Sau 2 ngày xét xử phúc thẩm vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai"; "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", liên quan đến sai phạm tại 3 khu "đất vàng" (khu đất số 2, số 7-9, số 9-11) của Bộ Quốc phòng tại đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TPHCM), tối 11/12/2020, Tòa án Quân sự Trung ương đã đưa ra phán quyết của vụ án này.
Ngoài việc tuyên án hình phạt tù đối với các bị cáo, Hội đồng xét xử (HĐXX) còn đưa ra phán quyết đối với những người có quyền lợi liên quan đến vụ án.
Theo đó, đối với khu đất số 7-9 (rộng hơn 3.500m2) hiện đang do Công ty Yên Khánh Hải Thành đứng tên quyền sử dụng đất, nhưng nguồn gốc là đất quốc phòng thuộc quyền quản lý của Quân chủng Hải quân (QCHQ) đã bị các bị cáo Thiềm, Nga, Thảo, Tuấn sử dụng để cho thuê trái quy định của pháp luật, HĐXX nhấn mạnh: "Quyền sử dụng khu đất này bị các bị cáo Hệ, Diệt, Hoan chiếm đoạt, do đó, căn cứ khoản 2 điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015; khoản 1 điều 599 Bộ luật Dân sự năm 2005 buộc Công ty Yên Khánh Hải Thành phải trả lại quyền sử dụng đất khu đất số 7-9 cho QCHQ".
HĐXX cho biết, đối với ý kiến của đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đề nghị không thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu đất số 7-9 và tuyên trả lại lại nguyên trạng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ngân hàng BIDV để đảm bảo quyền lợi cho ngân hàng theo quy định tại điều 133 Bộ luật Dân sự 2015 là không có cơ sở chấp nhận.
HĐXX giải thích, tại thời điểm Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực thi hành, hợp đồng thế chấp giữa ngân hàng BIDV và các công ty đang được thực hiện nên căn cứ điểm a khoản 1 điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Dân sự được áp dụng phải là Bộ luật Dân sự năm 2005. Mặt khác các hợp đồng này không phát sinh hiệu lực do hợp đồng số 07 (ký liên doanh giữa Công ty Yên Khánh do bị cáo Vũ Thị Hoan (cháu của Đinh Ngọc Hệ làm giám đốc) và Công ty Hải Thành của Quân chủng Hải quân để thành lập Công ty Yên Khánh Hải Thành) trái pháp luật theo quy định tại khoản 2 điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2005.
Đồng thời không áp dụng khoản 3 điều 133 Bộ luật Dân sự năm 2015 để trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của khu đất số 7-9 cho ngân hàng BIDV. Vì vậy ý kiến đề nghị của ngân hàng BIDV không được chấp nhận.
Trước đó, trong phần trình bày quan điểm giải quyết vụ án, ông Vũ Công Hoành, Kiểm sát viên cao cấp Viện Kiểm sát (VKS) Quân sự Trung ương thực hành quyền công tố kiểm sát xét xử tại phiên tòa cho biết: Năm 2006, bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc"), cựu Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng (BQP), Chủ tịch HĐQT-Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng đã thành lập Công ty Yên Khánh và biết QCHQ có ý định đưa khu đất số 7-9 vào khai thác làm kinh tế.
Để được khai thác khu đất trên, Hệ đã chỉ đạo bị cáo Vũ Thị Hoan (cựu Giám đốc Công ty Yên Khánh) lập tờ trình phản ánh không đúng sự thật về năng lực của Công ty Yên Khánh gửi QCHQ xin làm đối tác liên doanh của Công ty Hải Thành thực hiện dự án xây dựng cao ốc văn phòng, công trình hạ tầng khai thác khu đất số 7-9.
Sau khi Công ty Yên Khánh và Công ty Hải Thành ký hợp đồng số 07 liên doanh thành lập Công ty Yên Khánh Hải Thành, khu đất số 7-9 được bàn giao cho Công ty Yên Khánh Hải Thành. Công ty Yên Khánh đã không góp vốn, không thực hiện triển khai dự án theo hợp đồng như đã ký kết mà chỉ đóng 2 cọc thử tải, thuê tư vấn thuyết minh phương án cao ốc văn phòng.
Theo sự chỉ đạo của bị cáo Hệ, công ty đã cho các tổ chức cá nhân khác thuê lại khu đất số 7-9. Hệ đã chỉ đạo Diệt làm thủ tục chuyển đổi quyền sử dụng đất khu đất số 7-9 từ Công ty Hải Thành sang Công ty Yên Khánh Hải Thành.
"Bị cáo Diệt sau đó chỉ đạo việc giả chữ ký của bị cáo Trần Trọng Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công ty Hải Thành) trong các biên bản họp Hội đồng thành viên, HĐQT Công ty Yên Khánh Hải Thành và sửa đổi, sửa nội dung hợp đồng liên doanh để hợp thức quyền sử dụng khu đất số 7-9", Kiểm sát viên Vũ Công Hoành cho biết.
Sau khi có quyền định đoạt, sử dụng khu đất số 7-9, Đinh Ngọc Hệ đã chỉ đạo Diệt ký các hợp đồng thế chấp, hợp đồng tín dụng bảo lãnh cho Công ty Yên Khánh vay tại Ngân hàng Việt Nam Thương Tín chi nhánh TPHCM với số tiền là 52 tỷ đồng. Sau khi giải chấp xong, Hệ tiếp tục chỉ đạo bị cáo Hoan ký các hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số 7-9 để bảo lãnh cho một số công ty do Hệ làm chủ hoặc có quan hệ hợp tác với công ty của Hệ vay tiền tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô với số tiền hơn 700 tỷ đồng, hiện nay còn đang dư nợ hơn 545 triệu đồng.
"Với các chứng cứ nên trên, đủ cơ sở kết luận bị cáo Hệ chính là chủ mưu trong hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản quyền sử dụng đất số 7-9 của QCHQ. Án sơ thẩm kết luận bị cáo Hệ phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là có căn cứ, không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bị cáo", Kiểm sát viên Vũ Công Hoành nhấn mạnh.
Tối 11/12, Tòa phúc thẩm tuyên bị cáo Nguyễn Văn Hiến (cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) phạm tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", với hình phạt 3 năm 6 tháng tù (giảm 6 tháng tù so với án sơ thẩm);
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ 20 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Trước đó, năm 2018, bị cáo Hệ đã bị tuyên phạt 12 năm tù đối với vụ án khác. Tổng hình phạt chung cho 2 bản án đối với bị cáo Hệ là 30 năm tù;
Cùng tội danh với bị cáo Hệ, bị cáo Phạm Văn Diệt (cựu Tổng Giám đốc điều hành Công ty Đức Bình) nhận hình phạt 14 năm tù (giảm 1 năm so với bản án sơ thẩm);
Với tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai", bị cáo Đoàn Mạnh Thảo (Trưởng phòng Tài chính QCHQ) nhận hình phạt 7 năm tù (giữ nguyên bản án sơ thẩm); bị cáo Trần Trọng Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công ty Hải Thành) nhận hình phạt 4 năm tù (giữ nguyên so với bản án sơ thẩm); Bùi Như Thiềm (cựu Trưởng phòng Kinh tế QCHQ) nhận hình phạt 8 năm 3 tháng (giảm 9 tháng so với bản án sơ thẩm); Bùi Văn Nga (cựu Giám đốc Công ty Hải Thành) nhận hình phạt 8 năm tù (giữ nguyên bản án sơ thẩm).
Nguyễn Dương