- Nguyễn Đỗ Ngọc: Người nghệ sĩ mang tinh thần võ sĩ đạo
- Nghệ sĩ múa kết hợp với ca sĩ biểu diễn gây quỹ ủng hộ miền Trung
- Nghệ sĩ Minh Tâm: Tâm tĩnh để làm tiếng động
Điều đặc biệt là hai ông Xuân Ba mặc dù cách nhau đến 14 tuổi nhưng lại chơi rất thân với nhau, rất hiểu nhau.
1. Nhà báo Xuân Ba đã từng hóm hỉnh viết về người bạn vong niên cùng tên rằng: "Quán xá Hà thành mà có cuộc vui, thực khách khi hững hờ lúc chăm chú về phía một người đàn ông rất khó đoán tuổi thường ăn vận tươm tất, khuôn người vậm vạp, trắng trẻo, hơi hoi hói, người đó đích là nhạc sĩ, NSƯT đàn bầu Xuân Ba".
Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Ba say sưa bên cây đàn bầu. |
Dù thời kỳ vàng son đã trôi qua nhưng gặp được ông không phải dễ. Tôi từng chứng kiến những cuộc hẹn hò của các bạn bè vong niên của ông, họ cho ông chọn lịch mà đến phút cuối ông vẫn cáo bận bởi show diễn đột xuất.
Có người nói ông "tham công tiếc việc" mà bỏ bê bạn bè cũng đúng, có người nói ông trách nhiệm với "thương hiệu" Xuân Ba của mình cũng chẳng sai. Lịch biểu diễn của ông hiện dày đặc, mà chỗ nào ông cũng nể, cũng không thể vắng mặt được.
Có hôm điện cho ông thì ông bảo, cứ giờ nào cũng được nhưng phải trừ buổi trưa và buổi tối, bởi thời gian đó khi thực khách vui vẻ bên những mâm tiệc sang trọng, thì tiếng đàn của ông lại vang lên đến nao lòng người.
Nhưng không chỉ biểu diễn trong những mâm tiệc sang trọng, có lần tôi còn gặp tình huống "khó xử" khi thấy ông ôm đàn tứ theo hai cô ca sĩ đến từng bàn rượu bình dân để phục vụ mà nếu vui thì khách có thể "bo" cho đoàn một đến hai trăm nghìn đồng. Hình ảnh người nhạc sĩ già tung tẩy bên chiếc đàn tứ cứ ám ảnh tôi mãi.
Bởi sở trường và niềm đam mê của ông là đàn bầu và đàn nguyệt, nhưng hai loại đàn ấy lại rất "kén" người nghe, nhất là ở những quán rượu bình dân. Điều đó cho thấy ông đã chấp nhận "hy sinh" để theo thị hiếu của khách hàng. Khuôn mặt cố vui cười của ông cũng không thể che lấp được nỗi buồn thầm kín bên trong.
2. Trưa 22/10, khi tham dự Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (1960-2020) Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long xong, nhạc sĩ Xuân Ba gọi cho tôi. Ông "thao thao bất tuyệt" kể về những kỷ niệm gắn bó với Nhà hát mà nay được gặp những thế hệ nghệ sĩ cùng thời những cảm xúc lại có dịp ùa về.
Đó là những lần đi diễn cùng các nghệ sĩ dưới làn "mưa bom bão đạn" của kẻ thù, nhưng các nghệ sĩ vẫn kiên cường biểu diễn phục vụ bộ đội, phục vụ nhân dân Thủ đô. Rồi giọng ông chùng xuống khi kể về phút hy sinh của nghệ sĩ Nguyễn Quang Nghị, người nghệ sĩ duy nhất của Nhà hát đã ngã xuống khi đang biểu diễn phục vụ chiến sĩ, đồng bào.
Và ông cũng không quên kể về lần ông biểu diễn tác phẩm đàn bầu "Hà Nội - Huế - Sài Gòn" do nhạc sĩ Hoàng Vân chuyển thể lại và phát triển tiết tấu từ chính tác phẩm rất nổi tiếng của mình. Bản nhạc đã thể hiện tinh thần gắn bó không thể tách rời của 3 miền Bắc - Trung - Nam, tạo lên một sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã đem đến cho ông tấm Huy chương Vàng tại Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp năm 1970.
Lùi về quá khứ, ông lại kể về hoàn cảnh sáng tác tác phẩm độc tấu cho đàn nguyệt "Tình quân dân" khi ông đang học năm thứ 3 (năm 1962) tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).
Tác phẩm mang một dấu ấn lịch sử và đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Xuân Ba khi đã khắc họa được rõ nét tình cảm gắn bó yêu thương của những người mẹ, người chị, người em ở hậu phương lớn với các chiến sĩ ngoài tiền tuyến.
