vĐồng tin tức tài chính 365

Chuỗi cung ứng công nghệ của Đài Loan hụt hơi trước nhu cầu bùng nổ

2020-12-10 12:43

Chuỗi cung ứng công nghệ của Đài Loan hụt hơi trước nhu cầu bùng nổ

Khánh Lan

(TBKTSG Online) - Nhu cầu bùng nổ đối với máy tính cá nhân (PC) và điện thoại di động thông minh (smartphone) đang gây sức ép cho chuỗi cung ứng công nghệ của châu Á, đặc biệt là Đài Loan, trung tâm cung ứng công nghệ cao ở khu vực này.

Công ty United Microelectronics Corporation (UMC), hãng sản xuất gia công chip lớn thứ tư thế giới ở Đài Loan, đã nhận được lượng đơn hàng đủ để sản xuất đến hết quí 2 năm sau Ảnh: Nikkei Asian Review

Khách hàng đổ xô đặt mua

Thời điểm này thường là mùa kinh doanh bận rộn nhất đối với các nhân viên kinh doanh ở Công ty United Microelectronics Corporation (UMC), hãng sản xuất gia công chip lớn thứ tư thế giới ở Đài Loan. Họ thường phải chạy theo thuyết phục khách hàng đặt các đơn hàng cho năm sau. Nhưng năm nay, tình hình thay đổi hoàn toàn: Các khách hàng của UMC đang đổ xô tìm đến công ty này.

Các công ty từ Intel (Mỹ) cho đến MediaTek, nhà sản xuất chip di động hàng đầu thế giới và Realtek, nhà sản xuất chip Wi-Fi và Bluetooth ở Đài Loan đều đang yêu cầu UMC hỗ trợ cung cấp linh kiện cho họ.

Trao đổi với Nikkei Asian Review, đại diện của Intel cho hay: “Thị trường PC đang chứng kiến nhu cầu lớn chưa có tiền lệ trong năm nay, đẩy tăng nhu cầu các sản phẩm Wi-Fi của Intel lên mức kỷ lục. Chúng tôi đang phải làm việc liên tục với chuỗi cung ứng của chúng tôi để bảo đảm chúng tôi có thể hỗ trợ các khách hàng”.

Một nguồn tin từ UMC cho biết: “Chúng tôi thường nài nỉ họ đặt thêm đơn hàng sản xuất chip và các nhà phát triển chip sẽ yêu cầu chúng tôi giảm giá. Nhưng lần này, dù họ sẵn sàng trả thêm, chúng tôi cũng không thể tăng thêm nhiều công suất để hỗ trợ họ”.

Hầu hết công suất cua UMC đã được đặt chỗ kín cho các đơn hàng đến quí 2 năm sau. Một nguồn tin khác của UMC nói: “Điều này giống như một khách sạn được đặt thuê kín phòng và chúng tôi thực sự không thể xây thêm một số phòng bổ sung sớm để đáp ứng nhu cầu đang tăng vọt”.
 

Mediatek và Realtek cũng cho biết họ đang làm việc với các đối tác sản xuất gia công để giải quyết các vấn đề thiếu hụt linh kiện.

Cơn bùng nổ nhu cầu đối với UMC, có các khách hàng tên tuổi như Intel, Qualcomm, Sony, không phải là hiện tượng riêng lẻ. Hầu hết công suất ở Công ty sản xuất bán dẫn Đài Loan (TSMC), nhà sản xuất gia công chip lớn nhất thế giới, cũng đã được đặt chỗ kín đến quí 3 năm sau.

Thiếu hụt linh kiện xảy ra khắp mọi phân khúc công nghệ

Cơn đổ xô mua sắm diễn ra khắp mọi phân khúc của công nghệ từ các vật liệu cơ bản như kính màn hình, chất nền cho đến các linh kiện bán hoàn thiện (semi-finished components) như màn hình, một trong những linh kiện đắt đỏ nhất của nhiều thiết bị điện tử.

