Một bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất (Q.Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Nhân dân 115, nếu như cách đây khoảng 10 năm, tỉ lệ bệnh nhân bị đột quỵ có bệnh nền đái tháo đường tại bệnh viện chiếm khoảng 10-15%, thì đến nay con số này chiếm trên 20-25%.
Sát thủ thầm lặng
PGS Thắng phân tích, việc tăng đường huyết ở người đái tháo đường sẽ làm tổn thương mạch máu và đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch, tăng tích tụ các mảng xơ vữa trong lòng mạch, gây tắc nghẽn, từ đó có thể gây đột quỵ.
Những người mắc đái tháo đường thường kèm theo bệnh cao huyết áp, mà huyết áp là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ nên quá trình xơ vữa động mạch diễn ra nhanh hơn, làm mạch máu bị tắc nghẽn, đột quỵ dễ xảy ra.
Điều lo ngại khi đái tháo đường thường không có triệu chứng. Nhiều bệnh nhân không biết mình bị đái tháo đường, chỉ tình cờ biết khi khám sức khỏe tổng quát, xét nghiệm máu.
"Đái tháo đường được xem như một sát thủ thầm lặng. Đó là lý do tại sao chúng ta đừng chờ đến lúc có triệu chứng mới tầm soát đột quỵ mà hãy tầm soát ngay khi chưa có triệu chứng" - PGS Thắng nhấn mạnh.
Để phòng đột quỵ ở người đái tháo đường cũng như những người có bệnh lý nền, PGS Thắng khuyến cáo người bệnh cần kiểm soát đường huyết và kiểm tra sức khỏe định kỳ 2-3 lần/năm.
Đối với người thể trạng bình thường chỉ cần kiểm tra sức khỏe định kỳ 1 lần/năm. Bên cạnh đó người dân cần hạn chế hút thuốc lá, rượu bia, tập thể dục đều đặn, chế độ ăn uống lành mạnh...
Làm sao nhận biết bị đột quỵ?
Các tài liệu y khoa cho biết, nguy cơ bị đột quỵ từ 90-95% khi xuất hiện ít nhất 1 trong 3 nhóm dấu hiệu F.A.S.T:
1. Liệt mặt (Face): Miệng bị lệch sang một bên, nếp nhăn mũi - má mờ.
2. Yếu, liệt tay (Arm) hoặc chân: Không thể cầm, nắm, đi lại.
3. Rối loạn ngôn ngữ (Speech): Đột ngột rối loạn lời nói, không nói được hoặc lời nói không rõ... như bình thường trước đó.
4. Thời điểm phát bệnh (Time): Khi gặp những triệu chứng trên, cần gọi cấp cứu ngay. Người bệnh cần ghi nhớ thời điểm phát bệnh để thông báo với nhân viên y tế.
Theo hướng dẫn của Hiệp hội Đột quỵ thế giới (WSO), "giờ vàng" của bệnh nhân đột quỵ là 4,5 giờ. Tốt nhất bệnh nhân bị đột quỵ cấp cần được đưa đến bệnh viện trong vòng 30 phút, được xem là thời gian "kim cương".
Lưu ý vị trí tập thể dục
Theo bác sĩ Phan Vương Huy Đổng - phó chủ tịch Hội Y học thể thao TP.HCM, người dân có thể lựa chọn tập thể dục trong nhiều môi trường không gian khác nhau nhưng cần đảm bảo thông thoáng, an toàn, có nhiều người.
Việc đi bộ trong cầu thang thoát hiểm tại các chung cư, tòa nhà cao tầng... vô tình gây nguy hiểm cho chính người tập, đặc biệt là người có bệnh lý nền khi nơi đây thường không có hoặc rất ít người qua lại, thoáng khí kém.
"Nếu sức khỏe người tập gặp nguy hiểm, chẳng hạn đột quỵ xảy ra thì khả năng cứu sống rất thấp, thậm chí tử vong nếu không ai phát hiện sau vài giờ gặp tai nạn" - bác sĩ Đổng nói.
