Hãng tin Reuters dẫn nguồn từ Cơ quan Tình báo Hà Lan (AIVD) cho biết nước này đã yêu cầu trục xuất hai nhà ngoại giao Nga với cáo buộc gián điệp công nghệ cao.
Theo AIVD, hai nhà ngoại giao thực chất làm việc cho Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR). Một trong số đó được cho là đã "thiết lập quan hệ với những người có quyền tiếp cận với các thông tin mật trong lĩnh vực công nghệ cao", và đôi khi dùng tiền để đổi lấy thông tin.
Đại sứ quán Nga tại Hague. Ảnh: ANP
"Viên chức tình báo Nga muốn có thêm thông tin về trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn và công nghệ nano. Phần nhiều trong số đó có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự" - AIVD cho biết.
Cơ quan tình báo Hà Lan cũng cho biết thêm cá nhân còn lại "đóng vai trò hỗ trợ". Cả hai hiện đã bị Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố là "người không được chào đón" (persona non grata) và yêu cầu phải rời khỏi Hà Lan.
Hãng thông tấn Nga Interfax dẫn lời đại sứ quán Nga tại Hague cho biết Hà Lan chưa đưa ra bất kỳ bằng chứng nào chứng minh cho hành động sai trái của các nhà ngoại giao Nga.
Thêm vào đó, Interfax cũng trích lời ông Leonid Slutsky - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga - cho biết nước này cũng sẽ đưa ra phản hồi "đầy đủ và kịp thời" đối với việc nhà ngoại giao bị trục xuất.
Vụ việc này làm dấy lên quan ngại về leo thang căng thẳng giữa hai nước, vốn đã nhiều sóng gió sau khi Hà Lan quyết định xét xử 3 cá nhân có quốc tịch Nga vì bắn rơi máy bay MH-17 của hãng Malaysia Airlines, khiến cho gần 300 người, trong đó có 196 hành khách quốc tịch Hà Lan tử nạn.
Trước đó, vào năm 2018, Hà Lan đã trục xuất 4 người Nga với cáo buộc làm gián điệp tấn công Tổ chức Cấm vũ khí hóa học ở Hague.
AIVD cho rằng Hà Lan là một trong những mục tiêu hấp dẫn cho và dễ tổn thương trước các hoạt động tình báo công nghệ cao bởi vì nước này là một trong những nước phát triển nhất thế giới về kinh tế, khoa học và kỹ thuật.
Với phi vụ gián điệp thứ hai bị phát hiện, chính phủ Hà Lan hiện đã cân nhắc cách để khiến gián điệp nước ngoài bị trừng phạt, AIVD cho biết thêm.