vĐồng tin tức tài chính 365

Dù có vốn nhà nước cũng không dễ hỗ trợ nếu không muốn... bị kiện!

2020-12-10 10:21

Dù có vốn nhà nước cũng không dễ hỗ trợ nếu không muốn... bị kiện!

Phan Minh Ngọc

(TBKTSG) - LTS: Việc Nhà nước hỗ trợ tài chính để cứu Vietnam Airlines có được xem là phân biệt đối xử với các hãng hàng không tư nhân trong nước, và rộng hơn là các hãng nước ngoài có làm ăn với Việt Nam, từ đó dẫn đến việc Việt Nam có thể bị kiện cáo hay không? Đây là vấn đề mà các chuyên gia cũng chưa thống nhất. TBKTSG xin đăng hai ý kiến của hai chuyên gia để bạn đọc có thông tin đa chiều.

Cần tạo sân chơi bình đẳng cho Vietnam Airlines cũng như các doanh nghiệp khác. Ảnh: LÊ ANH

Mới đây, khi được hỏi về chuyện hỗ trợ tài chính cho các hãng hàng không tư nhân nhân việc Vietnam Airlines được Nhà nước cho vay ưu đãi, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nói rằng: “Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia, xuất phát là doanh nghiệp nhà nước và có vốn nhà nước. Do đó việc bảo toàn vốn nhà nước cũng là một khía cạnh để chúng ta xem xét việc hỗ trợ. Còn về các hãng tư nhân, chúng tôi cho là phải đối xử bình đẳng nhưng phải xem xét yếu tố vốn xuất phát từ đâu, và hỗ trợ là hỗ trợ cho hoạt động hàng không bình đẳng”(1).

Theo phát biểu trên, có thể hiểu rằng Vietnam Airlines (từng) là doanh nghiệp nhà nước, có vốn nhà nước nên nhà nước (đương nhiên) phải cứu trợ, cho vay ưu đãi. Bởi điểm khác biệt này nên các hãng hàng không tư nhân rất có thể không được hưởng những cứu trợ tài chính tương tự.

Phát biểu trên, nếu xét từ góc độ đảm bảo sân chơi bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp trong nước và với nước ngoài trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, thì có thể đã vi phạm hai nguyên tắc cơ bản liên quan đến vấn đề này.

Thứ nhất là nguyên tắc không được hỗ trợ bằng các điều khoản phi thương mại (như tái cấp vốn, cho vay ưu đãi với lãi suất thấp cho Vietnam Airlines), vốn có thể làm tổn thương đến doanh nghiệp/quốc gia thành viên khác trong FTA.

Cụ thể, theo điều khoản về doanh nghiệp nhà nước trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mà Việt Nam là thành viên, thì không một nước thành viên CPTPP nào được có những hành động làm tổn thương các nước thành viên CPTPP khác thông qua việc sử dụng các biện pháp hỗ trợ phi thương mại dành cho các doanh nghiệp nhà nước của nước thành viên đó.

Cần lưu ý rằng, trong cơ cấu cổ đông của nhiều doanh nghiệp tư nhân có một tỷ lệ đáng kể là nhà đầu tư nước ngoài - là những nhà đầu tư được hậu thuẫn bởi chính phủ nước xuất xứ mà rất có thể Việt Nam đã ký kết FTA với họ. Như vậy, họ hoàn toàn có quyền và năng lực kiện Việt Nam đã phân biệt đối xử làm phương hại đến lợi ích hợp pháp của họ ở Việt Nam.

Hãy dự liệu đến trường hợp một hãng hàng không ABC nào đó của một nước thành viên CPTPP cũng có đường bay đến Việt Nam hoặc cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, và/hoặc là đối thủ cạnh tranh của Vietnam Airlines trên một số đường bay nội địa/quốc tế nào đó cũng đang gặp khó khăn trong và sau đại dịch Covid-19 như Vietnam Airlines. Tuy nhiên, việc Vietnam Airlines được Nhà nước Việt Nam hỗ trợ tài chính (trong khi nước sở tại của ABC thì không) bằng những điều khoản phi thương mại đã làm cho Vietnam Airlines trở nên có lợi thế cạnh tranh một cách bất bình đẳng hơn so với ABC, gây thiệt hại cho ABC về doanh thu và thị phần. Điều tiếp theo rất có thể sẽ là ABC kiện Nhà nước Việt Nam trong khuôn khổ CPTPP, và như vậy chắc chắn sẽ kéo theo những hậu quả cho Vietnam Airlines nói riêng và Việt Nam nói chung.

