Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển động và thay đổi thế nào để ứng phó, vượt qua khó khăn? Đại diện nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau như ngân hàng, bất động sản, ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, thương mại điện tử… đã có những chia sẻ thú vị tại chương trình Tin dùng Việt Nam năm 2020 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 12/12.
“BIẾN NGUY CƠ THÀNH THÁCH THỨC”
Đây là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất xuyên suốt chương trình Tin dùng Việt Nam. Ông Nguyễn Quang Minh, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) cho biết, trong lĩnh vực thanh toán, trước đại dịch Covid-19, nhiều khách hàng chưa bao giờ sử dụng dịch vụ ngân hàng hay thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên, Covid-19 đã làm thay đổi điều đó.
Ngay thời điểm giãn cách xã hội, nhiều khách hàng đã tham gia dịch vụ thanh toán trực tuyến và dự báo, ngay cả khi có vaccin, xã hội quay trở lại giai đoạn bình thường mới thì lượng khách hàng dùng thanh toán không tiền mặt vẫn tăng lên rất nhiều.
“Đây là thời điểm, là cơ hội để tận dụng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Minh nói và cho biết thêm, để biến thách thức thành cơ hội, trong thời gian tới, Napas sẽ tiếp tục triển khai chương trình thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi thẻ công nghệ từ thẻ từ sang thẻ chip, phát triển hệ sinh thái thẻ chip, xây dựng hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia.
Đồng thời, đưa ra các chương trình có thể phát triển dịch vụ thanh toán tiện lợi cho khách hàng cá nhân như nghiên cứu việc thanh toán sử dụng khuôn mặt, khách hàng không cần thẻ có thể dùng khuôn mặt và một vài yếu tố xác thực khác để hoàn tất giao dịch thanh toán.
Đối với lĩnh vực thương mại điện tử, bà Nguyễn Thị Thuý Hằng, Giám đốc Marketing Lazada Việt Nam, cho biết, nắm bắt giai đoạn Covid-19, doanh nghiệp vừa và nhỏ khó khăn, Lazada đã tăng cường đầu tư để doanh nghiệp mở gian hàng nhanh chóng hiệu quả, hỗ trợ giao hàng miễn phí cho các nhà bán hàng hai tuần đầu tiên trên Lazada…
Lazada còn có những sáng kiến mới để đối phó với Covid-19 như Tổ giao hàng thông minh, hợp tác với các tổ chức tài chính, ngân hàng, ví điện tử để thúc đẩy khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt…
Nhờ đó, số lượng doanh nghiệp mở gian hàng mới trên Lazada trong 3 tháng đầu năm 2020 là 45.000 doanh nghiệp, 5 tháng mở hơn 110.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chất lượng bán hàng của các doanh nghiệp cũng tăng trưởng vượt bậc.
Đại diện Lazada còn tiết lộ, mặc dù vẫn đối diện với khó khăn do Covid-19 gây ra, nhưng trong ngày 12/12, ngày hội mua sắm lớn nhất trong năm của Lazada, kết quả kinh doanh 2 tiếng đầu cho thấy mức độ tăng trưởng số người mua, đơn hàng mua gấp đôi so với năm 2019.
“Các doanh nghiệp vừa và nhỏ không nghĩ qua thương mại điện tử có thể duy trì doanh thu, thậm chí doanh thu trong một ngày tăng rất nhiều lần so với doanh thu của vài tháng. Đó là những con số khích lệ với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cả kể với Lazada”, bà Hằng nhấn mạnh.
ĐẶT KHÁCH HÀNG LÀ TRỌNG TÂM ĐỂ PHÁT TRIỂN DÀI HẠN
Bất động sản là một trong những ngành nghề bị tác động lớn do Đại dịch Covid-19 khi nhiều nhà đầu tư có tâm lý thăm dò và chờ đợi bắt đáy thị trường. “Tuy nhiên, nhu cầu ở thực vẫn rất lớn và chưa bao giờ có xu hướng giảm”, ông Võ Văn Khang, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh nhấn mạnh.