Bác sĩ Đổng cho biết việc đi cầu thang bộ theo hướng từ dưới lên sẽ tốn nhiều lực hơn so với chiều ngược lại. Nếu vẫn chọn thang bộ là nơi tập thì đó phải là nơi thoáng khí, có nhiều người qua lại hay có camera giám sát và ưu tiên tập theo hướng từ trên xuống dưới.
Đối với người lớn tuổi, người có bệnh lý nền (huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, loãng xương...), việc đi thang bộ sẽ tạo ra áp lực rất lớn đến tim mạch, hệ cơ xương khớp, đặc biệt là khớp gối, cổ chân, háng và lưng.
Vì thế, khi có dấu hiệu mệt, hơi mệt hay đau nhức các khớp xương, cần ngưng tập và xin trợ giúp. Nếu cố gắng có thể xảy ra đột quỵ khi tim mạch ngoài khả năng chịu đựng.
Nhiều bệnh nhân đột quỵ còn trẻ
Ông Mai Duy Tôn - giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai - cho hay các bệnh lý tim mạch, béo phì, rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, dị dạng mạch máu não... cũng là các bệnh lý nền dễ dẫn đến đột quỵ ở người trẻ. Bệnh viện Bạch Mai đã gặp những ca tử vong liên quan đột quỵ ở người dưới 40 tuổi.
"Hiện nay có nhiều phương pháp phát hiện đột quỵ sớm bằng đánh giá các yếu tố nguy cơ, trước đây do chưa có đủ điều kiện nên chưa tiến hành được, như xét nghiệm về gen, như người trong gia đình đã có người thân bị đột quỵ thì có thể xét nghiệm gen các thành viên trong gia đình để sàng lọc sớm"- ông Tôn nói.
Bác sĩ Tôn cho biết trong số các ca tử vong do đột quỵ ở nhóm trẻ tuổi, có cả những trường hợp là thầy thuốc. Nguyên nhân của nhiều ca bệnh trong số này liên quan đến bất thường mạch máu não, mạch máu vỡ gây chảy máu dưới nhện, khi vào cấp cứu máu đã chảy ra các vùng não và gây ngừng tim trước khi đến được bệnh viện.
Qua ước tính ban đầu, bác sĩ Tôn cho hay số ca đột quỵ ở lứa tuổi trẻ có xu hướng gia tăng.
L.ANH
Nhắm mắt, đứng một chân không phản ánh được bệnh đột quỵ
PGS Thắng cho biết, phong trào "đứng giữ thăng bằng một chân" xuất phát từ nghiên cứu tại Nhật Bản, công bố trên tạp chí Stroke Journal năm 2014 với mẫu nghiên cứu là 1.400 người, độ tuổi trung bình 67.
Kết quả cho thấy việc không thể giữ thăng bằng với một chân quá 20 giây có liên quan đến việc suy giảm nhận thức và các tổn thương não không triệu chứng do tổn thương mạch máu nhỏ.
Về mặt khoa học, các tổn thương do mạch máu nhỏ này chưa thể được xem là đột quỵ não thật sự mà chỉ đơn thuần phản ánh tình trạng xơ vữa mạch máu nhỏ, mà gần như không thể tránh khỏi khi con người trên 60 tuổi, đặc biệt nếu đi kèm với bệnh nền tăng huyết áp hay đái tháo đường.
Theo ông Thắng, nghiên cứu trên chỉ thực hiện trên một nhóm dân số lớn tuổi (67) Nhật Bản có kèm theo nhiều bệnh nền, không được khảo sát khả năng này trước đó, do vậy để nâng lên mức khuyến cáo cần phải kiểm định lại trên các nhóm dân số khác ngoài Nhật Bản.
THU HIẾN
TTO - Thời gian 'vàng' để cứu sống bệnh nhân đột quỵ là 4,5 giờ và 'kim cương' là 30 phút. Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ bị tàn phế nặng, thậm chí tử vong.
Xem thêm: mth.69810412201210202-yuq-tod-ib-ed-gnoud-oaht-iad-iougn/nv.ertiout