“Đã lâu rồi chúng tôi mới chứng kiến tình trạng thiếu hụt trải khắp các chủng loại linh kiện. Tôi có thể nói với bạn rằng thời gian hoàn tất đơn hàng của một số bảng mạch tích hợp có thể kéo dài đến 12 tháng, trong khi đó, đối với nhiều kinh kiện, bạn phải chờ đợi từ 6-8 tháng mới được giao nếu đặt mua chúng ngay từ bây giờ”, Andrew Chen, Giám đốc điều hành Công ty Kinpo Electronics (Đài Loan), nhà cung cấp cung cấp linh kiện của Dyson, HP và Huawei, nói.

Làn sóng mua linh kiện công nghệ cũng đốt nóng thị trường chip từ các bộ vi xử lý cho đến những sản phẩm chip sử dụng để quản lý nguồn điện và kết nối.

Được hưởng lợi nhờ nhu cầu tăng vọt, lợi nhuận của nhiều công ty trong chuỗi cung ứng công nghệ tăng mạnh. Micron Technology, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất của Mỹ, vừa nâng dự báo lợi nhuận quí 1 của năm tài chính 2021.

Nhiều nhà sản xuất màn hình hàng đầu từ BOE Technology Group (Trung Quốc) cho đến LG Display (Hàn Quốc) ghi nhận lợi nhuận cải thiện mạnh mẽ trong quí 3-2020.

Tuần trước, giá cổ phiếu Micron tăng lên mức cao nhất trong 20 năm qua. Giá cổ phiếu TSMC đang ở mức kỷ lục sau khi tăng mạnh hơn 50% trong năm nay. Trong khi đó, cổ phiếu UMC đã tăng giá hơn gấp đôi trong năm nay, lên sát mức cao nhất trong 20 năm.

Ngành công nghệ là một trong số ít ngành tăng trưởng mạnh mẽ trong thời kỳ dịch bệnh khi làn sóng làm việc từ xa và nhu cầu các sản phẩm giúp hạn chế tiếp xúc thúc đẩy doanh số các thiết bị điện tử và công nghệ.

Tình trạng thiếu hụt linh kiện này báo hiệu triển vọng sáng sủa cho ngành công nghệ ở thời kỳ hậu Covid-19.
“Ngay cả với các tiến triển tích cực về vaccine Covid-19, chúng tôi tin rằng tình trạng ‘bình thường mới’ liên quan đến làm việc, học hành, tập thể dục, giải trí từ xa và tương tác không tiếp xúc, thương mại điện tử sẽ duy trì”, Rick Tsai, Giám đốc điều hành MediaTek, nhận định. MediaTek dự báo sẽ đạt doanh thu kỷ lục hơn 10 tỉ đô la trong năm 2020.

Quanta Computer (Đài Loan), nhà sản xuất gia công laptop lớn nhất thế giới, ước tính lượng laptop mà công ty giao trong năm nay có thể đạt mức kỷ lục 60 triệu. Ảnh: Ảnh: Getty


Nhu cầu smartphone 5G và xe điện gây thêm căng thẳng

Cơn bùng nổ nhu cầu trong năm nay đến từ một loạt ngành hàng điện tử. Nhu cầu PC và máy tính bảng đã tăng trở lại kể từ quí 2 và doanh số hai mặt hàng này đang tăng mạnh nhờ nhu cầu làm việc và học hàng từ xa trong thời kỳ dịch bệnh.

Hãng nghiên cứu thị trường IDC dự báo nhu cầu PC và máy tính bảng sẽ tăng 3% trong năm 2021. Nhu cầu smartphone cũng bắt đầu phục hồi trong nửa cuối năm 2020 và dự kiến tăng khoảng 10% vào năm sau, theo hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research.

“Đây là một tình huống hiếm gặp khi tất cả nhu cầu đều cùng tăng đồng thời, từ PC, hàng điện tử tiêu dùng, smartphone cho đến linh kiện ô tô.

Mọi công ty sản xuất các thiết bị này đều muốn bảo đảm đủ linh kiện và công suất để phục hồi trong năm 2021 đồng thời ngăn chặn các đối thủ vượt mặt”, một lãnh đạo ở Công ty Siliconware Precision Industry, nhà cung cấp dịch vụ đóng gói chip ở Đài Loan, nói.

Nhu cầu smartphone 5G, vốn sử dụng nhiều linh kiện hơn smartphone 4G, góp phần gây ra các hạn chế nguồn cung trong chuỗi cung ứng công nghệ.