Ngược lại, cũng với kịch bản trên ở cùng nước thành viên CPTPP, nơi các hãng hàng không không được hỗ trợ và bị cạnh tranh bởi Vietnam Airlines qua các đường bay đến hoặc cung cấp dịch vụ ở nước thành viên này. Việc Vietnam Airlines nhận được hỗ trợ của Nhà nước và trở nên cạnh tranh hơn, gây thiệt hại cho các hãng hàng không của nước sở tại sẽ châm ngòi cho việc các hãng hàng không này khiếu kiện Vietnam Airlines và Chính phủ Việt Nam. Kết quả thì chắc sẽ là những thiệt hại cho phía Việt Nam.

Thứ hai là nguyên tắc đối xử bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp phi nhà nước (tư nhân, nước ngoài). Theo chỉ dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về quản trị doanh nghiệp nhà nước - một tiêu chuẩn quốc tế về cách các chính phủ quản lý doanh nghiệp nhà nước mà Việt Nam cũng là một bên được tham vấn, thì các chính phủ phải đảm bảo một sân chơi bình đẳng trên thị trường nơi mà doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp phi nhà nước cùng cạnh tranh để “tránh làm méo mó thị trường”. Như vậy, “doanh nghiệp nhà nước phải đối mặt với những điều kiện cạnh tranh trong tiếp cận tài chính”, và quan hệ của doanh nghiệp nhà nước với các ngân hàng có vốn nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước khác “phải dựa trên cơ sở thương mại thuần túy”(2).

Vì nhiều FTA đã và sẽ được xây dựng trên nguyên tắc này, nên nếu Việt Nam công khai cứu trợ về tài chính, cho Vietnam Airlines vay ưu đãi mà ít nhất là không cứu trợ các hãng hàng không tư nhân trong nước, cho dù với lý do tưởng không thể hợp lý hơn là Nhà nước có vốn trong Vietnam Airlines nên phải cứu trợ, thì Việt Nam trong con mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã và đang vi phạm những nguyên tắc thương mại, đầu tư cơ bản được thế giới và chính mình công nhận.

Lại giả sử tiếp rằng nếu sau này có một doanh nghiệp hàng không EU nào đó muốn thành lập một công ty con, chi nhánh tại Việt Nam trong khuôn khổ FTA giữa EU và Việt Nam vừa được ký kết, và công ty này phải đối mặt với sự phân biệt đối xử của Việt Nam (ưu đãi dành riêng cho Vietnam Airlines) gây thiệt hại cho hoạt động công ty tại Việt Nam thì khả năng Việt Nam bị kiện bởi công ty này là không thể loại bỏ.

Cũng cần lưu ý rằng, trong cơ cấu cổ đông của nhiều doanh nghiệp tư nhân có một tỷ lệ đáng kể là nhà đầu tư nước ngoài - là những nhà đầu tư được hậu thuẫn bởi chính phủ nước xuất xứ mà rất có thể Việt Nam đã ký kết FTA với họ. Như vậy, họ hoàn toàn có quyền và năng lực kiện Việt Nam đã phân biệt đối xử làm phương hại đến lợi ích hợp pháp của họ ở Việt Nam.

Tóm lại, hành động cứu trợ tài chính dành cho Vietnam Airlines, dù vì lý do nào chăng nữa, cũng là một hành động dễ gây phản kháng nếu những bị hại tiềm năng có thể chứng minh được họ bị ảnh hưởng đáng kể. Nói cách khác, trong thời buổi hiện nay, với các ràng buộc từ các FTA đã và sắp ký kết, thì Việt Nam cần sớm từ bỏ các quan niệm sai lầm một thời và chấm dứt các hành động cứu trợ dành cho doanh nghiệp nhà nước mang tính phân biệt đối xử.

(1) https://cafef.vn/bo-gtvt-noi-ve-viec-hang-bay-tu-nhan-xin-uu-dai-doi-xu-binh-dang-nhung-phai-xem-xet-yeu-to-von-xuat-phat-tu-dau-20201202194223838.chn

 

(2) https://www.uscc.gov/sites/default/files/2.15.12drake_testimony.pdf

Xem thêm: lmth.neik-ib-noum-gnohk-uen-ort-oh-ed-gnohk-gnuc-coun-ahn-nov-oc-ud/615113/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Dù có vốn nhà nước cũng không dễ hỗ trợ nếu không muốn... bị kiện!”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools