"Tuy nhiên đây không phải là tình tiết giảm nhẹ", VKS nêu trong phần luận tội vào sáng 11/12 tại Tòa án Quân sự Trung ương và đề nghị HĐXX xem xét khi ra bản án phúc thẩm.
VKS Quân sự Trung ương thông báo không chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của cựu đô đốc nhưng đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo này.
Ông Hiến được VKS đánh giá có nhiều đóng góp cho quân đội, Tổ quốc hơn những bị cáo khác. Giai đoạn 1976-2011, ông có thành tích "đặc biệt xuất sắc", góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước. Trong thời gian công tác, bị cáo nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về cụm công trình các giải pháp về khoa học công nghệ trong quy hoạch thiết kế xây dựng cụm chiến đấu trên quần đảo Trường Sa.
Tại phiên sơ thẩm ngày 21/5, Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân tuyên phạt ông Hiến 4 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Với 6 người còn lại, VKS không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út "Trọc", cựu phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn) cùng Trần Trọng Tuấn (cựu đại tá, phó giám đốc Công ty Hải Thành, thuộc Quân chủng Hải quân), Đoàn Mạnh Thảo (cựu trưởng phòng Tài chính, Quân chủng Hải quân) và Bùi Văn Nga (cựu giám đốc Công ty Hải Thành) do án sơ thẩm tuyên đúng người, đúng tội, xem xét đầy đủ tình tiết giảm nhẹ.
VKS đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Phạm Văn Diệt (cựu tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Bình) và Bùi Như Thiềm (cựu trưởng phòng Kinh tế, Quân chủng Hải quân) song không chấp nhận việc xin hưởng án treo của bị cáo Thiềm. Tại bản án sơ thẩm, ông Hệ bị phạt 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Thiềm lĩnh 9 năm tù do Vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Các bị cáo còn lại 4-15 năm tù.
Trước đó, trong lời khai tại phiên phúc thẩm, bị cáo Hiến nói "chưa đủ sát sao, quyết liệt" dẫn đến sai sót trong quản lý 3 lô đất thuộc quyền sở hữu của Quân chủng Hải quân. Tuy nhiên, ông không thừa nhận đã thiếu đôn đốc và không chỉ đạo kiểm tra. "Tôi có kiểm tra và chỉ đạo cụ thể. Sau đó, tôi chỉ thị thành lập đoàn kiểm tra tất cả dự án, trong đó có dự án về khu đất", cựu đô đốc, cựu Tư lệnh Quân chủng Hải quân trình bày.
Ông cho biết, Công ty Hải Thành đã nộp về Quân chủng Hải quân hơn 400 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án nên mong HĐXX phúc xem xét đây là tình tiết giảm nhẹ không chỉ cho ông mà "còn cho các bị cáo khác là người của quân chủng".
Chiều nay, phiên tòa bắt đầu phần tranh tụng.
Theo cáo buộc, hơn 6.700 m2 các khu đất số 2, 7-9, 9-11 đường Tôn Đức Thắng (TP HCM) có nguồn gốc đất quốc phòng, thuộc quản lý của Quân chủng Hải Quân. Ngày 13/3/2006, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân thống nhất phương án hợp nhất khu đất trên. Công ty Hải Thành được giao tổ chức hợp tác với các doanh nghiệp trên ba khu đất này nhưng đảm bảo giữ vững chủ quyền, đúng quy định pháp luật và có lợi cho Quân chủng.
Quá trình thực hiện, các bị can Thiềm, Nga và Thảo đề xuất với Thường vụ Đảng ủy Bộ tư lệnh Hải Quân và trực tiếp thực hiện các phương án chuyển đổi mục đích sử dụng ba khu đất trên thành đất kinh tế, trái với quy định quản lý đất đai.
Tháng 7/2006, Quân chủng Hải quân chưa có báo cáo đề nghị Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng cho điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất nhưng bị can Thiềm và Thảo đã trình Thường vụ Đảng ủy Bộ tư lệnh Hải Quân xin ý kiến để ký các hợp đồng liên doanh xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê trong 45-49 năm với mức khoán từ 4,5 đến 5 USD một tháng với mỗi mét vuông.
Nhà chức trách cáo buộc, ông Hiến ký nhiều văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng và các đơn vị liên quan xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất quốc phòng để đưa ba khu đất vào hợp tác xây dựng văn phòng cho thuê. Phía đối tác sau đó mang sổ đỏ đi thế chấp, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển nhượng cho bên thứ ba. Một trong các đối tác là công ty của ông Hệ.
Thanh Vân
Xem thêm: lmth.9484024-neih-nav-neyugn-cod-od-uuc-ohc-na-maig-nix-iougn-ueihn-skv/ten.sserpxenv