Tối muộn 11-12, sau hai ngày xét xử, Tòa án Quân sự Trung ương tuyên án đối với bảy bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án liên quan đến sai phạm tại ba khu đất quốc phòng trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TP.HCM).
Theo đó, tòa không chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo nhưng quyết định giảm án từ bốn năm tù xuống còn ba năm sáu tháng tù đối với bị cáo Nguyễn Văn Hiến (cựu đô đốc, thứ trưởng Bộ Quốc phòng) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, cựu phó tổng giám đốc Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) tại tòa. Ảnh: CTV
Hai bị cáo khác cũng được giảm án là Bùi Như Thiềm (cựu trưởng Phòng kinh tế quân chủng Hải quân) từ chín năm tù xuống còn tám năm ba tháng tù về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai), Phạm Văn Diệt (cựu tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đức Bình, cựu giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh) từ 15 năm tù xuống 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đối với bốn bị cáo còn lại, HĐXX bác toàn bộ kháng cáo, y án sơ thẩm. Trong đó, Bùi Văn Nga (cựu giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Du lịch biển đảo Hải Thành) tám năm tù, Đoàn Mạnh Thảo (cựu trưởng Phòng tài chính quân chủng Hải quân) bảy năm tù, Trần Trọng Tuấn (cựu phó giám đốc Công ty Hải Thành) bốn năm tù, cùng về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Riêng bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, cựu phó tổng giám đốc Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hợp với bản án 12 năm tù Tòa án Quân sự Trung ương đã tuyên năm 2018 là 30 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Văn Hiến (cựu đô đốc, thứ trưởng Bộ Quốc phòng) được giảm án 6 tháng tù, còn 3 năm 6 tháng. Ảnh: CTV
Nội dung vụ án cho thấy giai đoạn 2006-2010, các bị cáo thuộc quân chủng Hải quân và Công ty Hải Thành (thuộc quân chủng Hải quân) đã chuyển đổi ba khu đất quốc phòng trên đường Tôn Đức Thắng sang đất kinh tế không đúng quy định, sai chỉ đạo của bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Khi ấy, với vai trò phó tổng giám đốc Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng, Đinh Ngọc Hệ thành lập Công ty Yên Khánh rồi đề nghị quân chủng Hải quân cho công ty này liên danh với Công ty Hải Thành để xây cao ốc trên khu đất nói trên.
Thực tế, dù không góp vốn nhưng bị cáo Hệ vẫn dùng các thủ đoạn khác nhau để chuyển quyền sử dụng khu đất từ quân chủng Hải quân sang liên danh Yên Khánh Hải Thành.
Tiếp đó, Hệ chỉ đạo nhân viên lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất đem đi thế chấp tại Ngân hàng BIDV để các doanh nghiệp riêng của mình vay tiền. Hành vi phạm tội của bị cáo Hệ khiến quân chủng Hải quân mất quyền quản lý khu đất, có giá trị tại thời điểm tháng 2-2010 là hơn 525 tỉ đồng.
Trong số các bị cáo, ông Nguyễn Văn Hiến được xác định đã thiếu trách nhiệm, không kiểm tra sát sao… Tại tòa, HĐXX nhận định hành vi của bị cáo Hiến thuộc tội phạm nghiêm trọng, tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo bốn năm tù là có căn cứ.
Tuy nhiên, đánh giá toàn diện bối cảnh, nguyên nhân vụ án, HĐXX nhận thấy cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã chủ quan, tin tưởng cấp dưới; trình độ quản lý kinh tế hạn chế; phạm tội nhưng không vụ lợi…
Cùng với đó, bản thân bị cáo và gia đình nhiều lần lập thành tích, có công với đất nước, được Nhà nước ghi nhận. Vừa qua, nhiều cá nhân trong và ngoài quân đội cũng có đơn xin giảm nhẹ cho bị cáo.
Do vậy, tòa phúc thẩm cho rằng có căn cứ giảm hình phạt tù cho ông Hiến như đã nêu ở trên.