VKSND Tối cao vừa có công văn gửi Bộ Tư pháp nêu quan điểm, đề xuất thực hiện bồi thường nhà nước đối với bà Nguyễn Hồng Ngọc Anh (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Cựu điều tra viên Nguyễn Việt Cường liên quan đến vụ bồi thường oan.
Ảnh: PYO
Công văn của VKSND Tối cao được ban hành sau khi Bộ Tư pháp có văn bản đề nghị phối hợp thực hiện bồi thường nhà nước đối với vụ việc này.
Các cơ quan tố tụng đều có lỗi
Trước đó, vụ việc gây tranh cãi khi quan điểm của Cục Bồi thường Nhà nước, VKSND tỉnh và VKSND Tối cao trái ngược nhau trong việc xác định cơ quan phải bồi thường cho bà Anh.
Bà Anh là người bị các cơ quan tố tụng TP Tuy Hòa (Phú Yên) khởi tố, truy tố, xét xử oan trong vụ án mua bán trái phép chất ma túy. Bà yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng của TP Tuy Hòa (Phú Yên) bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (LTNBTCNN). Tuy nhiên, đến nay các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa xác định cơ quan nào có trách nhiệm bồi thường.
Theo VKSND Tối cao, việc gây ra oan đối với bà Anh có lỗi của cả Cơ quan CSĐT Công an TP Tuy Hòa, VKSND và TAND TP Tuy Hòa. Trong vụ án này, khi xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh Phú Yên đã hủy án sơ thẩm đối với bà Anh để điều tra lại.
Ở giai đoạn tố tụng cuối cùng, trước khi có quyết định đình chỉ đối với bà Anh, vụ án đã được TAND, VKSND TP Tuy Hòa trả hồ sơ cho cơ quan điều tra (CQĐT) điều tra bổ sung nhiều lần, yêu cầu giám định chữ viết của điều tra viên Nguyễn Việt Cường. Tuy nhiên, CQĐT không tiến hành giám định theo yêu cầu của VKS mà ban hành các bản kết luận điều tra bổ sung đều đề nghị truy tố bà Anh tội mua bán trái phép chất ma túy.
VKSND Tối cao cho rằng do CQĐT không tiến hành các thủ tục để giám định theo yêu cầu của VKS nên VKS đã trực tiếp trưng cầu giám định tới các cơ quan giám định. Từ đó mới có cơ sở xác định các lời khai mang tính buộc tội đối với bà Anh là do điều tra viên Nguyễn Việt Cường viết thêm vào các biên bản hỏi cung trong tài liệu điều tra của vụ án. Ông Cường đã bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án.
"Cơ quan điều tra phải bồi thường"
VKSND Tối cao cho rằng theo LTNBTCNN năm 2017 thì tiêu chí để xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự là cơ quan có quyết định làm oan và gây thiệt hại sau cùng đối với người bị buộc tội.
VKSND Tối cao nhận thấy có những quy định không đầy đủ, thiếu chặt chẽ trong LTNBTCNN về cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường trong trường hợp vụ án trải qua nhiều vòng tố tụng, có trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Điều này dẫn đến có nhiều quan điểm khác nhau về xác định cơ quan phải bồi thường.
Tuy nhiên, theo nguyên tắc chung được thể hiện xuyên suốt trong các điều 34, 35, 36 của luật này thì cơ quan làm oan sau cùng có trách nhiệm giải quyết bồi thường cho người bị oan.
Trong vụ án này, Kết luận điều tra số 13 ngày 12-7-2018 của CQĐT TP Tuy Hòa đề nghị truy tố bà Anh được coi là quyết định làm oan sau cùng đối với người bị buộc tội (khoản 3 Điều 34).
Hơn nữa, nguyên nhân cơ bản, trực tiếp dẫn đến việc truy tố, kết án oan là do sự cố ý vi phạm pháp luật của điều tra viên và đã bị kết án bằng bản án có hiệu lực. Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 65 LTNBTCNN, người này có nghĩa vụ phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.
VKSND Tối cao cho rằng nếu xác định VKS hoặc tòa án là cơ quan giải quyết bồi thường là không thực sự phù hợp về trách nhiệm để xảy ra sai phạm cũng như sự thuận lợi trong công tác bồi hoàn sau khi giải quyết bồi thường.
CQĐT Công an TP Tuy Hòa nên là cơ quan đứng ra giải quyết bồi thường vì là cơ quan cuối cùng xác định bà Anh có hành vi phạm tội và quan điểm này không được VKSND, TAND TP Tuy Hòa đồng ý. Nếu CQĐT thực hiện việc giải quyết bồi thường thì công tác bồi hoàn cũng sẽ thuận lợi hơn.
Theo công văn, vụ việc không có sự thống nhất về cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường. Do đó, Bộ Tư pháp cần hướng dẫn UBND tỉnh Phú Yên căn cứ Điều 73 LTNBTCNN xác định CQĐT Công an TP Tuy Hòa là cơ quan có trách nhiệm giải quyết việc bồi thường thiệt hại cho bà Anh.
Điều tra viên làm sai lệch hồ sơ Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, ngày 13-7-2012, CQĐT Công an tỉnh Phú Yên ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố hai bị can về tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Ngày 2-5-2013, CQĐT ra quyết định khởi tố bị can đối với bà Anh về tội mua bán trái phép chất ma túy. TAND TP Tuy Hòa tuyên phạt bà Anh bảy năm tù. TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm, hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, sau đó CQĐT tiếp tục đề nghị truy tố bà Anh. Tuy nhiên, VKS phát hiện có dấu hiệu điều tra viên thêm những nội dung có tính chất buộc tội bà Anh nên đã ba lần ra quyết định trả hồ sơ để yêu cầu giám định chữ viết của điều tra viên. Tuy nhiên, sau đó CQĐT tiếp tục đề nghị truy tố bà Anh về tội danh trên và không tiến hành trưng cầu giám định theo yêu cầu của VKS. Vì vậy, VKS trực tiếp trưng cầu giám định. Kết quả, các lời khai mang tính buộc tội bà Anh là do điều tra viên thêm vào. Ngày 31-5-2019, CQĐT TP Tuy Hòa ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bà Anh. Lý do đình chỉ là đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can thực hiện tội phạm. Tháng 6-2020, TAND tỉnh Phú Yên xử sơ thẩm, phạt Nguyễn Việt Cường (cựu trung tá, điều tra viên Công an TP Tuy Hòa) 18 tháng tù về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án. Bị cáo kháng cáo xin được hưởng án treo. TAND Cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận kháng cáo, tuyên phạt bị cáo 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. |