vĐồng tin tức tài chính 365

Thay đổi để sản xuất, xuất khẩu cá tra bền vững

2020-12-12 16:47

Thay đổi để sản xuất, xuất khẩu cá tra bền vững

Võ Hùng Dũng

(TBKTSG) - Giá cá tra giảm sâu, hồi phục, rồi lại suy giảm... Năm 2021 được dự báo sẽ là thời kỳ hồi phục nhưng kéo dài được bao lâu còn tùy thuộc nhu cầu thị trường và phản ứng của nhà sản xuất. Bước đi căn cơ lúc này là cần có những thay đổi mạnh mẽ công nghệ nuôi, chế biến và cấu trúc thị trường.

Đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn rất nặng vào ngành cá, ra ngoài các dự đoán.

Chu kỳ tăng-giảm và kịch bản 2021

Sau thời gian dài suy giảm, giá cá tra đã hồi phục vào tháng 10 vừa qua với mức giá tăng hơn 30% so với thời điểm thấp nhất. Nhưng rồi cũng như năm 2019, chỉ tăng sau thời gian ngắn, giá cá đã suy giảm trở lại bởi tâm lý bất an về thị trường tiêu thụ vẫn bao trùm.

Ở chiều khác, mặc dù giá cả suy giảm rất sâu đến 50% trong thời gian dài nhưng những nền tảng cơ bản của ngành cá vẫn ổn định. Hơn thế, trong bối cảnh suy giảm vẫn có những đầu tư đổi mới của một số doanh nghiệp lớn. Cuộc đua mới trong ngành cá là cuộc đua về công nghệ trong nuôi và chế biến để có chất lượng thịt cá tốt hơn, chế biến sản phẩm cũng đa dạng hơn.

Thay vì kêu cứu và chờ đợi hỗ trợ thì hành động của doanh nghiệp là thay đổi chiến lược kinh doanh, tận dụng công nghệ để làm chủ thị trường, khi thị trường phục hồi thì họ sẽ bước vào giai đoạn hưởng lợi.

Câu chuyện giá cá tăng rồi giảm, giảm rồi lại tăng, đã diễn ra từ hàng chục năm qua, mang tính chu kỳ lặp đi lặp lại với độ dài thông thường là một năm. Chỉ có trong lần vừa rồi, thời gian tăng giá kéo dài trên hai năm. Biên độ giá cả gia tăng càng cao, thời gian tăng giá càng dài thì hệ lụy sau đó càng lớn. Lần suy giảm này cũng là lần suy giảm dài nhất trong mười năm qua, cho đến nay đã hơn 18 tháng.

Năm 2021 dự báo là thời kỳ phục hồi nhưng bắt đầu vào lúc nào và kéo dài bao lâu còn tùy thuộc nhu cầu thị trường thế giới và phản ứng của các nhà sản xuất trong nước. Thị trường Trung Quốc, EU và Mỹ và một số nước Đông Nam Á sẽ phục hồi sau thời kỳ dài bị cản trở bởi đại dịch Covid-19. Vì vậy, nhân tố tác động lớn trong thời gian tới do chính các nhà sản xuất trong nước.

Nhưng đó mới chỉ là những nhận định ban đầu. Trung Quốc là ẩn số khó đoán nhất. Họ vẫn có thể hạn chế nhập khẩu vì lý do dịch bệnh, cho dù nhu cầu trong nước gia tăng.

Với những nhà sản xuất trong nước, bài học trước đây là nếu giữ bình tĩnh, như đã làm trong năm 2017, thì giá cả ổn định theo chiều hướng tăng dần. Nhưng vì đổ xô sản xuất, tăng vọt sản lượng trong năm 2018 nên giá cả đảo chiều. Thật ra, giá cá sẽ không quá tệ trong năm 2020 nếu không có đại dịch Covid-19. Điều bất ngờ đó đã giáng một đòn rất nặng vào ngành cá, ra ngoài các dự đoán.

May mắn hơn nhiều ngành khác trong bối cảnh đại dịch là người ta vẫn phải ăn và cá tra là loại thực phẩm tốt nên ngành cá vẫn trụ được. Nhưng điều đó cho thấy yếu tố bất ngờ vẫn xảy ra và không miễn trừ với bất cứ ngành nào. Thời gian tới đây vẫn nên kiềm chế việc gia tăng sản lượng.

Thông thường khi giá cá tăng thì thị trường diễn biến theo xu hướng: (i) tiếp tục leo thang do người nuôi trì hoãn việc bán ra chờ giá cao hơn, hoặc (ii) chững lại rồi suy giảm. Điều này đã xảy ra vào cuối năm 2019, hiện nay đang lặp lại và có thể còn kéo dài.

