Sau khi Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (ảnh) cầm quyền, ông Najib Razak mới bị bắt và ra tòa - Ảnh: Reuters
Che đậy tham nhũng không làm tham nhũng biến mất nhưng bảo đảm chúng sẽ tái diễn.
TS JON ST QUAH
Trong vụ rút ruột quỹ đầu tư 1MDB ở Malaysia, cựu thủ tướng Najib Razak (2009-2018) chỉ bị bắt giữ sau khi Thủ tướng Mahathir Mohamad lên cầm quyền sau tổng tuyển cử tháng 5-2018, và ra tòa xét xử vào tháng 4-2019.
TS Jon ST Quah ở Đại học Quốc gia Singapore đã nêu ví dụ này trong nghiên cứu với tiêu đề Các vụ bê bối tham nhũng ở sáu nước châu Á: phân tích so sánh để nhấn mạnh đến ý chí chính trị trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Public Administration and Policy số đặc biệt ngày 15-5-2020 (tạp chí do Hiệp hội Hành chính công Hong Kong và Đại học Bách khoa Hong Kong đồng tài trợ).
Không điều tra đến nơi đến chốn
TS Jon ST Quah xác định bài học đầu tiên và quan trọng nhất là phản ứng của chính phủ đối với các vụ bê bối tham nhũng không chỉ phản ánh ý chí chính trị, mà còn thể hiện mức độ nhận thức tham nhũng trong khu vực công.
Vụ tham nhũng quỹ 1MDB thể hiện rõ Najib Razak lúc còn đương chức thủ tướng đã lợi dụng hệ thống quản lý thiếu sót để rút ruột công quỹ.
Tuy nhiên, vụ án không được xử lý từ đầu vì Najib Razak là người dính líu đến vụ án lại giữ chức thủ tướng.
Najib Razak cách chức một số bộ trưởng để ngăn chặn ai muốn phanh phui sự thật, can thiệp vào quá trình điều tra của Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia (MACC) và Cục Kiểm toán quốc gia, không thực thi các quy định về phòng chống rửa tiền của tổ chức liên chính phủ Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FATF - trực thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế).
Đến nay, do bận bịu xét xử cựu thủ tướng Najib Razak và thu hồi tiền bạc bị thất thoát, Chính phủ Malaysia lại chưa tiến hành cải cách thích hợp để giải quyết tận gốc nguyên nhân tham nhũng.
Hai chuyên gia Nur Shafiqa Kapeli và Nafsiah Mohamed (Malaysia) kết luận nỗ lực chống tham nhũng ở Malaysia sẽ khó hiệu quả vì thiếu ý chí chính trị, các sáng kiến giải quyết tận gốc tham nhũng gặp thất bại do trùng lặp và không được công chúng hỗ trợ.
Bài học thứ hai là chính phủ phải tấn công vào nguyên nhân dẫn đến tham nhũng nói chung và các vụ án tham nhũng nói riêng. Tại Philippines có hai vụ án tham nhũng liên quan đến phê duyệt dự án cơ sở hạ tầng lớn không qua đấu thầu công khai.
Vụ thứ nhất liên quan đến Herminio Disini, bạn chơi golf của tổng thống Ferdinand Marcos (năm 1965-1986) và là bà con dòng họ của phu nhân tổng thống.
Disini nhận khoản huê hồng đáng kể của Công ty điện lực Westinghouse để tổ chức một cuộc họp để tổng thống Marcos nhất trí phê duyệt dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Bataan (BNPP) vào tháng 6-1976 bất chấp các quy định mua sắm công. Chi phí ban đầu 1,1 tỉ USD đã đội lên 2,1 tỉ USD sau khi dự án hoàn thành.
Trong vụ thứ hai, ngày 21-4-2007 tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo (năm 2001-2010) đã phê duyệt đề xuất cho Công ty thiết bị viễn thông Trung Hưng của Trung Quốc (ZTE) phát triển dự án mạng băng thông rộng quốc gia (NBN) bằng khoản vay 329 triệu USD từ ngân hàng Trung Quốc. Sau khi thượng viện điều tra về nghi vấn chủ tịch Ủy ban bầu cử Benjamin Abalos làm môi giới "thổi giá" dự án, tổng thống Arroyo đã đình chỉ dự án.
Tháng 4-2012, tòa án chống rửa tiền kết án Disini phải trả lại 50 triệu USD tiền huê hồng từ dự án BNPP nhưng Disini đã chết vào tháng 6-2014 trong khi chưa trả lại tiền. Trong khi đó, tòa án nhận định không đủ chứng cứ quy kết tổng thống Marcos, chủ tịch Ủy ban bầu cử Abalos và Mike Arroyo - phu quân tổng thống Arroyo - nhận huê hồng môi giới.
TS Eric Batalla ở Đại học La Salle (Philippines) đánh giá khi hai vụ bê bối nêu trên bị báo chí phanh phui, Chính phủ Philippines sẵn sàng thừa nhận hai dự án kể trên đều được tổng thống phê duyệt theo đề xuất của các nhà môi giới chứ không qua đấu thầu công khai.
Dù vậy, tỉ lệ kết án còn thấp bởi lẽ Ủy ban tổng thống về chính phủ trong sạch (PCGG trực thuộc Bộ Tư pháp) xử lý chứng cứ không đúng cách và Văn phòng Thanh tra (OMB) kém năng lực trong công tác điều tra.