Theo ông Khang, Covid-19 đã tác động, làm thay đổi 3 vấn đề chính đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng.
Thứ nhất, trong giai đoạn Covid-19, việc ra quyết định của lãnh đạo áp lực thời gian nhanh chóng và ngay tức thì, động lực áp dụng chuyển đổi số và áp dụng công nghệ nhanh hơn.
Thứ hai, Covid-19 là cơ hội để doanh nghiệp điều chỉnh môi trường làm việc, phương thức làm việc. Trong thời kỳ giãn cách xã hội buộc doanh nghiệp phải có phương thức làm việc mới thích nghi. Đối với doanh nghiệp, quản lý động lực làm việc rất quan trọng. Giai đoạn Covid-19 lao động làm việc vất vả hơn rất nhiều trong giai đoạn bình thường.
Thứ ba là chúng ta phải có những thích ứng trong ngắn hạn làm sao không ảnh hưởng đến chiến lược dài hạn, nếu thay đổi quá nhiều thì khi điều kiện bình thường quay lại, lại phải mất một lần nữa chuyển đổi để thích nghi.
Phương châm của Tập đoàn Hưng Thịnh luôn là làm sao để khách hàng mua sản phẩm? Một là làm hài lòng khách hàng, hai là sinh lợi cho khách hàng.
Hưng Thịnh đã chuyển đổi số từ năm 2018, đầu tư công nghệ lên đến hàng trăm tỷ đòng, hoàn thiện hệ sinh thái về sản xuất kinh doanh, đầu tư, thiết kế, xây dựng kinh doanh và quản lý, chủ động cắt giảm chi phí…
“Bất động sản vẫn là kênh được nhiều nhà đầu tư lựa chọn nên chúng tôi đã kịp thời điều chỉnh chiến lược khách hàng là trọng tâm, chia sẻ khó khăn với khách hàng, giảm giá thành đưa sản phẩm ra thị trường với giá cả phù hợp, với đối tác đưa ra các phương thức hợp tác phù hợp để cùng chiến thắng trong giai đoạn khó khăn.
Nhờ đó, doanh thu 9 tháng năm 2020 của Hưng Thịnh đã vượt kế hoạch cả năm, và doanh thu cả năm cùng với các chỉ số khác như lợi nhuận… gấp đôi so với kế hoạch. Trong nguy luôn có cơ, linh động điều hành thì đó là cơ hội lớn”, ông Khang nhấn mạnh.
Áp dụng công nghệ số cũng là “quân át chủ bài” đối với doanh nghiệp ngành hàng thực phẩm, tiêu dùng.
Ông Nguyễn Chánh Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long cho hay, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, giao dịch B2B, Face to Face bị gián đoạn, trong khi nhu cầu tích trữ lương thực của người dân gia tăng, doanh nghiệp đã áp dụng dịch vụ số, đặt hàng, thanh toán online, thông qua app khách hàng có thể đặt gạo, giao tiếp với khách hàng cũng như các nhà phân phối, từ đó hình thành thói quen sử dụng ứng dụng thường xuyên cho khách hàng.
“Trong thách thức luôn có cơ hội lớn, là sự may mắn cho mỗi ngành nghề kinh doanh, nếu như trước đây các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu khó có cơ hội tăng trưởng nhanh thì bây giờ chúng tôi đã đón được cơ hội này. Tại thời điểm dịch, app đặt hàng của chúng tôi đã “cháy hàng”. Chúng tôi xem chuyển đổi số là chiến lược của doanh nghiệp, định hướng bán lẻ ứng dụng thanh toán qua mạng”, ông Trung khẳng định.
Xem thêm: mth.85911747121210202-teiv-peihgn-hnaod-auc-od-cot-ueis-ohp-gnu-nam-gnuhn-av-91-divoc/nv.ymonocenv