Quy luật thông thường là giá cá suy yếu từ tháng 12 cho đến tháng 2 của năm sau, rồi sau đó có sự cải thiện. Nhưng điều này có thể thay đổi nếu nhập khẩu của Trung Quốc thay đổi. Các yếu tố từ Hoa Kỳ hay EU có ảnh hưởng đến giá cá trong nước nhưng không còn lớn như các năm trước. Bức tranh thị trường cá tra Việt Nam hiện nay đã thay đổi: Hoa Kỳ chỉ còn 15%, Trung Quốc đã chiếm đến 35% và dự báo còn tiếp tục gia tăng, EU và các nước Đông Nam Á ở dưới mức 10%. Các quan sát giờ đây sẽ tập trung vào thị trường Trung Quốc.

Điều chỉnh cách thức sản xuất, cấu trúc thị trường

Mỗi khi có sự dịch chuyển lớn về thị phần của các thị trường đều dẫn đến sự biến động lớn về giá cả và sản xuất cá.

Suy giảm của thị trường EU đã làm giá cá suy giảm trong thời gian dài của các năm trước 2010. Khi Mỹ trở thành nhà tiêu thụ lớn, những lúc có hành động nào bất lợi từ đây thì thị trường trong nước lập tức bị rung lắc mạnh. Còn khi Trung Quốc gia tăng thị phần thì giá cá tăng vọt, ngược lại thị trường này có sự thay đổi thì giá cá suy giảm sâu. Những biến động trong thời gian vừa qua phần lớn do sự thay đổi cấu trúc thị trường, đại dịch Covid-19 chỉ là thêm vào như một yếu tố bất ngờ đầy nguy hiểm.

Bài học từ những lần thay đổi cấu trúc thị trường đặt các nhà sản xuất, chế biến cá tra trong tình thế phải ứng phó. Câu hỏi đặt ra là thị trường nào tới đây hỗ trợ cho ngành cá nếu nhập khẩu của Trung Quốc thay đổi?

Khôi phục thị trường EU, Mỹ, mở thêm những thị trường mới ở Nga, Nhật, Đông Nam Á là việc nói dễ hơn làm nếu chưa có đột phá về sản xuất và kênh phân phối. Điều phải tính đến vào lúc này là thị trường trong nước, thị trường có sức tiêu thụ tiềm tàng có thể lên tới hàng triệu tấn mỗi năm.

Nhưng bước đi căn cơ hơn đòi hỏi phải thay đổi cách thức sản xuất từ nuôi đến chế biến sản phẩm. Biên lợi nhuận của ngành cá tra theo nhiều nghiên cứu là rất thấp. Cần có những thay đổi mạnh mẽ công nghệ nuôi, chế biến và cấu trúc thị trường.

Mở thêm thị trường trong nước là tạo thêm nhiều việc làm cho người nuôi và những người tham gia chuỗi cung ứng nội địa. Để làm được việc này cần sự nhập cuộc của các địa phương trong sản xuất, tiêu thụ, trong đầu tư đổi mới.

Sự hỗ trợ của Chính phủ qua các chương trình khuyến nông, các chương trình xúc tiến, quảng bá là hết sức cần thiết. Khi lợi ích mang lại lớn hơn, các doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư phát triển thị trường trong nước.

Ngành cá tra sẽ qua được những khó khăn bất trắc nhờ vào những năng lực đã được thử thách trước đó. Những doanh nghiệp năng động, đầu tư mới sẽ hưởng được thành quả khi thị trường phục hồi. 

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, tính đến tháng 10-2020, xuất khẩu cá tra đạt trên 1,2 tỉ đô la Mỹ, dự báo cả năm đạt 1,5-1,6 tỉ đô la, giảm gần 30% so với năm 2019, cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2011.

Sản lượng cá thu hoạch cho chế biến đến tháng 11-2020 vào khoảng 1 triệu tấn, dự báo cả năm khoảng 1,1-1,15 triệu tấn, thấp hơn so với năm 2019 khoảng 10%.

An Giang đã trở lại ngôi đầu bảng về diện tích với hơn 1.000 héc ta và sản lượng thu hoạch gần 400.000 tấn. Đồng Tháp lui xuống vị trí thứ hai, vị trí của những năm trước 2010. An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bến Tre vẫn là bốn địa phương hàng đầu, cung cấp hơn 90% sản lượng. Lợi thế của vùng nước ngọt đã quay trở lại, sản xuất cá tập trung chủ yếu ở các nơi thuộc vùng ven sông Tiền, sông Hậu.

 

Xem thêm: lmth.gnuv-neb-art-ac-uahk-taux-taux-nas-ed-iod-yaht/535113/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thay đổi để sản xuất, xuất khẩu cá tra bền vững”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools