TÀU CHỞ HẢI SẢN THÀNH CHỨA DẦU
Ngày 8-12, Hải đoàn 42 dẫn giải tàu cá BS: TG94437-TS do ông Nguyễn Tấn Minh (ngụ Tiền Giang) làm thuyền trưởng, về Cảng Hải đội 421 (thuộc huyện Năm Căn, Cà Mau).
Để công tác đấu tranh với các loại hình tội phạm trên biển đạt hiệu quả cao, lực lượng Cảnh sát biển đã đưa ra nhiều giải pháp; trong đó thực hiện đồng bộ các giải pháp để phối hợp có hiệu quả với lực lượng chức năng trong phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển. Tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát ở các vùng biển trọng điểm; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp trong nắm, trao đổi tình hình, tổ chức các hoạt động nghiệp vụ để chủ động phát hiện, kịp thời ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển.
Trước đó, lúc 14 giờ 30 ngày 6-12, qua công tác tuần tra, Hải đoàn 42 phát hiện tàu cá trên đang ở vùng biển về phía Tây Nam Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) khoảng 40 hải lý có biểu hiện khả nghi. Lực lượng thi hành nhiệm vụ tiến hành kiểm tra, phát hiện 5 thuyền viên (trong đó có người không giấy tờ tùy thân) cùng khoảng 100m3 dầu DO. Toàn bộ số dầu này không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Làm việc với đoàn, ông Minh thừa nhận tàu ra khơi không phải để đánh bắt cá mà chở dầu đem bán cho các phương tiện khác lấy lãi.
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, cuối năm 2020, tình hình buôn lậu trên biển Tây Nam có chiều hướng tăng so với cùng kỳ. Các chủ phương tiện đánh bắt xa bờ chuyển sang mua bán dầu lậu. Ngày 5-12, Tàu tuần tra BP 18.98.01 của Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Sóc Trăng làm nhiệm vụ tại khu vực biển cách cảng cá Trần Đề 25 hải lý, phát hiện phương tiện tàu cá mang số hiệu TG 90959TS không đánh bắt thủy sản nhưng đang neo đậu trên biển nên tổ tuần tra ra lệnh kiểm tra. Qua đó, trên tàu có 4 thuyền viên do Võ Văn Hoàng (SN 1966, thường trú Tiền Giang) làm thuyền trưởng cùng 5 hầm chứa chất tinh thể lỏng nghi là dầu DO và 2 bộ dụng cụ sang chiết dầu.
Tại thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, các thuyền viên không có giấy tờ tùy thân và tên trong sổ danh bạ thuyền viên. Theo lời khai ban đầu của thuyền trưởng, số chất lỏng trong các hầm trên tàu là dầu DO, khoảng 30 nghìn lít được lấy từ một tàu gỗ không rõ số hiệu đang hoạt động trên biển.
BĐBP tỉnh Kiên Giang cũng đang tạm giữ tàu cá vận chuyển khoảng 20 ngàn lít dầu DO không rõ nguồn gốc. Lúc 17 giờ ngày 1-11, Đồn Biên phòng Tây Yên, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kiên Giang kiểm tra tàu cá số hiệu KG-93560 đang di chuyển ở khu vực biển cách cửa sông Cái Lớn khoảng 1,5 hải lý (về hướng Tây Bắc) do bà Trần Ngọc Vân (SN 1971, thường trú Kiên Giang) làm chủ. Con trai bà Vân là ông Đào Duy Thân (SN 1992) làm thuyền trưởng.
Qua kiểm tra, phát hiện các hầm cá số 6, số 7 và số 8 chứa khoảng 20 ngàn lít dầu DO. Thuyền trưởng không xuất trình được giấy tờ hợp lệ của số dầu trên. Trong 2 tháng 10 và 11-2020, các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang thu giữ trên vùng biển Tây Nam hơn 100.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc.
THU LỢI "KHỦNG"
Một cán bộ BĐBP tỉnh Kiên Giang cho biết, lợi dụng giá dầu trong nước rẻ hơn các nước bạn, chủ tàu và thuyền trưởng buôn bán dầu lậu nhằm tăng thu nhập. Trung bình mỗi lít dầu lậu mua với giá từ 5.500 đồng đến 6.000 đồng/lít. Các chủ phương tiện bán lại cho phương tiện khai thác thủy sản xa bờ. Do đó, họ hưởng lợi gấp đôi nên bất chấp vi phạm pháp luật.
Làm việc với cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Văn Phúc (ngụ Kiên Giang), thuyền trưởng tàu cá mang số hiệu KG-94967 TS có 9/12 khoang chứa chất lỏng, nghi chở 145 ngàn lít dầu DO. Trên tàu không gắn thiết bị giám sát hành trình. Đấu tranh khai thác, ông Phúc cho biết tàu xuất bến tại Hòn Nghệ (Kiên Giang), sau đó mua dầu của các ghe (không xác định được số đăng ký và thuyền trưởng) số lượng 150.000 lít dầu với giá 6.000 đồng/lít để bán lại kiếm lời.
