Ngày 10-12, tại TP Cần Thơ, Bộ Xây dựng phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NHẪN NAM
Theo đó, có ý kiến góp ý cho định hướng phát triển đô thị theo mô hình đô thị nén, hạn chế mở rộng đô thị tập trung quy mô lớn và diện rộng, không hình thành các vùng đô thị hóa, các dãy đô thị liên tục giữa các khu vực ngập sâu giữa đồng bằng và ven biển.
Định hướng phát triển nông thôn theo sáu tiểu vùng sinh thái nông nghiệp, hình thái sông nước và sản phẩm nông nghiệp đặc thù, bảo tồn các làng nghề, các cộng đồng dân tộc thiểu số, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Phát biểu góp ý tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Nhàn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết tỉ lệ đô thị hóa của tỉnh này không đồng đều, tập trung cao ở Rạch Giá, Phú Quốc, Kiên Lương, Hà Tiên.
Nơi nào hạ tầng giao thông tốt thì tốc độ đô thị hóa nhanh. Nông thôn dân cư thường phân bổ theo khu vực sản xuất nên thường phân tán, dàn trải dẫn tới việc đầu tư hạ tầng gặp khó khăn.
Theo ông Nhàn, hạn chế chung của vùng là đô thị nông thôn và chất lượng sống của người dân ở đây là thấp, nước sạch thiếu, thu gom rác thải hạn chế. Thời gian qua, các tỉnh trong vùng đã quan tâm rất nhiều đến việc cải thiện chất lượng đô thị và chất lượng sống của người dân đô thị ở vùng nông thôn.
Một góc đô thị Cần Thơ. Ảnh: NHẪN NAM
Để tạo động lực cho đô thị vùng ĐBSCL phát triển bền vững, ông Nhàn đề xuất nhiều kiến nghị.
Một là bộ ngành trung ương cần tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ vì đây là điểm nghẽn lớn nhất của vùng; Đầu tư hệ thống cảng sông, cảng biển giúp phát triển vùng biển đảo rộng lớn của khu vực ĐBSCL; Phát huy vai trò của đô thị biển đảo trong đó lấy Phú Quốc là trung tâm động lực phát triển của khu vực biển đảo.
Hai là nghiên cứu hình thành các mô hình đô thị nông thôn mới. Khu vực ĐBSCL có vùng nông thôn lớn, người dân sống ở nông thôn chiếm trên 70%. Đặc trưng của nông thôn ĐBSCL rất đa dạng, do đó nên nghiên cứu đô thị nông thôn theo mô hình mới như đô thị nông nghiệp, đô thị gắn với vùng sản xuất đặc thù…
Ba là tập trung nguồn lực phát triển các đô thị làm động lực phát triển của vùng như đô thị trung tâm, đô thị biển đảo du lịch, đô thị biên giới, đô thị nông thôn đặc thù.
ĐBSCL có rất nhiều điều kiện để phát triển. Trong đó xác định TP Cần Thơ là đô thị trung tâm, là động lực tạo tương tác phát triển. Các đô thị cực phát triển là đô thị biển, đô thị du lịch, đô thị biên giới…
Bốn là tập trung nguồn lực đầu tư để cải thiện chất lượng hạ tầng đô thị, chất lượng sống của nhân dân đô thị, nông thôn vùng ĐBSCL. Hiện nay đây là hạn chế của cả nước cũng như của vùng, vì vậy đề nghị các bộ, ngành quan tâm trong chuỗi hình thành phát triển đô thị của vùng thì cũng quan tâm cải thiện hạn chế này.
Năm là phân bổ nguồn lực rõ hơn trong các chương trình phát triển đô thị để đảm bảo định hướng phát triển đô thị gắn với nguồn lực phát triển đô thị của vùng.
Phú Quốc thành TP đảo đầu tiên của Việt Nam Trước đó, vào chiều 9-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí việc thành lập TP Phú Quốc và các phường thuộc TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. TP Phú Quốc được thành lập trên cơ sở toàn bộ 589,27 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 179.480 người của huyện Phú Quốc Sau khi thành lập, TP Phú Quốc có chín đơn vị hành chính cấp xã gồm phường Dương Đông, phường An Thới và bảy xã gồm Hàm Ninh, Dương Tơ, Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Dương, Cửa Cạn, Thổ Châu. |