York, bà Letitia James đã đại diện cho nhóm 46 bang, cùng thủ đô Washington và vùng lãnh thổ Guam, kiện Facebook với cáo buộc vi phạm quy định về chống độc quyền. Bốn bang không tham gia vụ kiện là Alabama, Georgia, South Carolina và South Dakota.
Cùng ngày, Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ cũng đệ một đơn kiện cáo buộc Facebook "đang duy trì sự độc quyền về mạng xã hội cá nhân một cách bất hợp pháp thông qua các hành vi hạn chế cạnh tranh kéo dài nhiều năm".
Các nguyên đơn cho rằng Facebook đã vi phạm quy định về cạnh tranh khi mua đứt ứng dụng chia sẻ hình ảnh Instagram (năm 2012, thương vụ trị giá 1 tỉ USD) và ứng dụng nhắn tin WhatsApp (năm 2014, thương vụ trị giá 19 tỉ USD) và nhiều thương vụ khác.
Các nguyên đơn cho rằng công ty này đã chọn mua những ứng dụng có thể đe dọa sự thống trị của ứng dụng Facebook.
Các ứng dụng Instagram, Facebook, WhatsApp, Messenger đều thuộc quản lý của công ty Facebook. Ảnh: GETTY
Theo đơn kiện, bà James viết rằng: "Trong gần một thập kỷ, Facebook đã sử dụng sự thống trị và sức mạnh độc quyền của mình để đè bẹp các đối thủ nhỏ hơn, loại bỏ sự cạnh tranh, tất cả điều này gây hại cho người dùng hàng ngày".
Đây là vụ kiện lớn thứ hai mà một công ty công nghệ từng đối mặt ở Mỹ, sau vụ Bộ Tư pháp nước này kiện Google vào tháng 10 năm nay với cáo buộc sử dụng tiềm lực kinh tế để tạo thế độc quyền trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến.
Đơn kiện được cho là biểu hiện cho sự đồng thuận ngày càng tăng của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong việc kiểm soát tầm ảnh hưởng của các công ty công nghệ tại thị trường Mỹ.
Phản ứng trước đơn kiện hôm 9-12, bà Jennifer Newstead, người đứng đầu đội ngũ cố vấn pháp lý cho Facebook, cho rằng đây là một vụ kiện mang màu sắc "xét lại lịch sử".
Bà Newstead cho rằng luật chống độc quyền không nên được dùng để buộc tội "các công ty thành công", lập luận rằng Instagram và WhatsApp đã rất thành công sau khi về dưới tay Facebook.
"Bây giờ, chính phủ muốn một sự thay đổi và đang gửi đi một lời cảnh báo lạnh lùng tới các doanh nghiệp Mỹ rằng không có thương vụ nào là mua đứt bán đoạn" - bà Newstead nói, ám chỉ việc bên mua vẫn có thể gặp nhiều rủi rỏ về sau dù đã hoàn thành việc thanh toán và chuyển nhượng.
Ngoài hai thương vụ đình đám cách đây nhiều năm, Facebook cũng công bố nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập trong năm 2020.
Hồi tháng 5, Facebook đã mua trang chỉnh sửa và chia sẻ ảnh động (GIF) Giphy. Tháng 11, Facebook cho biết họ đang mua lại công ty khởi nghiệp Kustomer (hoạt động ở mảng dịch vụ bán hàng).
Theo Reuters, các động thái mới của Facebook cũng khiến công ty này rơi vào tầm ngắm pháp lý từ các quan chức giám sát cạnh tranh thương mại ở Anh.
Hồi tháng 7, Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg từng tuyên bố sẽ theo đuổi đến cùng các vụ kiện để ngăn chặn việc công ty bị chia nhỏ.