Mở đầu buổi đối thoại với đối tác tài xế ở TP HCM chiều 10-12 liên quan đến những tranh cãi về thuế, giá cước và chiết khấu gần đây, bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, nói đây là sự việc đầy đáng tiếc trong bối cảnh một năm khó khăn bởi dịch bệnh, thiên tai.
Bà Hải Vân cho rằng việc áp dụng Nghị định 126/2020-NĐ-CP lên mô hình kinh doanh hợp tác là không phù hợp, dẫn đến việc phải tăng giá cước. Nghi định này áp thuế của mô hình kinh doanh vận tải cho mô hình hợp tác chia sẻ doanh thu. Khi góp ý cho dự thảo nghị định, Grab đã đề xuất giữ nguyên chính sách hiện tại hoặc áp dụng thuế GTGT đầu ra 10% cùng với cho phép khấu trừ thuế GTGT đầu vào cố định là 7% doanh thu. Tuy nhiên, Grab không nhận được ý kiến, hướng dẫn thực hiện phù hợp với mô hình kinh doanh.
Các đối tác tái xế và lãnh đạo Grab đối thoại với nhau vào chiều nay 10-12 tại TP HCM. Ảnh: Thùy Dương
Trong phần đối thoại, Grab lần lượt trả lời nhiều câu hỏi của đối tác tài xế liên quan đến tính thuế, chiết khấu…
Câu hỏi đầu tiên, thuế GTGT 10% áp dụng lên khách hàng, Grab hay tài xế? Đại diện Grab cho biết việc áp thuế GTGT ảnh hưởng đến cả 3 bên, gồm Grab, đối tác tài xế và người tiêu dùng. Việc áp dụng mức thuế này phải làm sao hợp lý nhất để khách hàng chấp nhận và không rời đi.
Câu hỏi thứ hai, tại sao lại áp dụng thuế GTGT 10% lên đối tác Grab? Nếu thuế GTGT đánh vào người tiêu dùng, Grab chỉ thu hộ, vậy tại sao thu nhập của đối tác bị ảnh hưởng?
Đại diện Grab trả lời hơn 3 năm nay, hãng không hề điều chỉnh giá cước dù chi phí thay đổi nhiều vì tăng giá cước chỉ có lợi cho Grab và tài xế nhưng không có lợi cho khách hàng. Việc điều chỉnh cước lần này, Grab lý giải là do hướng dẫn thuế GTGT theo Nghị định 126 khiến cả 3 bên đều bị ảnh hưởng. Và thực tế, thuế GTGT là loại thuế mà người sử dụng dịch vụ cuối cùng phải trả theo quy định.
Về việc liệu có phải Grab bắt tài xế phải gánh cả phần thuế của công ty khi khấu trừ thuế GTGT trên mỗi cuốc xe, đại diện Grab khẳng định là "không". Phần doanh thu của Grab phải đóng thuế 10% và doanh nghiệp đã thực hiện nộp thuế nghiêm túc theo đúng quy định luật pháp. Việc cân nhắc điều chỉnh cước là bởi nếu Grab đóng cả phần thuế của khách hàng thì phần thuế GTGT mà doanh nghiệp phải đóng sẽ tăng lên tới 50%, việc này là sai quy định. "Đây là mối quan hệ kiềng 3 chân. Quyền lợi cả 3 bên đều phải đạt mới duy trì được" - đại diện Grab nhấn mạnh.
Từ đầu cầu Đà Nẵng, đối tác tài xế đặt câu hỏi về thuế TNCN. Theo tài xế, thu nhập trên 9 triệu/tháng, cá nhân mới phải nộp thuế, vậy tại sao mức thuế đối tác tài xế phải chịu lại là 1,5% trên toàn bộ thu nhập nếu như thu nhập trên 100 triệu đồng? Grab trả lời rõ cách tính TNCN cho phần thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng là dành cho người lao động nhận tiền lương, tiền công; còn tài xế Grab là cá nhân - đối tác kinh doanh thì phải chịu thuế theo quy định dành cho hoạt động kinh doanh, tức phải nộp thuế 1,5% trên toàn bộ thu nhập nếu thu nhập trên 100 triệu đồng.
Trước nhiều băn khoăn từ phía đối tác tài xế, Grab khẳng định tài xế chỉ bị ảnh hưởng 1%-2% sau sự điều chỉnh này, có thể nói là mức thấp nhất trong khả năng hiện nay. Ngoài giá cước cố định, hãng còn có chính sách giá cước linh động, thưởng… để hỗ trợ thêm cho tài xế. Grab cũng đầu tư mạnh nhằm đưa ra chương trình kích cầu của khách hàng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, bởi có khách hàng thì Grab và tài xế mới có thể tồn tại được.
Nhấn mạnh doanh nghiệp luôn tuân thủ pháp luật, đại diện Grab nói: "Nếu không tuân thủ pháp luật, chắc chắn Grab không tồn tại từ trước cho đến hôm nay".