Chia sẻ trên báo chí, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho hay, trong bối cảnh thị trường như hiện nay, rót tiền vào vàng, BĐS hay chứng khoán tùy thuộc vào "khẩu vị" rủi ro của mỗi NĐT. Có những NĐT sợ rủi ro thì gửi tiền tiết kiệm vẫn là kênh được ưu tiên số một. Còn đối với những NĐT ưa mạo hiểm, chấp nhận rủi ro cao, sẽ có lựa chọn đầu tư riêng.
Còn để cân bằng nhất, NĐT nên chia "trứng bỏ vào nhiều giỏ", khi thấy rủi ro tăng lên ở kênh nào, cần chuyển hướng đầu tư sang kênh khác có tính an toàn cao hơn, như vậy sẽ giúp NĐT hạn chế thấp nhất rủi ro khi đầu tư trong bối cảnh bất ổn do dịch bệnh như hiện nay.
"Đối với kênh đầu tư BĐS, đối với những NĐT có nguồn tài chính lớn có thể cân nhắc đầu tư. Nhưng như trên tôi đã phân tích, để thành công NĐT nên chọn những phân khúc hướng tới nhu cầu thực của người tiêu dùng, phân khúc có tính thanh khoản cao", TS Hiếu nói.
Còn chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, với nỗ lực thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ, BĐS sẽ là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất.
Ông Lực nhìn nhận, hiện lãi suất vay mua nhà tương đối hấp dẫn. Nhiều ngân hàng tung ra các gói cho vay BĐS kỳ hạn 9 năm trở xuống với lãi suất chỉ từ 7 - 9%/năm. Về phân khúc đầu tư, sản phẩm ngôi nhà thứ hai và BĐS nhà ở vẫn có triển vọng cao bởi tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam là 39% và Chính phủ đặt mục tiêu tăng tỷ lệ này lên 50 - 52% vào năm 2030 nên nhu cầu nhà ở tại Việt Nam còn rất lớn.
Vị chuyên gia này đưa ra nguyên tắc quan trọng và chi phối quyết định của nhà đầu tư chính là khẩu vị rủi ro. Nhà đầu tư nào chấp nhận rủi ro cao sẽ có khả năng thu lợi nhuận lớn, nếu có thiên hướng an toàn cao thì có thể lợi nhuận sẽ ở mức vừa phải.
Một cách tổng quát, ông Lực đưa ra 4 nguyên tắc đầu tư. Đó là, "Đầu tư nhìn theo hướng trung và dài hạn bởi lướt sóng hay đầu cơ ở thời điểm này là rất khó; Không theo phong trào; Không dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều; Đa dạng hóa kênh đầu tư, bỏ trứng vào nhiều giỏ".
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng nhận định, nhìn bình diện chung thì đầu tư BĐS giai đoạn này có cơ hội tốt, nhưng việc lựa chọn sản phẩm nào phụ thuộc nhiều vào túi tiền của nhà đầu tư.
Theo ông Đính, nếu có ít tiền và thận trọng thì tiết kiệm ngân hàng là kênh phù hợp. Trường hợp có nhiều tiền hơn một chút, nhưng không chắc chắn có thể đầu tư trong trung dài hạn thì nên xem xét những kênh có thể thanh khoản dễ dàng hơn như vàng, chứng khoán. Nếu có ý định đầu tư vào BĐS, nhà đầu tư cần có một khoản tiền nhàn rỗi đủ lớn và phải xác định một chu kỳ đầu tư vài ba năm trở lên.
"BĐS vẫn là kênh đầu tư sinh lợi tốt, an toàn. Về yếu tố sinh lợi thông qua giá trị, thực tế thị trường nhiều năm qua cho thấy, cứ sau mỗi cuộc khủng hoảng, giá BĐS lại tăng lên và vượt mặt bằng giá cũ ít nhất là từ 5 - 7%", ông Đính cho hay.
Trong khi đó, theo bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn CBRE Việt Nam, phân khúc BĐS nhà ở sẽ tiếp tục xu hướng tích cực. Cụ thể, giá chào bán BĐS tại Tp.HCM hay Hà Nội đều đã tăng mạnh trong các năm qua do cung thấp hơn cầu.
Giá chào bán sơ cấp bình quân nhà phố xây sẵn tại Tp.HCM đang cao hơn khoảng 23% so với khu vực Đồng Nai (chủ yếu tại huyện Long Thành và Nhơn Trạch). Do đó, nguồn cung, giá chào bán, chính sách thanh toán lẫn tiềm năng tăng giá ở các dự án vùng ven và tỉnh lân cận đang hấp dẫn hơn ở các dự án tại các thành phố lớn.
Tuy nhiên, bà Thanh cho rằng, NĐT cần tính toán thận trọng hơn khi sử dụng vốn trong những tháng cuối năm nay để có sự chủ động về dòng tiền. Đặc biệt, tránh bỏ trứng vào một giỏ và cân nhắc đầu tư trung dài hạn hơn là lướt sóng. Đặc biệt lưu ý, với bối cảnh hiện nay, bảo toàn vốn là yếu tố rất quan trọng.
Hạ Vy
Nhịp sống kinh tế