Mới đây, Apple phải tái phân bổ linh kiện của máy tính bảng iPad sang cho các mẫu điện thoại iPhone 12 hỗ trợ 5G do tình trạng thiếu hụt chip nguồn và linh kiện cảm biến Lidar (được sử dụng để đo chiều sâu của môi trường xung quanh). Động thái này ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của khoảng 2 triệu iPad.

Trong khi đó, thị trường ô tô được dự báo tăng trưởng ở mức hai con số vào năm 2021 sau khi sụt giảm nghiêm trọng trong năm nay. Nhu cầu linh kiện điện tử cho xe cộ, đặc biệt là xa điện sẽ gây sức ép thêm cho chuỗi cung ứng công nghệ. Xe điện sử dụng rất nhiều loại chip liên quan kết nối, quản lý nguồn điện, lưu trữ và xử lý dữ liệu.

Frank Ko, Chủ tịch Công ty AU Optronics, nhà sản xuất màn hình hàng đầu ở Đài Loan, cho hay nhu cầu của khách hàng đang vượt nguồn cung hơn 10% và mức chênh lệch này đang nới rộng.

Ông dự báo nhu cầu màn hình sẽ chưa giảm cho đến quí 2-2021. Ông cho biết thêm nguồn cung của một số linh kiện thiết yếu để sản xuất các sản phẩm màn hình bao gồm bo mạch vi điều khiển, bộ lọc phân cực, kính màn hình...sẽ rất căng thẳng.

James Yang, Chủ tịch Công ty Innolux, nhà sản xuất màn hình lớn thứ hai Đài Loan, nói: “Bất cứ khi nào chúng tôi sản xuất xong màn hình ở các máy nhà, khách hàng lấy chúng ngay tức thì. Chúng tôi không có thời gian để xây dựng kho hàng dự trữ”.

Trong 3 quí đầu năm nay, Quanta Computer (Đài Loan), nhà sản xuất gia công laptop lớn nhất thế giới, đã giao cho khách hàng số lượng laptop vượt con số 35 triệu trong cả năm 2019. Quanta Computer, đang có các khách hàng Apple, HP, Dell và Chromebooks, ước tính lượng laptop mà công ty giao trong năm nay có thể đạt mức kỷ lục 60 triệu, chiếm 30% thị phần toàn cầu.

Elton Yang, Giám đốc tài chính Quanta Computer, nói: “Nếu chúng tôi có thể mua thêm nhiều linh kiện, số laptop giao trong năm nay thậm chí còn lớn hơn”.

Các yếu tố địa chính trị đang gây phức tạp cho tình trạng căng cứng trong chuỗi cung ứng công nghệ. Khi Huawei, nhà sản sản xuất smartphone và thiết bị viễn thông hàng đầu của Trung Quốc, bị cắt đứt khỏi chuỗi cung ứng chip trên toàn cầu hồi tháng 9 do bị Mỹ áp các các quy định hạn chế xuất khẩu, các nhà cung cấp của Huawei lo ngại tác động xấu sẽ lan rộng.

Nhưng các đối thủ của Huawei đã nhanh chóng chạy đua chiếm thị phần của Huawei, bù đắp cho khoảng trống công suất gia công linh kiện mà Huawei để lại. Chẳng hạn, Xiaomi đã đặt mua linh kiện đủ để sản xuất 240 triệu smartphone, gấp đôi doanh số smartphone của hãng này trong giai đoạn 2019-2020.

Trong khi đó, Công ty sản xuất bán dẫn quốc tế (SMIC) của Trung Quốc cũng đối mặt với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ sau khi bị đưa vào danh sách đen của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi đầu tháng 12. Động thái này của Mỹ chưa gây xáo trộn hoạt động sản xuất của SMIC nhưng tình hình bất ổn khiến nhiều khách hàng của SMIC, đặc biệt là ở Mỹ, phải tìm kiếm các nhà sản xuất chip khác để đề phòng trường hợp SMIC bị Mỹ trừng phạt.

Theo Nikkei Asian Review

Xem thêm: lmth.on-gnub-uac-uhn-court-ioh-tuh-naol-iad-auc-ehgn-gnoc-gnu-gnuc-iouhc/395113/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chuỗi cung ứng công nghệ của Đài Loan hụt hơi trước nhu cầu bùng nổ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools