Thầy cô giáo đến hỏi thăm nữ sinh sáng 9-12- Ảnh: B.S.
Công an TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã bắt giữ nghi can Lê Tấn Thành (29 tuổi, ngụ Bình Dương) để điều tra về việc đánh một nữ sinh trọng thương sau va chạm giao thông.
Liên tiếp xảy ra nhiều vụ ẩu đả, hành hung lẫn nhau sau những va chạm trên đường thời gian gần đây. Thực tế cho thấy nhiều vụ va chạm giao thông tuy chưa đến mức truy cứu hình sự nhưng từ cách cư xử thiếu văn hóa đã biến họ gặp phải những rắc rối, liên quan đến pháp luật. Không ít trường hợp họ đang là bị hại nhưng vì quá nóng giận, hành xử theo kiểu côn đồ nên trở thành bị can, bị cáo. Thậm chí là do ẩu đả mới dẫn đến làm chết người sau va chạm giao thông.
Chỉ vì phút ngông cuồng, mất bình tĩnh, có những người dù chỉ bị va chạm nhẹ cũng cố sức gây gổ, quyết "đòi lại công bằng" cho chính mình, rồi lỡ tay đẩy sự việc đi quá xa. Một vụ va chạm nhẹ không khiến ai bị sây sát gì, nhưng sự xốc nổi, bốc đồng của chính người trong cuộc có thể khiến một người bỏ mạng, một người trả giá trong vòng lao lý. Có không ít vụ va chạm giao thông không mấy nghiêm trọng nhưng rồi lại thành gây hấn và hủy hoại tài sản của nhau (có thể khởi tố hình sự người có hành vi này nếu giá trị tài sản hư hỏng từ 2 triệu đồng).
Một đồng nghiệp của tôi, người Canada, lúc mới đến Việt Nam làm việc đã hết sức ngạc nhiên khi chứng kiến nhiều cuộc xô xát, ẩu đả xuất phát từ những va chạm không đáng kể. Ở nhiều quốc gia khác, khi xảy ra những vụ va chạm giao thông, người ta thường đợi lực lượng chức năng đến giải quyết chứ không sa vào các cuộc cãi vã đúng sai. Vì điều đó có thể dẫn đến xung đột giao thông, mất trật tự xã hội, chính họ cũng có nguy cơ rơi vào những rắc rối không cần thiết đối với luật pháp.
Ưu tiên hàng đầu trong những trường hợp này là xem mình và người kia có bị thương không, tập trung lo cho thương tích đã. Còn nếu chỉ là tai nạn nhỏ, có thể giải quyết được thì hãy bàn bạc với nhau xem thế nào. Nếu thiệt hại vượt mức nào đó trong quy định, người ta sẽ gọi cảnh sát đến điều tra sự việc.
Câu chuyện này là bài học về văn hóa ứng xử khi đi đường. Cơ quan thực thi pháp luật cần xử phạt thật nghiêm minh các trường hợp vi phạm luật giao thông và cả các trường hợp vì va chạm, tai nạn giao thông mà hành hung người khác.
Thực nghiệm hiện trường vụ đánh nữ sinh
Gặp chúng tôi sáng 9-12 tại nhà riêng, nữ sinh bị đánh sau va chạm giao thông vẫn còn lo sợ. Em phải khâu 10 mũi ở đầu và tạm thời nghỉ học để ổn định sức khỏe. Diễn biến mới nhất đến chiều 9-12, Công an TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cho biết đã thực nghiệm hiện trường vụ việc.
Nạn nhân được xác định là em V.N.K.V. (15 tuổi, học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP Thủ Dầu Một). Công an đã đưa em V. đi giám định thương tật.
Camera ghi lại cảnh Lê Tấn Thành đánh nữ sinh sau va chạm giao thông - Ảnh: A.L.
Vụ việc xảy ra khi V. đang chở bạn trên xe đạp điện trên đường Bùi Ngọc Thu, đoạn qua phường Tương Bình Hiệp vào khoảng 16h30 ngày 7-12. Đi cùng chiều phía trước xe của V. là xe máy do Lê Tấn Thành điều khiển. Theo V., do xe của Thành quay đầu bất ngờ nên em không kịp xử lý, vì thế xảy ra va chạm. Khi thấy hai em học sinh và một phụ nữ khác té ngã ra đường sau vụ tai nạn, Thành đã không hỏi thăm mà còn lao vào đánh, đạp vào người em V.. Sau đó, Thành bỏ đi. Được biết, Thành từng có tiền án về tội cố ý gây thương tích và cướp tài sản.
BÁ SƠN
Dư luận rất đồng tình
Sáng 9-12, tại hội nghị tổng kết Năm an toàn giao thông năm 2020, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình - chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - lưu ý cần đẩy mạnh các phương tiện kỹ thuật nền tảng kỹ thuật số, mạng xã hội để tuyên truyền quy định pháp luật, văn hóa giao thông.
"Đã vi phạm làm người khác té ngã rồi còn quay lại đánh người. Dã man không? Sau đó một số thanh niên kéo đến nhà anh này bắt anh này đem giao nộp công an. Bắt giao công an thì được, nhưng đánh người thì không nên" - Phó thủ tướng Trương Hòa Bình lấy dẫn chứng vụ nam thanh niên đánh nữ sinh dã man sau va chạm ở Bình Dương khi nói về xây dựng văn hóa giao thông.
Liên quan đến vụ việc, thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc - thứ trưởng Bộ Công an - báo cáo Phó thủ tướng việc Công an tỉnh Bình Dương đã rất kịp thời khi bắt khẩn cấp thanh niên gây tai nạn còn hành hung nữ sinh. "Công an Bình Dương đã chỉ đạo xử lý kịp thời, dư luận rất đồng tình" - ông Ngọc nói.
T.PHÙNG
Có dấu hiệu tội cố ý gây thương tích
Theo luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh (Đoàn luật sư TP.HCM), hành vi của Lê Tấn Thành có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích. Hình ảnh từ camera cho thấy Lê Tấn Thành đã dùng chân và hung khí nguy hiểm đánh liên tiếp vào đầu và người nữ sinh mới 15 tuổi. Hành vi này có thể bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe người khác theo điều 134 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Sau giám định, nếu thương tật dưới 11%, Lê Tấn Thành có thể bị khởi tố theo điểm c, khoản 1, điều 134, mức hình phạt có thể bị áp dụng là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu nữ sinh bị thương tích từ 11% đến 30% thì Lê Tấn Thành có thể bị khởi tố theo điểm đ, khoản 2, điều 134 và mức hình phạt có thể áp dụng từ 2 năm đến 6 năm.
T.MAI
TTO - Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ đã đề nghị như vậy sau thông tin Công an TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã bắt khẩn cấp Lê Tấn Thành sau vụ va chạm giao thông và hành hung nữ sinh gây bức xúc dư luận.
Xem thêm: mth.89521413290210202-gnoud-nert-od-noc-iv-hnah-irt-meihgn-nac/nv.ertiout