Bản nhạc có giá trị không chỉ ở giai điệu mà còn ở sự tìm tòi thể hiện sáng tạo trên cây đàn nguyệt. Ông đã đưa ngôn ngữ âm nhạc hiện đại vào cây đàn nguyệt, khai thác triệt để cách lên dây quãng bảy thứ (gọi là dây tố lan) nhờ đó mà kĩ thuật cũng như nghệ thuật diễn tấu được nâng lên một bước quan trọng.
Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Ba cùng nhóm đi biểu diễn ở nhiều nhà hàng của Hà Nội. |
Cũng nhờ tác phẩm này đã đem đến cho ông tài sản mà theo ông là "từ trên trời rơi xuống". Chuyện là vào tháng 4 năm 2019, ông bất ngờ nhận được một lá thư từ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chuyển đến. Trong bức thư, một hãng phim của Mỹ đã xin lỗi vì sử dụng nhạc phẩm trong một bộ phim mà không xin phép tác giả.
Cũng theo bức thư thì họ đã nhận xét "Tình quân dân" là một bản nhạc hay, đẹp và độc đáo" và họ cũng không quên trả ông số tiền tác quyền lên tới 30 nghìn USD. Với hoàn cảnh của nhạc sĩ Xuân Ba hiện tại thì có thể nói đây là số tiền rất lớn, rất bất ngờ.
Nhưng điều làm ông bất ngờ hơn nữa là dù đã xem phim và nghe nhạc nhưng ông không phát hiện ra tác phẩm của mình đã sử dụng trong ấy, là bởi thay vì dùng đàn nguyệt, họ đã dùng bộ gõ cùng với dàn trống hiện đại "để tạo sự biểu đạt cao hơn mà vẫn giữ được hồn cốt của bản nhạc".
3. Nếu "Tình quân dân" là "món quà" để ông trả nợ nơi "quê cha đất tổ" thì "Trăng Tây Hồ" lại là sự "đền ơn, đáp nghĩa" với nơi đã cho ông có được tên tuổi, sự nghiệp như ngày hôm nay. Những ngày uống rượu, đọc thơ bàn sự đời cùng nhà thơ Phùng Quán, nhạc sĩ Văn Cao bên bờ hồ Tây lộng gió, những lần được thỉnh chuông chùa Trấn Quốc… đã đem đến cho ông cảm xúc để viết lên ca khúc mang đậm âm hưởng ca trù, một thể loại âm nhạc truyền thống, đặc sắc của mảnh đất nghìn năm văn hiến.
"Thời điểm năm 1985, khi tôi sáng tác ca khúc này thì hồ Tây còn chưa thắp điện vào ban đêm, hơn nữa xung quanh khu vực hồ Tây đều là những địa danh văn hóa, lịch sử, làng văn hóa nên càng khiến không khí thật trở nên trang nghiêm, ấm cúng, gần gũi. Cảm xúc xuyến xao, bồi hồi ấy đã khiến tôi sáng tác lên ca khúc này", nhạc sĩ Xuân Ba nhớ lại.
Bài hát đã nhắc đến những con đường gắn với Thủ đô, với khu vực xung quanh hồ Tây, như: Đường Quảng An, Nghi Tàm, Cổ Ngư (đường Thanh Niên hiện nay), công viên Bách Thảo... và sự tích trâu vàng, mang đến cho người nghe cảm giác như đang đứng bên hồ Tây, nghe tiếng sóng lao xao giữa bảng lảng sương sớm.
Nhưng hơn hết đó là nỗi khắc khoải, day dứt, là "vầng trăng trong tim" mỗi kẻ sĩ Bắc Hà với nhiệm vụ bảo vệ non sông đất nước: "Hồ Tây hồ Tây ơi/ Trăng trong lòng ta dâng đây nỗi nhớ/ Không chỉ một lần không chỉ một lần/ Đêm khuya thanh vắng trăng sáng lưng trời lai láng đầy ư vơi/ Tây Hồ ơi, hồ Tây ơi/ Trăng trong lòng ta bỗng dâng tràn sóng vỗ/Vắng bóng trâu vàng nhớ trống canh gà, ôi chuông Trấn Quốc/ Trăng sáng muôn trùng tiếng nói vô vàn non sông đất nước".
Có thể nói "Trăng Tây Hồ" đã chất chứa những lời "gan ruột" của người nhạc sĩ, nghệ sĩ dù không sinh ra và lớn lên trên đất Thăng Long nhưng đã gắn bó gần như cả cuộc đời mình với mảnh đất đầy thương mến này. "Trăng Tây Hồ" cùng tinh thần, ý chí của nhạc sĩ Xuân Ba vẫn hừng hực, bỏng cháy giữa đất trời Thủ đô.
Ngô KhiêmXem thêm: /311326-cahk-aB-nauX-is-ehgn-tom-oC/aoh-nav-ueil-uT/nv.moc.dnac.acnv