Nhập khẩu tăng nhanh - tín hiệu vui cho nền kinh tế
Mai Khanh
(TBKTSG) - Nhập khẩu tăng chậm hơn tốc độ tăng xuất khẩu giúp Việt Nam có thặng dư thương mại trên 20 tỉ đô la Mỹ trong 11 tháng qua, nhưng với Việt Nam đây lại là dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp đang rất khó khăn. Vì vậy, khi nhập khẩu tăng trở lại thì đó lại là tín hiệu vui.
Dây chuyền sản xuất của Foxconn. Ảnh: fortune.com |
Nhập khẩu tăng nhanh trở lại
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11-2020 đạt khoảng 24,2 tỉ đô la, mặc dù giảm 0,5% so với tháng trước nhưng đã tăng tới 13,4% so với cùng kỳ của năm 2019. Lũy kế 11 tháng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt khoảng 234,5 tỉ đô la, tăng 1,6% so với cùng kỳ của năm 2019.
Như vậy, sau khi có sáu tháng liên tục giảm thì nhập khẩu chính thức tăng trưởng dương trở lại trong tháng 10 và 11.
Nhập khẩu đã có xu hướng sụt giảm mạnh trong những tháng trước do các doanh nghiệp không nhận thêm được đơn hàng mới cũng như không chắc chắn về kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh trong năm 2020. Lượng hàng xuất khẩu trong thời gian này đều sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu tồn kho hiện có.
Vì vậy mà kim ngạch nhập khẩu đã liên tục sụt giảm mạnh từ tháng 4 đến tháng 9 vừa qua. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến cho thặng dư thương mại của Việt Nam đạt mức cao đột biến.
Nhập khẩu tăng trở lại được xem là một tín hiệu vui cho nền kinh tế, bởi trong cơ cấu thương mại của Việt Nam thì kim ngạch xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tỷ trọng gần 70%. Ngoài ra, gần như toàn bộ các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Do đó, nhập khẩu tăng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp đang chuẩn bị mở rộng hoạt động kinh doanh cũng như chuẩn bị nguồn nguyên liệu đầu vào để phục vụ cho quá trình sản xuất sắp tới.
Thặng dư thương mại sẽ giảm dần
Số liệu của Tổng cục Thống kê còn cho thấy cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam chỉ thặng dư khoảng 600 triệu đô la Mỹ trong tháng 11. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân khoảng 2 tỉ đô la của 10 tháng trước đó. Cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 12 và các tháng tiếp theo được dự báo sẽ giảm dần và có thể thâm hụt.
Có hai nguyên nhân chính có thể dẫn tới kết quả này. Thứ nhất, như đã chỉ ra ở trên, nhập khẩu đang có xu hướng tăng nhanh trở lại, từ mức âm 4,8% vào tháng 4 đã tăng lên mức 1,6% vào tháng 11. Xu hướng này có thể tiếp tục diễn ra khi mà hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đều đang dần được phục hồi.
Tính tới hết tháng 11, đã có bốn nhóm mặt hàng có giá trị nhập khẩu cao hơn và một nhóm ngang bằng với số liệu cùng kỳ năm 2019. Trong đó, máy vi tính và sản phẩm điện tử đạt mức tăng trưởng cao nhất, lên tới 22% so với cùng kỳ năm trước.
Nhập khẩu tăng nhanh dẫn tới xuất khẩu của nhóm hàng này cũng đạt mức tăng 25,2% trong 10 tháng của năm 2020. Đáng lưu ý khi mặt hàng máy móc, thiết bị đã lần đầu đạt mức ngang bằng với cùng kỳ của năm 2019.
Thứ hai, cũng là hệ quả của đại dịch Covid-19, lần đầu tiên giải ngân nguồn vốn FDI đến hết tháng 11 giảm 2,3% so với cùng kỳ của năm 2019. Tuy nhiên, sang năm 2021 nguồn vốn FDI vào Việt Nam được dự báo sẽ tăng nhanh trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.
Đặc biệt, gần đây liên tiếp xuất hiện thông tin về việc Foxconn đang triển khai xây dựng nhà máy để sản xuất iPad và MacBook của Apple. Giải ngân FDI tăng đồng nghĩa với việc nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu cũng sẽ tăng. Do vậy, cán cân thương mại có thể phải đối mặt với nguy cơ thâm hụt trong những tháng sắp tới.
Kinh tế hứa hẹn tăng trưởng mạnh trở lại trong năm 2021
Nhập khẩu hàng hóa tăng cao nhưng chủ yếu là nhập khẩu tư liệu sản xuất, tức là các sản phẩm này sẽ phục vụ cho quá trình sản xuất ra hàng hóa trong tương lai. Do vậy mà trong cuộc họp thường kỳ tháng 11 vừa qua, Chính phủ đã bày tỏ sự vui mừng khi nhận thấy nhập khẩu đã tăng trở lại.
Đặc biệt khi nhóm hàng máy móc, thiết bị đã không còn tăng trưởng âm. Bởi đây là mặt hàng rất quan trọng, nó cho thấy các doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai xây dựng nhà máy mới cũng như mở rộng sản xuất kinh doanh sau gần một năm nền kinh tế bị tàn phá bởi đại dịch Covid-19.
Thông tin về việc Foxconn chuyển một phần dây chuyền sản xuất iPad, MacBook sang Việt Nam cùng với những kế hoạch mới của các công ty chuyên cung cấp sản phẩm, linh kiện cho Apple như Pegatron, Luxshare hay Goertek đang cho thấy Việt Nam sẽ trở thành một phần quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu của Apple.
Chưa biết giá trị của chuỗi giá trị này như thế nào nếu so với quy mô của Samsung tại Việt Nam, nhưng một điều chắc chắn là thương hiệu của Apple sẽ kéo theo nhiều doanh nghiệp khác đến Việt Nam. Do vậy mà kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh trở lại trong năm 2021.
Mục tiêu tăng trưởng GDP mà Chính phủ trình Quốc hội thông qua vào tháng 11 vừa qua được xem là kịch bản rất thận trọng, chỉ ở mức 6,5%. Rất nhiều tổ chức khác đưa ra con số từ 7-7,5%. Những dự báo của các tổ chức quốc tế phần nào được giới đầu tư trên thị trường chứng khoán ủng hộ khi chỉ số VN-Index đã vượt qua mức so với trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19.
Xem thêm: lmth.et-hnik-nen-ohc-iuv-ueih-nit--hnahn-gnat-uahk-pahn/515113/nv.semitnogiaseht.www