Sau khi tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Israel hôm 10-12, Morocco đã hứng nhiều chỉ trích từ phía Iran và Palestine - các lực lượng đối đầu gay gắt với chính quyền Tel Aviv, hãng tin Al Jazeera cho hay.
Ngày 11-12, ông Hossein Amir Abdollahian, cố vấn đối ngoại đặc biệt của Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Bagher Ghalibaf, chỉ trích Morocco đã phản bội người dân Palestine.
"Việc bình thường hóa quan hệ giữa Morocco và chính quyền giả mạo (ám chỉ nhà nước Israel - PV), bên đã chiếm đóng Jerusalem, là một sự phản bội, đâm sau lưng lực lượng kháng chiến của người Palestine" - ông Abdollahian viết trên Twitter cá nhân.
Trong khi đó, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) lên án thỏa thuận giữa Morocco và Israel là "không thể chấp nhận được" và đang tiếp tay cho sự "hiếu chiến" của chính quyền Tel Aviv, cũng như "chối bỏ các quyền của người dân Palestine".
Ông Hossein Amir Abdollahian, cố vấn đối ngoại đặc biệt của Chủ tịch Quốc hội Iran. Ảnh: MEHR NEWS AGENCY
Ông Bassam al Salhi, một thành viên của Ủy ban điều hành PLO, nhắc lại rằng từ năm 2002, các nước Ả Rập đã thống nhất chỉ bình thường hóa quan hệ với Israel sau khi nhà nước này rút khỏi các vùng lãnh thổ "bị chiếm đóng trái phép" ở Dải Gaza, khu Bờ Tây, cao nguyên Golan và một số vùng ở Lebanon.
Còn ông Hazem Qassem, người phát ngôn của phong trào Hồi giáo Hamas, cho rằng quyết định của Morocco "là một tội lỗi và nó không giúp ích cho người dân Palestine".
"Lực lượng chiếm đóng người Israel đã sử dụng từng thỏa thuận bình thường hóa quan hệ mới để gia tăng sự gây hấn chống lại người dân Palestine và tăng cường mở rộng các khu định cư" - ông Qassem chỉ trích.
Một số quốc gia Ả Rập khác lại có phản ứng theo hướng ngược lại.
Ai Cập hoan nghênh quyết định của Morocco và Israel, coi đây là "một bước đi quan trọng hướng tới sự ổn định và hợp tác khu vực ở mức cao hơn" tại Trung Đông.
Oman cũng hy vọng động thái này của Morocco và Israel sẽ giúp tăng cường các nỗ lực hướng tới một nền hòa bình thực sự và lâu dài ở khu vực.
Việc Morocco bình thường hóa quan hệ với Israel - một đồng minh chủ chốt của Mỹ - được cho là có liên quan tới việc Washington hôm 10-12 đã công nhận chủ quyền của Morocco với vùng lãnh thổ gây tranh cãi được gọi là Tây Sahara.
Tây Sahara là vùng đất nằm liền kề phía tây nam Morocco. Morocco đang quản lý khoảng 80% diện tích vùng lãnh thổ này, phần còn lại nằm dưới sự kiểm soát của Mặt trận Polisario - lực lượng đòi ly khai và được Algeria hậu thuẫn.
Theo nghị quyết năm 1991 của Liên Hợp Quốc (LHQ), người dân ở Tây Sahara sẽ được tham gia trưng cầu dân ý để tự quyết định tương lai chính trị của mình. Trong thời gian này, lực lượng của Morocco và Mặt trận Polisario phải ngừng bắn và khu vực đặt dưới sự điều phối của một phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ.
Tuy nhiên, tiến trình hòa bình cho Tây Sahara đã "dậm chân tại chỗ" trong nhiều năm qua.
Phản ứng trước quyết định của Washington hôm 10-12, đại diện của Mặt trận Polisario chỉ trích chính phủ Mỹ "bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất". Tuy nhiên, lực lượng này cho rằng quyết định của Washington không làm thay đổi bản chất pháp lý của Tây Sahara.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng khẳng định việc Mỹ công nhận chủ quyền của Morocco đối với Tây Sahara không làm thay đổi lập trường của LHQ về vấn đề này.
Ông Guterres cũng kêu gọi các bên kiềm chế, tuân thủ nghị quyết của LHQ và không làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.