TS Jon ST Quah kết luận hai cơ quan OMB và PCGG chỉ như "con hổ giấy" bởi không đủ uy tín, thiếu thốn nhân sự, quyền hạn và nguồn lực cần thiết.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng tuyên bố bất kỳ ai tham nhũng sẽ bị bắt giữ dù là công chức cao cấp đến đâu - Ảnh: AFP
Đề ra giải pháp ngăn chặn tham nhũng tái diễn
TS Jon ST Quah ghi nhận Singapore là quốc gia châu Á ít tham nhũng nhất căn cứ chỉ số cảm nhận tham nhũng CPI từ năm 1995-2019. Nguyên nhân: khác với Malaysia, Chính phủ Singapore đã thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ thông qua công tác điều tra và trừng phạt những kẻ tham nhũng mà không hề che đậy bê bối.
Tại Singapore đã xảy ra hai đại án tham nhũng. Vụ đầu tiên liên quan đến bộ trưởng phát triển quốc gia Teh Cheang Wan. Ngày 2-12-1986, Cục Điều tra hành vi tham nhũng (CPIB) đã thẩm vấn Wan liên quan đến hai đơn kiện Wan đã nhận hối lộ 1 triệu đôla Singapore (736.000 USD) từ nhà thầu xây dựng.
Nửa tháng sau Wan tự sát trước khi có thể bị truy tố ra tòa. Vụ thứ hai liên quan đến trợ lý giám đốc CPIB Edwin Yeo bị truy tố vào tháng 7-2013 vì chiếm đoạt 1,76 triệu đôla Singapore (1,3 triệu USD) từ năm 2008-2012. Yeo nhận tội và bị kết án 10 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm và giả mạo trong công tác.
Chính phủ Singapore đã phân tích nguyên nhân dẫn đến hai vụ tham nhũng trên và đề ra các giải pháp cải cách thích hợp nhằm ngăn chặn tham nhũng tái diễn. Trước đây, Luật phòng chống tham nhũng Singapore không quy định tịch thu tài sản của người phạm tội tham nhũng. Chính phủ đã ban hành luật mới để bịt lỗ hổng này.
Cựu trợ lý CPIB Edwin Yeo mê bài bạc đã lợi dụng tình hình kiểm soát nội bộ yếu kém của CPIB để lấy tiền đánh bạc. Tháng 3-2013, theo chỉ đạo của thủ tướng, Hội đồng Đánh giá độc lập (IRP) được thành lập để điều tra nguyên nhân dẫn đến hành vi sai trái của Yeo. IRP kết luận do công tác giám sát thiếu hiệu lực nên tạo điều kiện cho Yeo phạm tội, từ đó đề nghị tăng cường siết chặt thủ tục tài chính và hệ thống kiểm toán của CPIB.
Hai giám đốc CPIB đã bị Văn phòng Thủ tướng gửi thư cảnh cáo vì không giám sát Yeo. Thủ tướng Lý Hiển Long đã bổ nhiệm một giám đốc CPIB mới để thực hiện các khuyến nghị của IRP.
Ngoài ra, Ủy ban Dịch vụ công thông báo từ ngày 1-10-2013, tất cả công chức phải khai báo những lần đến sòng bạc. Tháng 1-2014, Bộ Tài chính xây dựng quy tắc đạo đức trong mua sắm chính phủ, tiêu chuẩn ứng xử chuyên nghiệp dành cho các cán bộ phụ trách mua sắm chính phủ và giới thiệu một hệ thống báo cáo mới để giảm tối đa sai sót trong mua sắm chính phủ.
Thủ tướng Lý Hiển Long đã từng tuyên bố lập trường cứng rắn trong đấu tranh chống tham nhũng: Bất kỳ ai vi phạm sẽ bị bắt giữ và trừng phạt mà không hề giấu giếm, bất kể công chức đó cao cấp đến đâu hoặc phải chịu xấu hổ đến mức nào.
Ông nhấn mạnh: "Tốt hơn hết là chịu đựng xấu hổ và giữ cho hệ thống trong sạch hơn là giả vờ không có gì sai rồi để mục ruỗng lan rộng".
TS Jon ST Quah kết luận khi một chính phủ quyết định che đậy vụ bê bối tham nhũng thay vì tiến hành điều tra, trừng phạt người phạm tội và cải cách để giải quyết nguyên nhân tham nhũng, có thể dự đoán các hậu quả nghiêm trọng sẽ xảy ra là tham nhũng sẽ phát tán như căn bệnh ung thư, vì những kẻ tham nhũng có thể tiếp tục sai trái mà không lo bị trừng phạt và nhiều công dân sẽ bắt chước làm theo.
Ông nhấn mạnh: "Che đậy tham nhũng không làm tham nhũng biến mất nhưng bảo đảm chúng sẽ tái diễn".
Bài học cuối cùng trong cuộc chiến chống tham nhũng là không có quốc gia nào miễn nhiễm với tham nhũng, kể cả Đan Mạch và New Zealand vốn là hai quốc gia chia sẻ vị trí đứng đầu trong 180 quốc gia về chỉ số CPI năm 2019. Tại Đan Mạch đã từng xảy ra hai vụ tham nhũng lớn trong năm 2018, gồm vụ rửa tiền tại chi nhánh Ngân hàng Danske ở Estonia và vụ tham ô tài sản tại trụ sở Bộ Trẻ em và xã hội.
TTO - Mua nhà cửa ở Mỹ thông qua công ty vô danh chỉ là một trong vài chục mánh khóe rửa tiền tinh vi. Quan chức tham nhũng làm mọi cách để hợp thức hóa tiền tham nhũng, từ rửa tiền trong sòng bạc đến lợi dụng hoạt động ngân hàng.