Sẽ rất thách thức để xây dựng một “bộ quy tắc” đối với các ông chủ CLB nhưng đã đến lúc VFF cần nhìn thẳng vào sự việc để tránh những trường hợp thích thì chơi, chán thì nghỉ, hoặc làm ăn được thì chi tiền nuôi đội bóng, không thì “cắt ống thở”.
Sài Gòn Xuân Thành từng là đội bóng có ông chủ thích thì chơi, không thích, hết tiền, không làm ăn được thì bỏ. Ảnh: XUÂN HUY
Sự bền vững là yếu tố tiên quyết cho việc CLB phát triển nhưng rất nhiều CLB của bóng đá Việt Nam mang tiếng là chuyên nghiệp nhưng lại gắn với “bầu sữa” ngân sách nhà nước qua các “dị bản, lách luật” dù bình phong vẫn là công ty cổ phần bóng đá.
Nhiều ông chủ làm ăn “phần khuất” liên quan đến đất đai, tài nguyên của địa phương và ôm đội bóng để có dự án, có ưu ái. Đến khi hết khai thác được hay tỉnh đổi lãnh đạo và khó khăn trong việc làm ăn không còn được “chống lưng” thì đùng một cái tuyên bố bỏ đội. Thế là CLB như bị “cắt ống thở” xoay xở và tuyên bố giải tán.
Ngoài những doanh nghiệp có sức mạnh tài chính thực thụ, đủ sức chơi bóng đá chuyên nghiệp đúng chuẩn, nhiều doanh nghiệp chỉ xem đội bóng là cầu nối cho phần làm ăn. “Bộ quy tắc” mà VFF cần đưa ra là phần kiểm định nguồn đảm bảo của một CLB chuyên nghiệp thực thụ thay vì CLB sống nhờ ông chủ đang làm ăn được ở tỉnh.
Đối với những doanh nghiệp không đủ “sức khỏe” thì phải mạnh dạn cổ phần hóa, mở rộng ra hàng ngũ sở hữu CLB ở khâu góp vốn... thay cho nhiều CLB hiện nay là doanh nghiệp ôm một phần, tỉnh cho một phần rồi co kéo làm bóng đá.
Kết thúc mùa bóng 2020, không ít CLB chuyên nghiệp Việt Nam đánh tiếng sẽ trả lại đội bóng cho tỉnh vì ông chủ làm ăn thất bát, còn tỉnh thì không hỗ trợ tài chính như từng hỗ trợ. Con số trên xấp xỉ 1/3 cơ số các CLB chuyên nghiệp rõ ràng thật đáng báo động.