Theo các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang, với điều kiện địa hình tự nhiên của tỉnh có khu vực biển liền kề giáp biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, thuận lợi cho các đối tượng vận chuyển hàng cấm, hàng lậu qua biên giới tuồn vào nội địa bằng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Ban 389 tỉnh Kiên Giang cho biết, trong thời gian qua, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên vùng biển Kiên Giang vẫn diễn biến phức tạp, nhất là buôn lậu xăng, dầu, gỗ, đường, thuốc lá. BĐBP tỉnh Tiền Giang cho rằng, hiện một số phương tiện dịch vụ hậu cần thủy sản trên biển của tỉnh Tiền Giang hoạt động sai chức năng, thường có hoạt động mua bán xăng dầu trái phép trên vùng biển một số tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang.
Trong thời gian ngắn, lực lượng Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát Biển 4 phát hiện và xử lý 2 phương tiện vận chuyển vận chuyển khoảng 230.000 lít dầu DO không có hóa đơn chứng từ. Rạng sáng 15-8, Biên đội I/20, Hải đoàn 18 Bộ đội Biên phòng phát hiện tàu TG 92233-TS do Võ Minh Tân (SN 1974, trú Tiền Giang) làm thuyền trưởng, vận chuyển 150.000 lít dầu DO không hóa đơn chứng từ trên vùng biển phía Đông Nam huyện đảo Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Đánh giá của Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, ngay sau khi dịch Covid-19 ở nước ta cơ bản đã kiểm soát, tình hình phát triển kinh tế, trong đó có vận tải biển nhiều khởi sắc; đồng thời kéo theo các vụ buôn lậu, gian lận thương mại lớn, đặc biệt là về xăng dầu ở vùng biển Tây Nam có yếu tố nước ngoài diễn biến phức tạp. Trong tháng 5 và 6-2020, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển chỉ đạo các đơn vị sử dụng các biện pháp nghiệp vụ tuần tra kiểm soát, bắt giữ 2 vụ lớn có yếu tố nước ngoài vận chuyển tới 1.700m3 dầu DO và 1.000m3 dầu DO. Ngày 14-7, trên vùng biển Tây Nam, lực lượng làm nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã kiểm tra, tạm giữ tàu nước ngoài có tên Diamond Z do ông Ye Min Htun (SN 1977, quốc tịch Myanmar) làm thuyền trưởng, có hành vi mua bán hàng hóa trái phép, trên tàu có 150.000 lít dầu không rõ nguồn gốc.
Thống kê của Cảnh sát biển Việt Nam, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại thường câu móc với đối tượng vận chuyển hàng hóa trên biển, nhất là hoạt động mua bán trái phép xăng, dầu thường tập trung nhiều ở vùng biển đặc quyền kinh tế phía Nam, các đối tượng thực hiện việc mua bán, rồi đưa hàng hóa vào đất liền tiêu thụ và trực tiếp bán cho các chủ tàu cá. Việc vận chuyển và giao nhận hàng hóa chủ yếu vào ban đêm để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Trong đó, mua bán mặt hàng xăng, dầu, các đối tượng thường sử dụng hóa đơn quay vòng để xuất trình khi cơ quan chức năng kiểm tra, nhằm hợp thức hóa lô hàng vi phạm.
Ngoài ra, các đối tượng thường lắp đặt các thiết bị hiện đại trên tàu để xác định các phương tiện của lực lượng chức năng đến gần khu vực giao nhận hàng để nhanh chóng tẩu thoát khi nghi ngờ hoặc phát hiện... Đặc biệt, các đối tượng thường lợi dụng khi thời tiết trên biển xấu, sóng to, gió lớn hoặc thời điểm không có hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng thực thi pháp luật trên biển để tập kết, sang mạn, vận chuyển, giao nhận hàng lậu ở trên biển hoặc khu vực ven biển.
Bọn buôn lậu liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn để đối phó với cơ quan thực thi pháp luật. Trong đó, giá trị hàng hóa buôn lậu, gian lận thương mại mà các lực lượng chức năng thu được ngày càng lớn. Chỉ tính riêng mặt hàng xăng dầu, theo các chuyên gia, ước tính mỗi năm Nhà nước thất thu hàng chục nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí các loại do tội phạm buôn lậu mặt hàng xăng, dầu trên biển gây ra.
Xem thêm: lmth.872401_pat-cuhp-neib-neid-man-yat-neib-nert-uad-gnax-ual-noub/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc